CEO Ajinomoto và bí kíp chọn lãnh đạo người Việt

Ông Hiroharu Motohashi cho rằng, người Việt Nam và người Nhật giống nhau ở chỗ đều coi trọng giá trị bữa ăn gia đình.


Chân dung vị CEO của Ajinomoto Việt Nam

* Được bổ nhiệm làm việc tại một đất nước mình chưa từng công tác, ông có cảm thấy lo lắng và bị áp lực?

Áp lực của tôi là làm thế nào hiểu được nhân viên, biết được khả năng, nguyện vọng của từng người để có những hỗ trợ và phân bổ công việc phù hợp, làm sao để điều hành các hoạt động của công ty một cách hài hòa, gắn kết được mọi người với nhau. Để làm được điều này, tôi đã dành thời gian rảnh rỗi để gần gũi, chia sẻ khó khăn với mọi người.

Chính sự hòa đồng, cởi mở, cùng ăn, cùng làm, cùng chơi của tôi với nhân viên mà họ trở nên thân thiện, gắn kết, yêu thương đồng nghiệp và công ty hơn. Nhiều năm làm lãnh đạo, tôi đã rút ra triết lý: "Nhân viên chính là người làm nên sự thay đổi của công ty, là nền tảng cơ bản của mọi sự thay đổi", vì vậy, trong nhiệm kỳ của mình, tôi luôn chú trọng việc đào tạo để những nhân viên có triển vọng sẽ là người lãnh đạo ở Ajinomoto.

Hiện ở Ajinomoto, cấp lãnh đạo nào cũng có người Việt Nam, họ là những người gắn bó với công ty suốt 21 năm qua và là những người có vai trò rất quan trọng đối với hoạt động kinh doanh của công ty. Một áp lực khác, đó là Việt Nam đang trong thời kỳ thay đổi rất nhanh, thậm chí hằng giờ, hằng ngày và trong môi trường phát triển nhanh như vậy, tôi có rất nhiều việc phải xem xét, phải nhanh nhạy phán đoán, nắm bắt tình hình. Chẳng hạn, khi vạch ra chiến lược cho công ty, có ba lựa chọn bắt tôi phải suy nghĩ, xem xét rất kỹ. Một là chọn lợi nhuận, hai là chọn phát triển, ba là chọn cả hai. Tôi cho rằng, lợi nhuận là quan trọng với bất cứ doanh nghiệp nào, nhưng phát triển mới là đường đi bền vững, lâu dài.

Và một khi đã chọn phát triển thì áp lực của người dẫn dắt là phải có những quyết định nhanh, đúng đắn vào từng thời điểm, song song đó phải có chiến lược đầu tư cho con người, nhà máy và đa dạng sản phẩm để phù hợp với nhu cầu thị trường.


* Đức tính nào của người Việt Nam ông cho là ưu điểm?

Người Việt Nam rất năng động, mạnh mẽ, luôn sáng tạo, linh hoạt để hoàn thành công việc được giao. Đặc biệt, họ có ý chí, tinh thần chiến thắng cao và không dễ dàng từ bỏ ước mơ. Song, theo tôi, đức tính đáng quý nhất của người Việt Nam là coi trọng gia đình. Trước đây, khi được ở bên vợ con, tôi không cảm nhận được mức độ quan trọng của gia đình, nhưng khi sang Việt Nam, nhìn mọi người vội vã về nhà sau mỗi chiều tan sở để được quây quần bên mâm cơm, tôi mới thấy quý trọng gia đình hơn. Vì vậy, mỗi khi được trở về nhà cùng các con thưởng thức món ăn do vợ nấu, tôi thấy bữa cơm ý nghĩa hơn rất nhiều.

* Mỗi nước có nền văn hóa riêng và thói quen, cung cách làm việc khác nhau, thời gian đầu sang Việt Nam, ông có bị "sốc" về sự khác biệt này?

Tuy có sự khác biệt nhưng về cơ bản, tôi không bị sốc nhiều lắm. Tuy nhiên, trong quản lý, văn hóa giao tiếp của người Nhật là thường ngại nói thẳng vấn đề với người khác, hoặc nói thì nhẹ nhàng, không trực tiếp để người nghe hiểu từ từ, người Việt gọi như thế là "vòng vo tam quốc". Tính người Việt vốn thẳng thắn, họ nói trực tiếp vấn đề, cái gì không hiểu thì hỏi tới. Tôi và đồng nghiệp thường bị họ hỏi vặn lại: "Ông nói cái gì tôi không hiểu", vì vậy, thời gian đầu sang đây, chúng tôi cũng bị sốc đôi chút.

* Thị trường gia vị hiện nay cạnh tranh rất gay gắt với nhiều thương hiệu, chắc hẳn đó cũng là một áp lực không nhỏ với ông?

Đúng là sự cạnh tranh hiện nay rất gay gắt, tuy nhiên với vị thế đang đứng đầu thị trường, dẫu có chút giảm sút doanh số do cạnh tranh, chúng tôi cũng không cảm thấy quá áp lực và luôn trong tâm thế chào đón những nhân tố mới vì tin rằng sản phẩm của Ajinomoto vẫn đang được người tiêu dùng tin tưởng chọn lựa. Hơn nữa, lợi thế cạnh tranh của chúng tôi là các gia vị mang tính địa phương, được định hướng phát triển theo tiêu chuẩn "ngon số 1" và tuân thủ theo biểu tượng Acos, thể hiện sứ mệnh luôn cung cấp thực phẩm ngon, dinh dưỡng và đem đến nụ cười cho mọi người trên thế giới.

Bên cạnh đó, khi có nhiều thương hiệu tham gia sẽ thúc đẩy thị trường chung phát triển nhanh hơn, người tiêu dùng có thêm chọn lựa phù hợp. Bản thân mỗi công ty sẽ có thêm động lực để cải thiện chất lượng, nghiên cứu đưa ra nhiều sản phẩm mới với giá cả cạnh tranh.

"Tôi không có bí quyết mà chỉ có một tình yêu với công việc và nỗ lực làm việc hết mình, không ngừng học hỏi ở bất cứ công việc nào."

* Để có chiến lược kinh doanh đúng thì phải am hiểu thị trường và con người bản xứ, vậy làm thế nào ông có được những chiến lược đúng và tối ưu tại Việt Nam?

Một trong những tố chất cần có của người lãnh đạo là biết lắng nghe ý kiến của cấp dưới để có những định hướng đúng. Ví dụ, khi đưa ra một sản phẩm mới, tôi phải tham khảo ý kiến và tổng hợp rất nhiều thông tin từ mọi người.

Với nguyên tắc làm việc: Muốn phát triển ở đất nước nào thì phải hiểu người dân ở đó, nên ngoài việc tìm tòi, đọc sách báo, tài liệu tìm hiểu về ẩm thực và văn hóa người dân bản địa, tôi còn hòa nhập vào cuộc sống của họ bằng cách la cà đến các chợ, siêu thị, tiếp cận với các bà nội trợ để hiểu cuộc sống, sở thích và lắng nghe sự phản hồi, nhận xét của họ về sản phẩm.

* Từ một nhân viên trở thành tổng giám đốc một công ty có bề dày như Ajinomoto, ông có thể chia sẻ về sự tín nhiệm này?

Tôi không có bí quyết mà chỉ có một tình yêu với công việc và nỗ lực làm việc hết mình, không ngừng học hỏi ở bất cứ công việc nào. Tôi làm việc cho Ajinomoto khi mới 23 tuổi, trong suốt thời gian đó, tôi được điều đi các nơi, đảm trách công việc chính là kinh doanh, tiếp thị và nhân sự. Điều tôi muốn chia sẻ là dù công việc liên tục thay đổi, nhưng ở môi trường nào, công việc nào, tôi cũng luôn ý thức việc học hỏi, nhất là học trong công việc, bạn bè và học ngay cả lúc làm việc với người dân bản xứ.

Và trên chặng đường phát triển nghề nghiệp, không ít lần tôi cũng bị va vấp, thất bại, nhưng tôi vẫn quyết đương đầu vì đó là cách giúp tôi phát triển bản thân vững vàng, mạnh mẽ hơn. Bên cạnh đó, lắng nghe để hiểu người khác cũng tạo cho tôi sự giao tiếp hiệu quả, thân thiện, gần gũi hơn với mọi người, qua đó công việc của tôi cũng phát triển tốt và thuận lợi hơn.

* Gắn bó nhiều năm với Ajinomoto, điều ông tự hào nhất về thương hiệu này là gì, thưa ông?

Với nhịp sống công nghiệp ngày càng tăng cao như hiện nay, mọi người rất bận rộn nên bữa cơm gia đình sẽ có nguy cơ vắng dần. Ở Nhật trước đây cũng coi bữa ăn gia đình thiêng liêng như người Việt Nam, nhưng khi xã hội phát triển, nhiều người phải đi làm việc xa nhà hoặc đến 9 giờ tối mới về, cơ hội ăn chung gia đình rất ít. Tuy nhiên, khi trận động đất và sóng thần kinh hoàng ở Nhật xảy ra ngày 11/3/2011, người Nhật mới nhận ra khoảnh khắc bên gia đình, nhất là cùng quây quần trong bữa ăn là rất quan trọng nên họ đang có xu hướng khôi phục, quay lại giá trị tinh thần ngày xưa.

Vì vậy, ngoài việc tạo ra các sản phẩm, giá trị lớn nhất mà Ajinomoto mang tới cho người tiêu dùng là giá trị văn hóa, là bữa cơm ngon cho mọi gia đình. Mà bữa cơm ngon chính là nơi gắn kết các thành viên trong gia đình sum vầy. Qua đó, những người mẹ, người vợ cũng được thể hiện tình yêu thương, trách nhiệm của mình với chồng con và ngược lại, họ cũng được mọi thành viên trong gia đình trân trọng.

* Hiện nay nhiều người cho rằng dùng bột ngọt là không an toàn và ăn bột nêm sẽ bị thiếu i ốt, ông giải thích thế nào về những quan niệm này?


Gia vị là thứ không thể thiếu trong cuộc sống hằng ngày và phương châm kinh doanh của chúng tôi là ngoài sự tiện lợi, giá cả hợp lý, phù hợp với người tiêu dùng thì phải có chất lượng. Bột ngọt vốn được phát minh tại Nhật cách đây hơn một trăm năm. Nhiều nghiên cứu khoa học đã cho thấy không có bất cứ nguy hiểm nào về sức khỏe cho người dùng bột ngọt. Tuy nhiên, trong thực tế vẫn có những tin đồn dai dẳng và không ít người vẫn cho rằng ăn bột ngọt có hại.

Chẳng hạn, khi tôi làm việc ở Philippines, có một cô giáo người bản xứ dạy tiếng Anh yêu cầu học sinh giới thiệu công việc của bố mẹ. Khi con tôi giới thiệu: "Bố tôi làm việc ở Ajinomoto", cô giáo nói: "Ajinomoto không tốt cho sức khỏe". Tối đó, con gái tôi khóc hoài, còn tôi rất buồn vì ở Nhật, khi nói đến Ajinomoto là niềm tự hào, còn ở đây lại làm mất đi niềm tự hào của con tôi. Tôi giải thích với con: "Con ăn bột ngọt đã 6 năm rồi, còn bố đã ăn 40 năm, nhưng sức khỏe vẫn không có vấn đề gì xảy ra. Vậy, nhiệm vụ của con là phải giải thích cho cô giáo hiểu". Và ngày hôm sau, con tôi đã làm được điều đó.

* Ngoài việc phát triển kinh doanh, đào tạo nguồn nhân lực kế thừa cho Ajinomoto tại Việt Nam, nghe nói ông còn ấp ủ thực hiện nhiều chương trình xã hội có ý nghĩa thiết thực. Ông có thể tiết lộ kế hoạch đó không?

Với định hướng đóng góp cho cuộc sống khỏe mạnh và mang lại hạnh phúc cho mỗi gia đình, ngoài việc đưa ra nhiều sản phẩm gia vị để mọi người ăn ngon hơn, qua đó lấy được nhiều nguồn dinh dưỡng từ các món ăn đa dạng khác, chúng tôi còn chuẩn bị một dự án lớn là bữa ăn học đường. Cụ thể là kết hợp với các trung tâm dinh dưỡng để xây dựng thực đơn gồm những món ăn đủ dinh dưỡng cho học sinh bán trú, dự kiến tháng 12 này đưa vào hoạt động thử nghiệm tại TP.HCM và trong 5 năm tới sẽ phát triển ra cả nước.

Song song việc áp dụng thực đơn, chúng tôi còn đào tạo, huấn luyện những người nấu ăn, hỗ trợ đại học Y Hà Nội đào tạo cử nhân dinh dưỡng. Ngoài ra, chúng tôi còn tài trợ kinh phí xây dựng phòng thí nghiệm để học sinh nghiên cứu về dinh dưỡng tiết chế, sẽ thực hiện vào năm 2013.

Nguồn CafeBiz