Howard Schultz và hành trình kiến tạo đế chế cà phê 82 tỷ USD Starbucks

Howard Schultz và hành trình kiến tạo đế chế cà phê 82 tỷ USD Starbucks

30 năm trước, Howard Schultz bắt đầu kinh doanh cà phê với một mục tiêu tăng cường mối quan hệ cá nhân giữa khách hàng với cà phê.

30 năm sau chuỗi cà phê Starbucks do ông góp công lớn xây dựng đã trở thành đế chế cà phê lớn nhất toàn cầu với vốn hóa thị trường lên tới 82 tỷ USD.

Năm ngoái, lợi nhuận của Starbucks đạt 2,8 tỷ USD trên tổng doanh thu 19 tỷ USD, cả hai đều là mức cao kỷ lục.

Dù là một CEO không còn trẻ nhưng Howard Schultz không bị bó buộc bởi cách điều hành truyền thống. Ông được biết đến như một hình mẫu của CEO năng động và tiến bộ, biết quan tâm đến các vấn đề xã hội cũng như chế độ phúc lợi của nhân viên.

Chủ tịch kiêm CEO Starbucks Howard Schultz. Ảnh: Stephen Brashear / Getty.

Trên thực tế, trong một lá thư gửi các nhân viên hôm thứ Hai (11/7), Schultz đã công bố tăng lương từ 5-15% cho tất cả các nhân viên của Starbucks tại Mỹ từ 3/10. Việc tăng lương củng cố cam kết lâu năm của Schultz về việc đầu tư vào các nhân viên của công ty, và góp phần khẳng định vị thế của Starbucks như một phần quan trọng của nền kinh tế Mỹ hiện nay.

Xuất thân từ một gia đình lao động nghèo tại Brooklyn, Howard Schultz đã vượt qua nghịch cảnh và phát triển một quán cà phê độc đáo tại Seattle (Mỹ) thành chuỗi cà phê lớn nhất thế giới - một mô hình chủ nghĩa tư bản có trách nhiệm.

Hãy cùng nhìn lại hành trình gây dựng Starbucks thành một đế chế thành công của vị CEO tài năng Howard Schultz qua những cột mốc đáng nhớ dưới đây - nội dung phần lớn được trích từ hồi ký “Dốc hết trái tim” (Pour Your Heart Into It) của ông.

Schultz sinh ngày 19/7/1953, tại Brooklyn, New York trong một dự án nhà ở xã hội đã xuống cấp.

Ảnh: YouTube / Bloomberg.

Ông trải qua tuổi thơ nghèo khó. Khi Schultz 7 tuổi, cha của ông (lao động chính của gia đình) đã gặp tai nạn ở mắt cá chân khi đang lái xe tải vận chuyển tã giấy. Vào thời điểm đó, cha của ông không có bảo hiểm y tế hoặc bảo hiểm tai nạn lao động, và nguồn thu nhập của gia đình ông cũng theo đó mất luôn.

Ảnh: Bill Pugliano / Getty Images.

Lên trung học, Schultz chơi bóng đá và đã giành được một học bổng thể thao của Đại học Bắc Michigan. Nhưng do phải bắt đầu học đại học, ông quyết định trì hoãn niềm đam mê với bóng đá lại.

Ảnh: Elaine Thompson / AP.

Để trả học phí, Schultz đã tham gia một số chiến dịch hỗ trợ sinh viên thời điểm đó như vay vốn và tạo việc làm thêm (bao gồm cả bồi bán và thậm chí đôi khi là bán máu).

Sau khi tốt nghiệp vào năm 1975, Schultz đã dành một năm làm việc tại một nhà nghỉ trượt tuyết ở Michigan. Sau đó, ông quyết định tham gia chương trình đào tạo bán hàng tại Xerox, nơi ông đã trau dồi được những kinh nghiệm giao tiếp qua điện thoại và xử lý văn bản.

Ảnh: Chip East / Reuters.

Tuy nhiên, công việc này không thực sự hấp dẫn ông nên ba năm ông đã chuyển đến làm việc tại Hammarplast, một công ty sản xuất đồ gia dụng thuộc sở hữu của tập đoàn Perstorp Thụy Điển. Tại đây, Schultz đã thăng tiến lên các cấp bậc phó chủ tịch và tổng giám đốc, đứng đầu nhóm nhân viên bán hàng tại văn phòng New York.

Ảnh: YouTube / Bloomberg.

Tại Hammarplast, lần đầu tiên ông được làm quen với Starbucks. Khi đó, Starbucks đã có một vài cửa hàng ở Seattle và gây chú ý cho ông khi đặt một lượng rất lớn máy pha cà phê nhỏ giọt.

Ba sáng lập viên của Starbucks: Zev Siegl, Jerry Baldwin và Gordon Bowker (không có Howard Schultz). Ảnh: YouTube / Bloomberg Business.

Tò mò, Schultz đã đến Seattle để gặp chủ sở hữu của công ty, Gerald Baldwin và Gordon Bowker. Ông bị ấn tượng bởi niềm đam mê của đối tác và sự dũng cảm của họ trong việc chọn bán một sản phẩm mà chỉ có thể hấp dẫn một nhóm bộ phận nhỏ khách hàng thích cà phê và sành ăn.

Một năm sau, khi 29 tuổi, Schultz đã thuyết phục được Baldwin thuê ông làm giám đốc phụ trách bán lẻ và tiếp thị. Vào thời điểm đó, Starbucks đã có ba cửa hàng, nhưng nó chủ yếu bán cà phê để sử dụng nhà, Schultz nói.

Cửa hàng Starbucks đầu tiên vẫn đặt tại Pike Place Market ở Seattle, Washington. Ảnh: John Tregoning / Flickr.

Sự nghiệp của Schultz và số phận của Starbucks đã thay đổi mãi mãi khi công ty cử tham dự một sự kiện quốc tế tại Milan.

Ảnh: Alberto Lowe / Reuters.

Trong khi đi bộ quanh thành phố, ông đã gặp một số quán bar phục vụ cà phê espresso, đồng thời phục vụ khách hàng các loại cà phê cappuccinos và cà phê latte theo yêu cầu. “Đó là một khoảnh khắc mang tính giác ngộ”, Schultz viết về thời điểm ông nhận ra mối quan hệ cá nhân giữa mọi người có liên quan chặt chẽ thế nào đến việc thưởng thức cà phê.

Ảnh: Mario Tama / Getty Images.

Năm 1985, Schultz đã trình bày ý tưởng mới của ông (sau khi học tập được những kinh nghiệm từ Ý) với những người sáng lập Starbucks nhưng đã bị gạt đi. Bước ngoạt này đã khiến ông quyết tâm bắt đầu lập công ty cà phê của riêng ông - Il Giornale.

Để Il Giornale "cất cánh", Schultz đã đầu tư hơn 1,6 triệu USD.

Ảnh: Tina Fineberg / AP.

Schultz đã viết trong cuốn hồi ký "Dốc hết trái tim" rằng: "Trong suốt thời gian gọi vốn từ các nhà đầu tư tôi đã đưa ra lời đề nghị với 242 người, và có tới 217 từ chối. Hãy thử tưởng tượng bạn sẽ phải giữ vững niềm tin thế nào để nghe rất nhiều lời từ chối với lý do tại sao ý tưởng của bạn không đáng để đầu tư... Đó quả là một khoảng thời gian thật khó khăn".

Sau 2 năm tiếp tục làm việc tại Starbucks, Schultz đã tách ra hoàn toàn để tập trung vào việc phát triển cửa hàng Il Giornale để nhân rộng văn hóa cà phê mà ông đã nhìn thấy ở Ý. Vào tháng 8/1987, Il Giornale đã mua lại Starbucks với giá 3,8 triệu USD, Schultz cũng đồng thời trở thành Giám đốc điều hành của tập đoàn Starbucks. Vào thời điểm đó, Starbucks có sáu cửa hàng.

Ảnh: Getty Images.

Người Mỹ nhanh chóng tỏ ra thích thú với Starbucks. Năm 1992, công ty đã niêm yết trên sàn Nasdaq, Starbucks thời điểm đó có 165 cửa hàng với 93 triệu USD doanh thu năm.

Ảnh: Ted S. Warren / AP.

Sau thành công ở Mỹ, Starbucks không ngừng vươn ra thế giới. Tính đến năm 2000 Starbucks đã trở thành chuỗi cà phê toàn cầu với hơn 3.500 cửa hàng và doanh thu năm 2,2 tỷ USD.

Thành công của Starbucks đã giúp Schultz có thể đầu tư vào điều ông thích. Năm 2001 ông đã ông mua lại đội bóng rổ chuyên nghiệp SuperSonics tại Seattle với giá 200 triệu USD.

Ảnh: Otto Greule Jr / Getty Images.

Nhưng việc đầu tư có vẻ không thuận lợi khi đội tuyển SuperSonics liên tục thi đấu giảm sút. Năm 2006, ông bán SuperSonics cho một nhóm các nhà đầu tư và nhóm này đã chuyển đội bóng đến thành phố Oklahoma. Việc này đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến danh tiếng của ông ở Seattle.

Tất nhiên, Starbucks cũng đã có những lúc thất bại nhưng dưới sự điều hành của Schultz công ty đã được vực lại. Chẳng hạn, khi Schultz trở lại làm Giám đốc điều hành của công ty vào năm 2008 (sau 8 năm chỉ đảm nhiệm vị trí Chủ tịch) ông đã kéo lợi nhuận của Starbucks lên gấp 3, từ 315 triệu USD lên 945 triệu USD vào năm 2010.

Ảnh: YouTube / AARP.

Schultz đã thực hiện một số thay đổi lớn bao gồm cả việc tạm đóng cửa 7.100 cửa hàng tại Mỹ để đào tạo lại chuyên gia pha chế làm thế nào để pha được ly cà phê espresso hoàn hảo.

Trong thời gian đó, Starbucks cũng tăng gấp đôi chi phí mua cà phê sạch, lên tới 40 triệu bảng Anh (khoảng 65% tổng sản phẩm của hãng) để khôi phục lại cam kết phát triển bền vững. Tính đến năm 2015, 99% cà phê của Starbucks đều có nguồn gốc rõ ràng.

Trong suốt sự nghiệp của mình tại Starbucks, Schultz đã luôn luôn quan tâm đến nhân viên của mình, người mà ông gọi là "đối tác". Năm ngoái, công ty đã thông báo sẽ trả đầy đủ bốn năm học phí đại học cho nhân viên thông qua chương trình học trực tuyến của trường Đại học bang Arizona.

Ảnh: Stephen Brashear / Getty.

Điều này xuất phát từ chính trải nghiệm đau thương thời ấu thơ khi cha ông bị thương, Starbucks đã trở thành một trong những tập đoàn bán lẻ đầu tiên cung cấp cho tất cả nhân viên (bao gồm cả người lao động bán thời gian) bảo hiểm y tế hoàn chỉnh cũng như lựa chọn cổ phiếu.

Vào tháng 7/2016, Schultz tiếp tục tiến thêm một bước trong việc nâng cao lợi ích cho nhân viên bằng cách tăng lương ít nhất 5% cho hơn 150.000 lao động tại Mỹ. Động thái này một lần nữa khẳng định vị thế của Starbucks trong một nền kinh tế dịch vụ, nơi mà sự cạnh tranh về lao động đang ngày càng tăng.

Ảnh: Chip Somodevilla / Getty Images.

Starbucks cũng đã đi được nửa chặng đường hướng đến mục tiêu thuê 10.000 cựu chiến binh và người nhà của họ vào năm 2018. Ngoài ra, gã khổng lồ cà phê cũng hứa sẽ thuê 10.000 thanh thiếu niên (16-24 tuổi) có hoàn cảnh khó khăn thiệt thòi trong vòng ba năm tới.

Ảnh: Stephen Brashear / Getty.

Mục tiêu cuối cùng của Schultz tại Starbucks là sử dụng nền tảng toàn cầu của mình để tạo ra nhiều điều tốt đẹp hơn cho thế giới.

Ảnh: Chip Somodevilla / Getty.

Schultz đã vận dụng ảnh hưởng của mình để phản đối đạo luật cho mang theo súng, ông cũng ủng hộ tầm quan trọng của một xã hội đa dạng và đa chủng tộc, thậm chí, bắt đầu một cuộc trò chuyện xuyên biên giới về chủng tộc.

Gần đây, Starbucks vừa đưa ra FoodShare, một chương trình quyên góp các bữa ăn thừa tại các cửa hàng để lập ngân hàng thực phẩm trên khắp nước Mỹ. Chuỗi cà phê có kế hoạch tặng gần 50 triệu bữa ăn vào năm 2021.

Trong 28 năm qua, Schultz đã phát triển Starbucks thành công ty khổng lồ sở hữu hơn 22.500 cửa hàng tại 70 quốc gia mang lại doanh thu hàng năm 19,2 tỷ USD.

Ảnh: Stephen Brashear / Getty.

“Tôi luôn luôn cảm thấy thiếu gì đó. Khi những người khác đã dừng lại nghỉ ngơi, tôi vẫn chạy, theo đuổi một điều mà không ai khác có thể thấy”, ông viết trong hồi ký "Dốc hết trái tim".

Theo thống kê của Wealth-X, tài sản của Howard Schultz hiện nay ước tính ít nhất khoảng 2,6 tỷ USD.

Ảnh: Elaine Thompson / AP.

Trong hồi ký "Dốc hết trái tim" Schultz tiết lộ thành công của ông ngày hôm nay là để tưởng nhớ người cha quá cố của ông, người đã "không bao giờ được mãn túc và nhận ra chân giá trị từ một công việc mà ông ấy thấy có ý nghĩa".

Kiều Châu
Nguồn BizLive