Chương tiếp của cuộc chiến TV: OLED và chấm lượng tử

TV màn hình OLED và đối thủ là công nghệ chấm lượng tử có thể sẽ là tương lai của ngành công nghiệp TV.

Từ lâu nay, các hãng sản xuất chạy đua trên từng tiêu chuẩn nhỏ cho những chiếc TV cao cấp. Màn hình ultra HD, điểm ảnh nhiều hơn, kích thước lớn hơn biến những chiếc TV Full HD trở thành đồ cổ. Mục đích của họ, không gì khác là chiếm trọn phòng khách của người tiêu dùng.

“Đây sẽ là năm của...”, người dùng đã quá quen thuộc với những tuyên bố như vậy của các nhà sản xuất TV khi một dòng sản phẩm mới ra mắt.

Qua những gì người dùng được chứng kiến, có vẻ như cuộc chiến trong việc tạo ra những chiếc TV sexy nhất thế giới tỏ ra khốc liệt hơn bao giờ hết trong năm nay, 2016.

Trong cuộc chiến này, công nghệ màn hình LED hữu cơ (OLED - với LG là người hậu thuẫn) và công nghệ có tên gọi “chấm lượng tử” (công nghệ màn hình LCD sử dụng tinh thể nano) đang thể hiện ưu thế vượt trội.

LG G6 Signature với độ mỏng chỉ gần 3mm. Ảnh: Digital Trend.

Với công nghệ chấm lượng tử, Samsung tuyên bố có thể tạo ra hình ảnh tương đương màn hình OLED. Quan trọng hơn, vật liệu chấm lượng tử có thể giúp tạo ra các dòng màn hình LCD giá rẻ với một vài hiệu chỉnh. OLED vốn có truyền thống khó sản xuất, cũng là nguyên nhân khiến các dòng TV sử dụng công nghệ này chậm chạp xâm nhập thị trường.

“Chúng tôi tin rằng chấm lượng tử sẽ là tương lai của công nghệ hiển thị”, Joe Stinziano - Phó chủ tịch mảng người dùng doanh nghiệp của Samsung Electronics Mỹ từng chia sẻ.

Trong khi đó, LG cho thấy họ sẽ đánh cược vào công nghệ màn hình OLED. Đầu năm nay, LG giới thiệu mẫu TV cao cấp G6 Signature, được coi như là hình ảnh hiển thị trên một tấm kính với độ mỏng 2,57mm. Độ mỏng của nó tương đương với 4 chiếc thẻ tín dụng xếp chồng lên nhau.

Màn hình OLED không cần đèn nền, cho phép TV và các thiết bị điện tử sử dụng công nghệ này có kết cấu siêu mỏng.

Màn hình sử dụng công nghệ OLED có thể dễ dàng uốn dẻo và cực tiết kiệm năng lượng. LG cũng đang phát triển bản mẫu màn hình TV OLED có thể cuộn tròn như tờ giấy.

Mặc dù vậy, vẫn có những tranh cãi về việc màn hình OLED có thực sự tạo ra hình ảnh chất lượng vượt trội so với đối thủ. Thực tế, độ tương phản và tái hiện màu sắc của màn hình OLED là cao hơn.

Samsung chạy theo công nghệ màn hình chấm lượng tử (quantum dot). Cũng có những tin đồn cho rằng hãng sẽ quay lại công nghệ màn hình OLED vào năm 2018. Ảnh: Xconomy.

Trong năm 2016, có một công nghệ hiển thị mới được nhiều hãng quan tâm là HDR (dải tương phản động mở rộng). Công nghệ này hứa hẹn mang đến màu sắc còn thực tế, chi tiết cao hơn nữa, đồng thời có thể đạt độ phân giải 8K.

Dù sử dụng những công nghệ mới mẻ thế nào đi nữa, có một yếu tố các nhà sản xuất phải tính đến chính là nội dung phù hợp. Một tin vui cho họ là trong năm nay, các studio tại Hollywood lên kế hoạch ra mắt khoảng hơn 100 bộ phim sử dụng format Ultra HD Blu-ray.

Tuy nhiên, đã có nhiều tiền lệ về việc các thế hệ TV mới được thổi phồng trước mắt người tiêu dùng, sau đó thất bại, điển hình là các mẫu TV 3D. Chúng từng được coi là tương lai của ngành công nghiêp TV nhưng chưa bao giờ đạt được kỳ vọng của nhà sản xuất và bị khai tử lặng lẽ khỏi thị trường.

Nếu các nội dung độ phân giải Ultra HD không phát triển đủ mạnh, những công nghệ như OLED hay chấm lượng tử cũng chỉ mang tính chất quảng bá không hơn không kém.

Đức Nam
Nguồn Zing News