[Nielsen] Mua sắm hàng tạp hóa: Giá trị có vai trò quan trọng hơn là giá thấp

Ngày nay, mô hình cửa hàng bán lẻ đã phát triển rất mạnh mẽ. Nhờ sự cải tiến của quy trình chuỗi cung ứng, các cửa hàng nhỏ như cửa hàng tiện lợi hoặc siêu thị mini ngày càng có thể đạt được mức độ lợi nhuận cao hơn.

Từ đó, mô hình cửa hàng nhỏ ở nhiều thị trường tại khu vực Đông Nam Á ngày càng phát triển và giành thị phần từ siêu thị hoặc đại siêu thị. Thêm nữa, cuộc chiến để có được người mua hàng ngày càng khốc liệt đã khiến các nhà sản xuất lẫn nhà bán lẻ ngày càng phụ thuộc vào các chương trình khuyến mãi để thu hút khách hàng. Tuy nhiên, đối với người tiêu dùng Việt Nam, giá cả không phải là yếu tố duy nhất ảnh hưởng đến quyết định lựa chọn sản phẩm cũng như lựa chọn cửa hàng nào để mua hàng, mà là những yếu tố khác chẳng hạn như “giá trị của sản phẩm xứng đáng với giá thành thành sản phẩm”, theo nghiên cứu mới được công bố bởi công ty đo lường toàn cầu – Nielsen.

Khảo sát toàn cầu “Các Chiến Lược Phát Triển Ngành Bán Lẻ” của Nielsen được thực hiện để hiểu những điều tốt và chưa tốt trong trải nghiệm mua sắm của người tiêu dùng và lý do tại sao người tiêu dùng chọn cửa hàng này mà không phải là cửa hàng khác. Chúng tôi cũng xem xét trên 19 ngành hàng khác nhau để xác định đâu là những thuộc tính quan trọng nhất đối với các sản phẩm thuộc những ngành hàng đó. Cuối cùng, chúng tôi cũng khảo sát xem người tiêu dùng có sẵn sàng để sử dụng các dịch vụ bên trong cửa tiệm và phản ứng của họ đối với vấn đề tăng giá như thế nào, để từ đó xác định những điểm nào cần phải phát triển thêm hoặc cải thiện cho tốt hơn.

Top 5 thuộc tính ảnh hưởng đến quyết định lựa chọn cửa hàng của người Việt.

[Để tải báo cáo đầy đủ, bấm vào đây]

Người Việt không chỉ quan tâm đến giá rẻ, mà họ còn cần nhiều hơn nữa

Theo báo cáo của Nielsen, không ngạc nhiên khi “yếu tố giá” đóng một vai trò quan trọng trong việc mua hàng của người tiêu dùng. Thật vậy, khi được hỏi về những yếu tố nào ảnh hưởng đến quyết định mua sản phẩm của 19 ngành hàng được khảo sát thì giá là 1 trong 2 yếu tố quan trọng nhất ảnh hưởng đến quyết định mua hàng của người Việt. Yếu tố còn lại đó là “hương vị” đối với các “ngành hàng có thể ăn/uống được” và “thương hiệu” đối với các ngành hàng tiêu dùng khác. NTD Việt đang tìm kiếm những sản phẩm “đáng đồng tiền bát gạo” nhất đối với họ, trong bất kể bối cảnh kinh tế đang diễn ra như thế nào. Gần 6 trên 10 người Việt cảm thấy thích việc dành thời gian đi tìm các sản phẩm giá rẻ.

Nhưng khi nói về việc lựa chọn cửa hàng, thì có những yếu tố khác ảnh hưởng đến sự lựa chọn của NTD chứ không chỉ đơn là là yếu tố liên quan về giá. Sự sẵn có của sản phẩm (62%), sản phẩm có chất lượng cao (57%), vị trí cửa hàng thuận tiện (54%), cung cách phục vụ của nhân viên tại cửa tiệm (51%) và sắp xếp / phân loại hàng hóa hợp lý (51%) là 5 yếu tố quan trọng nhất ảnh hưởng đến quyết định lựa chọn cửa hàng của NTD.

“Mặc dù hoạt động khuyến mãi sôi nổi được tạo ra bởi cả nhà bán lẻ cũng như nhà sản xuất đã tạo ra sự kỳ vọng của NTD rằng giá thấp là một yếu tố tiêu chuẩn trên thị trường, và khi NTD đang điều chỉnh lại chi tiêu của họ và sự thật là họ quan tâm đến giá trị của sản phẩm hơn là vấn đề giá rẻ,” - Roberto Butragueño, Phó Giám đốc, Bộ phận Dịch vụ Bán Lẻ - Nielsen Việt Nam, đưa ra nhận định. “NTD sẽ sẵn sàng để trả nhiều hơn nếu họ tin rằng sản phẩm đó mang lại nhiều giá trị và lợi ích hơn là một sản phẩm giá rẻ đơn thuần. Một trong những cách hiệu quả nhất mà có thể giúp nhà bán lẻ tránh được cuộc chiến về giá và chiến lược khuyến mãi không bền vững đó là tăng nhận thức về những lợi ích mà họ cung cấp cho người tiêu dùng. Và từ lâu các nhà sản xuất và các nhà bán lẻ thông minh cũng đã biết, giá cả và giá trị sản phẩm không bao giờ là một. Tuy nhiên, để đảm bảo người mua hàng sẽ quay lại cửa tiệm, các nhà bán lẻ cần phải đáp ứng vượt trên cả mong đợi của NTD, đồng thời cũng phải chứng minh một cách thuyết phục với NTD rằng sản phẩm họ cung cấp xứng đáng với những giá trị và lợi ích mà sản phẩm ấy mang lại.”

Các phát biểu liên quan đến sức khoẻ liên quan đến việc mua sắm tại cửa tiệm của người Việt.

[Để tải báo cáo đầy đủ, bấm vào đây]

Khi chi phí sinh hoạt tăng, nhiều hơn sẽ luôn tốt hơn là cắt giảm

Tăng giá là sự thật và NTD hoàn toàn nhận thức được vấn đề này. Tuy nhiên, theo báo cáo này của Nielsen, có nhiều cách để tăng doanh số bán hàng của mình và giúp NTD đối phó với tình trạng giá tang. Khi được hỏi để xếp hạng các chiến lược giá khác nhau mà nhà sản xuất có thể sử dụng trong trường hợp chi phí nguyên vật liệu tăng lên đáng kể, thì đa phần NTD sẽ lựa chọn các sản phẩm có kích cỡ lớn hơn nhưng với giá thấp hơn cho mỗi lần sử dụng (29%). Kế đến họ sẽ chọn các dòng sản phẩm mới được giới thiệu với kích cỡ nhỏ hơn và giá thấp nhất (16%). Trong khi đó, 15% NTD Việt lựa chọn các dòng sản phẩm mà nhà sản xuất đã cắt giảm kích cỡ so với các sản phẩm hiện có.

“Nói một cách khác, các chiến lược khuyến mãi sẽ không hiệu quả nếu các nhà sản xuất cũng như nhà bán lẻ không đảm bảo các yếu tố khác để mang đến sản phẩm có giá trị cho NTD. Rõ ràng là NTD sẽ không thỏa hiệp với bất kỳ trường hợp nào không đảm bảo những giá trị xứng đáng mà họ nhận được so với những gì họ đã bỏ ra.” – Roberto nhận xét.

Các thành phần liên quan đến sức khỏe không chỉ là yếu tố “nên có”

Sẽ không ngạc nhiên khi nói sức khỏe là điều ưu tiên trên hết của NTD trong khu vực Đông Nam Á, đặc biệt là Việt Nam, vì vấn đề này đã được đề cập rất nhiều trong những năm vừa qua. Và báo cáo cũng chỉ ra rằng 79% người Việt chủ động tìm kiếm các sản phẩm mà có chứa các thành phần tốt cho sức khỏe và 74% nói rằng họ tìm hiểu về các nhãn hàng dinh dưỡng rất cẩn trọng. Đáng chú ý hơn, 48% cho biết các sản phẩm tốt cho sức khỏe hiện không đủ để đáp ứng nhu cầu của họ.

Roberto nhấn mạnh rằng “Vấn đề chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm là mối quan tâm hàng đầu hiện nay của NTD, do đó, đảm bảo chất lượng thực phẩm nói riêng cũng như chất lượng sản phẩm nói chung sẽ là một lợi thế cạnh tranh mạnh mẽ cho các nhà bán lẻ hiện đại.”

Các dịch vụ trong cửa tiệm được người Việt sử dụng nhiều nhất.

[Để tải báo cáo đầy đủ, bấm vào đây]

Tiện lợi trở thành một “tiêu chuẩn”

Với nhịp sống ngày càng nhanh hơn và quy mô hộ gia đình Việt ngày càng nhỏ dần, người Việt mong muốn tiện lợi trong mọi vấn đề, đặc biệt là việc lựa chọn cửa hàng để đi mua sắm. Gần 6 trong 10 người mua hàng VN nói rằng quyết định lựa chọn cửa hàng của họ bị ảnh hưởng bởi vị trí thuận lợi của cửa hàng đó. Hơn nữa, gần 5/10 NTD cho biết việc dễ dàng lựa chọn và mua sắm sản phẩm trong một cửa hàng được thiết kế và trưng bày hàng hóa hợp lí cũng là một yếu tố quan trọng tác động đến việc lựa chọn nơi mua sắm của họ.

Khi nói đến các dịch vụ trong cửa tiệm mà có thể đáp ứng được nhu cầu của lối sống “luôn di chuyển” của NTD, thì khoảng một nửa số người được hỏi nói rằng họ sử dụng dịch vụ ngân hàng (56%), các dịch vụ thức ăn nhanh (52%), đổ xăng (52%), các dịch vụ thư tín và dịch vụ café (47%), các dịch vụ thức ăn chế biến sẵn (45%) và các dịch vụ dược khoa (41%).

“Tiện lợi không chỉ là nói đến cửa hàng, mà nó đã trở thành một lối sống. Cửa hàng sẽ không biến mất trong thời gian gần, nhưng các cửa hàng sẽ phải thay đổi rất nhiều và rất mạnh trong thời gian tới khi thương mại điện tử ngày càng phát triển và sự mong đợi của người mua hàng liên tục thay đổi. Các nhà bán lẻ cần phải xem xét các cửa hàng của họ sẽ đóng vai trò như thế nào trong chiến lược bán lẻ đa kênh của họ (omnichannel) và làm thế nào để họ có thể sử dụng chúng nhằm tăng cường các dịch vụ của họ cũng như cung cấp giá trị cho mỗi chuyến mua hàng của NTD.” – Roberto phát biểu.

Nguồn Nielsen