Mai Linh tìm đường về với hào quang

Mai Linh đang quay lại với hoạt động kinh doanh cốt lõi là dịch vụ taxi và ngay lập tức gặt hái những kết quả thuận lợi.

Trong thời gian tới, Mai Linh sẽ chuyển dịch cả hệ thống xe của mình sang những chiếc xe điện tiết kiệm nhiên liệu, giúp công ty có thể cạnh tranh về giá so với các đối thủ như Uber, Grab hay Vinasun.

Năm 2013, khi ông Hồ Huy - nhà sáng lập của Mai Linh tổ chức một cuộc họp nhà đầu tư, bầu không khí thật ngột ngạt. Mai Linh lúc đó đứng trước tình cảnh nợ nần đầy bi đát. Nợ nhà đầu tư không trả được, nợ lương công nhân, kinh doanh đình trệ phải bán xe, bán dự án trả nợ...

Trước nguy cơ phá sản, ông chủ Hồ Huy đã phải đứng ra xin lỗi và kêu gọi nhà đầu tư, nhân viên giúp đỡ cùng ông vượt qua thời điểm sinh tử.

Chưa đầy 2 năm sau, dù chưa lấy lại được vị thế xưa nhưng ông Hồ Huy có thể tạm thở phào, một năm 2015 lãi kỉ lục là phần thưởng cho những nỗ lực tinh gọn bộ máy, tập trung vào ngành kinh doanh cốt lõi - vận tải taxi.

Năm tài chính 2015 của Mai Linh chốt lại với con số lợi nhuận kỷ lục khi lãi trước thuế 161 tỷ đồng (gấp 2,6 lần cùng kỳ), lãi sau thuế 130 tỷ đồng (gấp 3,8 lần cùng kỳ).

Doanh thu năm 2015 đạt 2.834 tỷ đồng thì đến 84,5% đến từ kinh doanh dịch vụ taxi (gần 2.400 tỷ đồng), tăng so với tỷ lệ 81,2% của năm trước.

Trong cơ cấu doanh thu của Mai Linh, khu vực phía Nam chiếm đến gần 1/2, tiếp sau là khu vực phía Bắc (32%). Mai Linh Miền Nam năm qua đã đầu tư 1.154 xe và thanh lý 442 xe, nâng tổng số xe lên trên 6.500 chiếc. Tính chung cả tập đoàn, tổng số xe đến cuối 2015 là hơn 13.500 chiếc.

Tuy lợi nhuận đạt kỷ lục trong năm 2015 nhưng con số lợi nhuận này vẫn còn rất nhỏ bé nếu so với số lỗ lũy kế của Mai Linh. Tính đến cuối năm 2014, doanh nghiệp này lỗ lũy kế lên đến 844 tỷ đồng và cuối 2015 còn 721 tỷ đồng. Điều đó có nghĩa là Mai Linh cần thêm 6 năm "kỷ lục" như năm 2015 nữa để xóa hoàn toàn lỗ lũy kế.

Hoạt động kinh doanh cốt lõi của Mai Linh đang tốt dần lên, thể hiện qua nhiều chỉ tiêu như doanh thu tăng, tỷ trọng doanh thu taxi tăng, hay biên lợi nhuận cũng tăng (từ 19,3% lên 20,2%).

Điều khiến Mai Linh và ông chủ Hồ Huy trăn trở nhất lúc này có lẽ là các khoản vay nợ khổng lồ, bởi 35% tổng tài sản của Mai Linh được hình thành nhờ các khoản vay nợ. Tính đến cuối năm 2015, tổng số vay nợ ngắn hạn và dài hạn của Mai Linh là 2.043 tỷ đồng, tiếp tục tăng so với năm trước.

Trước sự cạnh tranh từ các đối thủ trực tiếp như Vinasun, hay các đối thủ ngầm như Uber, Grab, Mai Linh chọn chiến lược "điện hóa" toàn bộ hệ thống xe hiện tại.

Doanh nghiệp này dự định sẽ nhập 10.000-20.000 xe điện từ hãng xe Renault để thay thế toàn bộ đội xe hiện tại.

Xe điện là loại phương tiện tiết kiệm chi phí khi đi vào vận hành, đồng thời phù hợp với tính chất chở khách trên các đoạn đường ngắn. Chính vì thế, Mai Linh sẽ có cơ hội lớn giảm giá cước nếu xe điện đi vào hoạt động.

Tuy nhiên, những chiếc xe điện sẽ tốn rất nhiều tiền để đầu tư, cả về xe và các trụ sạc điện. Theo con số mà lãnh đạo Mai Linh ước tính, số tiền đầu tư cho 14.000 xe điện tốn khoảng 400 triệu Euro. Chi phí xây dựng nhà xưởng bảo dưỡng và bộ sạc điện đi kèm sẽ đẩy chi phí đầu tư tăng thêm 100 triệu Euro nữa. "Đây là một trong những dự án tham vọng nhất của Mai Linh", tờ Nikkei của Nhật Bản dẫn lời ông Hồ Huy.

Dự án xe điện của Mai Linh đang trong giai đoạn thực hiện thủ tục để thử nghiệm tại TPHCM, Hà Nội và Đà Nẵng. Trước mắt trong năm tới, kế hoạch của Tập đoàn vẫn là phát triển đội xe truyền thống, đầu tư khoảng 2.900 xe và thanh lý gần 700 xe.

Bên cạnh đó, yếu tố công nghệ cũng được lãnh đạo Mai Linh nhiều lần đề cập khi nói về chiến lược của công ty. Trong đó, ERP là nền tảng then chốt. Đây là công nghệ quản trị nguồn lực doanh nghiệp, giúp hệ thống hoạt động trơn tru, hiệu quả hơn. Cùng với đó, Mai Linh cũng đang chạy đua ứng dụng gọi taxi với Uber, Grab hay Vinasun khi triển khai cùng lúc 2 ứng dụng gọi xe.

Năm 2016, đại hội cổ đông Mai Linh đã thông qua kế hoạch doanh thu tăng lên 3.100 tỷ đồng nhưng lợi nhuận trước thuế giảm xuống 118 tỷ đồng. Doanh thu tăng lợi nhuận giảm được lãnh đạo công ty lý giải là do hoạt động kinh doanh tại nhiều địa phương sẽ cạnh tranh gay gắt.

Minh Quân
Nguồn Trí thức trẻ