Hàng Việt chịu thiệt khi xuất khẩu 'núp bóng' thương hiệu lớn

Việc xây dựng các thương hiệu toàn cầu được đánh giá là rất khó khăn khi nhiều sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam không thể mang thương hiệu trong nước.

Thực tế sản phẩm Việt xuất khẩu nhiều nhưng lại không định vị được thương hiệu, phải chịu sự "núp bóng" dưới một thương hiệu nổi tiếng khác... là nỗi băn khoăn được các chuyên gia nêu lên tại diễn đàn “Thương hiệu quốc gia với sản phẩm địa phương” ngày 13/7.

Tiến sĩ Nguyễn Quốc Thịnh - chuyên gia Ban tư vấn chương trình thương hiệu quốc gia nhìn nhận, Việt Nam sẽ khó có một thương hiệu quốc gia cạnh tranh nếu các doanh nghiệp sản xuất vẫn duy trì sự gắn kết lỏng lẻo, “mạnh đường ai người nấy chạy” và cứ mãi gia công, xuất hàng "núp" dưới tên thương hiệu nổi tiếng nước ngoài...

Vị chuyên gia về tư vấn thương hiệu quốc gia nhận định, ở giai đoạn đầu, chúng ta phải chấp nhận “núp bóng” để tạo dựng hình ảnh, làm sao để khách hàng vào siêu thị chỉ cần nhìn một chiếc áo sơ mi bày bán trên kệ là biết đó là sản phẩm được sản xuất tại Việt Nam. Nhưng khi sản phẩm đã có chỗ đứng rồi thì phải tính xa hơn, xây dựng thương hiệu sản phẩm của doanh nghiệp đủ mạnh, đủ sức cạnh tranh trên thị trường…

Dệt may là một trong lĩnh vực xuất khẩu chủ yếu dưới dạng gia công cho thương hiệu nước ngoài.

“Từ con cá tra cho tới quả vải thiều, từ gạo Việt Nam cho tới thanh long… khi xuất khẩu sang các thị trường quốc tế đều chỉ ghi chung “Product of Vietnam” – sản phẩm của Việt Nam, mà không có tên bất kỳ thương hiệu doanh nghiệp sở hữu nào. Sẽ rất khó để Việt Nam có những thương hiệu lớn như Coca Cola, Lacoste, Nokia… nếu các doanh nghiệp cứ mãi sản xuất gia công, không liên kết nhau lại”, ông nói.

Sự liên kết giữa các doanh nghiệp để xây dựng thương hiệu sản phẩm mạnh, đủ sức cạnh tranh với các nhãn hàng nổi tiếng thế giới, theo ông Thịnh, không chỉ dừng lại ở một ngành hàng nào, mà phải lan toả ra các vùng, miền, địa phương...

Khác với trước đây, chiến lược cạnh tranh bằng thương hiệu được nhắc tới nhiều và không chỉ dừng lại ở cấp độ cạnh tranh của doanh nghiệp, mà đã được nâng cao lên thành mức độ cạnh tranh của một địa phương, quốc gia. Trên thế giới hiện có hơn 80 nước đang triển khai trương trình xây dựng thương hiệu quốc gia, hầu hết các nước trong khu vực Đông Nam Á cũng đã tiến hành xây dựng thương hiệu quốc gia cho riêng mình.

Vì thế, việc Việt Nam triển khai chương trình xây dựng thương hiệu quốc gia không nằm ngoài xu hướng phát triển chung. Một trong những cách tạo sự lan toả thương hiệu quốc gia, là gắn kểt chương trình thương hiệu quốc gia với việc xây dựng các điểm đến du lịch. Bởi các điểm đến du lịch góp phần gia tăng việc biết đến thương hiệu quốc gia rất nhanh.

Chiến lược cạnh tranh bằng thương hiệu được nhắc tới nhiều và không chỉ dừng lại ở cấp độ cạnh tranh của doanh nghiệp, mà đã được nâng cao lên thành mức độ cạnh tranh của một địa phương, quốc gia.

Đề xuất này của vị chuyên gia tư vấn thương hiệu xuất phát từ thực tế trải nghiệm của bản thân ông. Là người đi nhiều, nhưng mỗi lần tới một tỉnh, thành phố nào đó Tiến sĩ Thịnh rất vất vả khi muốn tìm hiểu về các món ăn ngon của vùng, miền đó.

“Tìm trên mạng thông tin cũng rất ít, khách sạn thì chỉ có số cố định gọi đến không ai nhấc máy; hay món ăn thì cũng quanh quẩn nào xúc xích, thịt nướng…”, vị Tiến sĩ nói.

Bên cạnh đó, ông cũng cho rằng, cần phải khai thác được những chỉ dẫn địa lý, gắn liền sản phẩm với từng địa phương, để Lục Ngạn thành thương hiệu cho quả vải, để Cao Phong trở thành thương hiệu cho những trái cam.

Ngoài sự gắn kết, cũng cần đặt ra một cơ chế liên quan tới quản lý. Các doanh nghiệp đạt thương hiệu quốc gia cần thực hiện đẩy đủ cam kết của mình với người tiêu dùng về uy tín, chất lượng của sản phẩm.

“Chúng ta đang tạo dựng hình ảnh cho đất nước Việt Nam thông qua các sản phẩm xuất khẩu ra nước ngoài nhưng người dân trong nước lại chưa tin dùng sản phẩm của Việt Nam. Như thế thì làm sao đòi hỏi người nước ngoài tin dùng sản phẩm của chúng ta được”, vị Tiến sĩ trăn trở.

Anh Minh
Nguồn VnExpress