Walmart và P&G: Khi mối quan hệ chỉ còn là nghĩa vụ

Walmart và P&G dường như đang trong giai đoạn tồi tệ nhất của mối quan hệ.

Năm ngoái, lãnh đạo P&G sôi sục khi Walmart cho để sản phẩm của một đối thủ cạnh tranh tới từ châu Âu ngay bên cạnh loại bột giặt nổi tiếng Tide của hãng. Điều này khiến gã khổng lồ hàng tiêu dùng không khỏi “xù lông nhím” – công ty này vốn luôn xem những kệ hàng của Walmart là “bất động sản” bán lẻ giá trị nhất của họ.

Các nhân viên P&G đổ xô tới những cửa hàng Walmart để chụp ảnh về bột giặt cao cấp của đối thủ cạnh tranh mang tên Persil – thuộc sở hữu của hãng Henkel, Đức. Họ cũng thiết lập một “phòng chiến tranh” tại văn phòng gần trụ sở tại Bentonville của Walmart. Để đánh bại Persil tại Walmart, họ đã tăng mức chi cho các chiến dịch quảng cáo Tide lên tới 30% theo một người thân cận với vấn đề này.

Walmart – nhà bán lẻ lớn nhất thế giới và P&G – công ty hàng tiêu dùng lớn nhất thế giới đang tăng cường đối đầu nhau trong bối cảnh cả hai đang tìm kiếm cách tăng doanh thu từ những mảng kinh doanh chính đang có dấu hiệu tăng trưởng chậm lại.

Ảnh: Velotide.

Những nỗ lực này hiển nhiên gây ảnh hưởng không nhỏ tới nền tảng mối quan hệ hợp tác vốn được hình thành từ khá lâu của cả 2 bên. Chưa kể đến việc, lãnh đạo của cả 2 công ty đều đang phải chịu sức ép lớn từ các nhà đầu tư và họ không ngần ngại "chiến đấu" để vượt bên còn lại.

Mặc dù doanh số bán hàng của Walmart tăng gần 1% trong quý kết thúc vào 30/4 nhưng doanh thu hàng năm của hãng lại giảm lần đầu tiên kể từ khi công ty IPO vào năm 1970. Họ cũng đã đóng 154 cửa hàng tại Mỹ từ đầu năm nay.

Trong khi đó, phía P&G không tạo thêm được một sản phẩm nào đột phá có thể mang về mức doanh thu hàng năm 1 tỉ USD kể từ năm 2005. Tổng thể tốc độ tăng trưởng doanh thu hàng năm của họ gần như đình trệ, đạt mức thấp nhất 4 năm ở mức 70,7 tỉ USD trong năm 2015. Công ty cũng đã cắt giảm 20.000 việc làm kể từ năm 2012.

Hiện nay, cả hai công ty đều đã phát triển thành gã khổng lồ, họ dựa vào nhau để bán hàng loạt sản phẩm tiêu dùng hàng ngày tới tay người tiêu dùng như bột giặt, chất tẩy rửa... Riêng năm ngoái, P&G đã bán được gần 10 tỉ USD giá trị hàng hóa thông qua các cửa hàng của Walmart.

Mối “thâm tình” giữa 2 công ty bắt đầu rạn nứt khi xu hướng mua sắm trực tuyến dần trở nên phổ biến và khẩu vị của người tiêu dùng cũng thay đổi.

Tuy nhiên, mối “thâm tình” giữa 2 công ty bắt đầu rạn nứt khi xu hướng mua sắm trực tuyến dần trở nên phổ biến và khẩu vị của người tiêu dùng cũng thay đổi. Họ không còn ưa thích những thương hiệu sản phẩm hàng đầu của P&G mà chuyển sang dùng các sản phẩm thay thế rẻ hơn.

Phía Walmart đang phải chi hàng tỉ USD để phát triển mảng kinh doanh thương mại điện tử và tăng lương cho nhân viên tại các cửa hàng. Cùng thời điểm, họ gây áp lực cho các nhà cung cấp – buộc họ giảm giá những mặt hàng bán chạy với tham vọng đuổi kịp Amazon và hàng loạt chuỗi cửa hàng giảm giá. Tất cả những vấn đề đó buộc Walmart phải đóng cửa hàng, giảm tồn kho và ép các nhà cung cấp bao gồm cả P&G phải nhượng bộ.

Ngược lại, P&G lại muốn tăng doanh số bán các sản phẩm của họ ở Walmart, duy trì mức giá cao đối với một số sản phẩm và được cho nhiều không gian trên các kệ hàng hơn. Điều này buộc họ phải loại bỏ hàng tá sản phẩm bao gồm cả mỹ phẩm CoverGirl và pin Duracell chỉ để tập trung vào những thương hiệu cao cấp như Gillette và Tide.

“Họ cần có nhau”, theo Lou Prichett – cựu Phó chủ tịch kinh doanh của P&G – người từng gặp nhà sáng lập Walmart là Sam Walton vào năm 1987 để xây dựng nền móng mối quan hệ hợp tác giữa 2 bên. “Họ đều biết điều đó. Tuy nhiên đôi lúc, tình hình trở nên khá căng thẳng”.

Cả 2 công ty đều từ chối cho biết chi tiết về mối quan hệ hợp tác giữa 2 bên. “Walmart có mối quan hệ hợp tác lâu dài với P&G”, theo Lorenzo Lopez – một người phát ngôn của công ty. “Chúng tôi sẽ tiếp tục hợp tác cùng nhau để có thể bán hàng hóa với giá rẻ nhất tới tay người tiêu dùng”.

Trong khi đó, người phát ngôn Damon Jones của P&G thì nói rằng: “Chúng tôi đánh giá cao mối quan hệ hợp tác với các đối tác bán lẻ và nỗ lực cùng họ phục vụ khách hàng, xây dựng danh mục hàng hóa và tăng thêm giá trị cho các cổ đông”.

Ảnh minh họa: The New York Time.

Mối quan hệ “sứt mẻ” vì cạnh tranh về giá ngày càng leo thang

Căng thẳng giữa mối quan hệ hợp tác của 2 bên bắt đầu leo thang kể từ 2 năm trước khi nhà bán lẻ giảm giá của Đức là Aldi bắt đầu hạ giá loại nước thơm xịt phòng Febreze Air Effect của P&G – sản phẩm chiếm gần ¼ doanh số bán mặt hàng này của Walmart.

Aldi đã tung một đòn chí mạng vào đúng điểm yếu của Walmart, họ chấp nhận cắt giảm lợi nhuận để lấy thị phần trong phân khúc mà Walmart đang thống trị. Những sản phẩm làm thơm phòng được bán rất chạy, nhất là với những khách hàng có thu nhập thấp – đối tượng khách hàng cốt lõi của họ. Người phát ngôn của Aldi từ chối bình luận về vấn đề này.

Sau một vài tháng, Walmart bắt đầu “ngấm đòn” và họ yêu cầu P&G đưa ra mức giá hợp lý hơn cho dòng sản phẩm nước thơm, theo một người liên quan tới vấn đề này.

Cuối cùng, năm ngoái, P&G đã chịu nhượng bộ và giảm cho Walmart 27 cent cho mỗi sản phẩm. Hiện tại, Aldi và Walmart bán loại nước thơm này với giá ngang nhau tại thị trường Mỹ.

Bản thân Walmart hiện đang khiến một số nhà cung cấp lo sợ khi giảm vị trí để hàng trên kệ và đồng thời cho thêm nhiều thương hiệu của riêng cửa hàng vào. Để trấn an nhà cung cấp, lãnh đạo Walmart nói rằng việc này sẽ thu hút được nhiều khách hàng tới hơn và những sản phẩm mang thương hiệu của chính siêu thị sẽ đẩy mạnh lòng trung thành của khách hàng và lượng khách hàng ghé mua.

Ảnh minh họa: The New York Times.

Trong tháng 2 vừa qua, Foran và vị Giám đốc kinh doanh mới được bổ nhiệm của công ty là Steve Bratspies đã có bài phát biểu tại một hội thảo với nội dung nhấn mạnh vào việc Walmart sẽ làm việc “chặt chẽ” hơn với các nhà cung cấp và xiết chặt vấn đề chi phí.

Năm qua, theo nguồn tin từ tờ WSJ thì Walmart đã buộc rất nhiều trong số hàng nghìn nhà cung cấp của họ ký kết hợp đồng mới với điều khoản về việc tăng giá vận chuyển sản phẩm của họ giữa các nhà kho của Walmart hay mua vị trí trên các kệ hàng ở siêu thị.

Dẫu vậy theo một nguồn tin thân cận thì P&G kịch liệt phản đối những điều khoản mới từ phía Walmart và cả 2 bên đã trải qua rất nhiều cuộc đàm phán căng thẳng. Và nhiều khả năng, phía Walmart đã phải chịu nhượng bộ.

Điều đáng nói là trước khi nảy sinh tất cả những vấn đề này, mối quan hệ của Walmart và P&G nổi tiếng tốt đẹp. Một số nguồn tin ghi lại cho biết, vào những năm 2000, lãnh đạo 2 công ty thậm chí còn nghỉ lại tại nhà của nhau khi họ có cuộc họp hay hội thảo.

Nói theo một cựu lãnh đạo giấu tên của Walmart thì trong giai đoạn khó khăn, 2 gã khổng lồ dường như đang trong “mới quan hệ tồi tệ” và họ “chỉ còn bên nhau vì nghĩa vụ”.

Vân Đàm / WSJ
Nguồn Trí thức trẻ