Mua sắm qua smartphone bùng nổ tại Việt Nam

Theo các chuyên gia thương mại điện tử, ngày càng có nhiều người tiêu dùng sử dụng smartphone để tìm hiểu thông tin sản phẩm và mua sắm. Thậm chí lưu lượng tìm kiếm, truy cập thực hiện các giao dịch từ smartphone đã "qua mặt" máy tính.

Tại hội thảo “Tăng tốc bán hàng online - Chiến lược lớn cho doanh nghiệp vừa và nhỏ” do Hiệp hội thương mại điện tử Việt Nam và Bizweb vừa tổ chức tại Hà Nội, nhận định của các chuyên gia thương mại điện tử cho thấy lưu lượng tìm kiếm, truy cập thực hiện các giao dịch từ smartphone đã qua mặt máy tính để bàn và tiếp tục tăng mạnh.

Ông Nguyễn Phi Hùng, Giám đốc DKT Media (đối tác chính thức của Google tại Việt Nam) dẫn số liệu thống kê của Google cho hay, ngày càng có nhiều người tiêu dùng sử dụng smartphone để kết nối mạng, tìm hiểu thông tin sản phẩm, mua sắm. Riêng tại Việt Nam, với hơn 40 triệu người sử dụng Internet và trong số đó có trên 35% truy cập qua smartphone. Trung bình cứ 10 người tiêu dùng thì 6 người sử dụng thiết bị di động truy cập website, Facebook và Google để tìm kiếm (tỷ lệ này tiếp tục tăng trong thời gian tới).

Thông tin từ Cục Thương mại điện tử và CNTT, Bộ Công Thương cho thấy, với hơn 127 triệu thuê bao điện thoại, Việt Nam đang dần tiếp cận với các hình thức kinh doanh thông qua các thiết bị di động.

Mua sắm qua mobile đang ngày càng được nhiều người tiêu dùng Việt Nam đón nhận.

Có đến 85% người dân truy cập Internet bằng thiết bị di động và 74% người dân sử dụng thiết bị này để tìm kiếm thông tin trước khi mua hàng. Xu hướng này đang được dự đoán còn tăng mạnh trong thời gian tới.

Và nắm bắt thói quen người tiêu dùng sử dụng điện thoại di động để truy cập Internet và tìm kiếm thông tin, 18% doanh nghiệp đã có ứng dụng bán hàng qua thiết bị di động và 21% doanh nghiệp có website phiên bản di động.

Theo Báo cáo thương mại điện tử năm 2015, 88% người được khảo sát dùng thiết bị di động để tìm kiếm thông tin sản phẩm trước khi ra quyết định mua hàng và 27% từng đặt hàng thông qua thiết bị di động.

Thống kê sơ bộ từ các trang bán lẻ trực tuyến, số lượt giao dịch trung bình qua di động của các trang bán lẻ trực tuyến đạt 30-45%, tại một số trang khác còn cao hơn. Như đối với Lazada Việt Nam, tổng số lượng giao dịch trên thiết bị di động đã chiếm tới 60% tổng giao dịch trực tuyến. Trong khi đó đối với sàn giao dịch thương mại điện tử Sendo.vn, chia sẻ tại hội thảo “Tăng tốc bán hàng online - Chiến lược lớn cho doanh nghiệp vừa và nhỏ” ngày 11/6, ông Trần Hải Linh, Tổng Giám đốc Sendo cũng cho hay ước tính có đến 3/4 khách hàng của Sendo.vn truy cập từ điện thoại.

Thông qua smartphone, người tiêu dùng có thể mua sắm mọi lúc mọi nơi.

“Hiện xu hướng sử dụng smartphone để thực hiện các giao dịch thương mại điện tử ngày càng lớn”, ông Linh nói.

Cũng theo Bộ Công Thương, điện thoại di dộng nói riêng và các thiết bị di động nói chung (gồm cả máy tính bảng và đồng hồ thông minh) đang là phương tiện phổ biến được nhiều người sử dụng để truy cập Internet nhất. Cùng với thực tế giá 3G tương đối rẻ, mức độ phủ sóng Wi-Fi rộng là một điều kiện tốt để các doanh nghiệp thương mại điện tử mở thêm kênh bán lẻ trực tuyến thông qua các ứng dụng di động dành cho hệ điều hành iOS, Android.

Theo các chuyên gia tại hội thảo, Việt Nam rất có tiềm năng trong việc phát triển ứng dụng thương mại điện tử trên nền tảng di động. Cùng với thực tế lượng smartphone tiêu thụ tại Việt Nam lớn (riêng năm 2015 có 7 triệu smartphone được bán ra, trong đó có 35-45% được tiêu thụ vào tháng 11-12/2015), do đó thời gian tới, các doanh nghiệp Việt Nam cần tập trung đầu tư xây dựng, nâng cấp các ứng dụng bán hàng trên thiết bị di động để tiếp cận với lượng khách hàng tiềm năng sử dụng di động.

Trong đó, việc ra phiên bản mobile hỗ trợ người tiêu dùng truy cập website cần được chú trọng để đáp ứng nhu cầu thị trường, tăng khả năng cạnh tranh cho các doanh nghiệp...

HP
Nguồn ICT News