Nhiều thách thức chờ đón Apple của Tim Cook tại châu Á

Được “trải thảm đỏ” đón tiếp tại Trung Quốc và Ấn Độ không đồng nghĩa với tương lai tươi sáng của Apple tại châu Á.

Chuyến đi của Tim Cook, Tổng Giám đốc Apple, tới Ấn Độ - thị trường smartphone lớn thứ ba thế giới – diễn ra vào đúng thời điểm vô cùng quan trọng khi tăng trưởng của công ty tại Trung Quốc đang chậm lại. Tuy nhiên, Ấn Độ không thể một sớm một chiều mang lại doanh thu mong muốn cho “táo khuyết” khi vẫn còn nhiều thách thức trước mặt.

Ville-Petteri Ukonaho, nhà phân tích cao cấp của Straty Analytics, nhận xét: “Khi Trung Quốc bão hòa, mọi người không còn lựa chọn nào ngoài việc nhìn về Ấn Độ, song các đối thủ của Apple đã củng cố sức mạnh trong 2 năm qua. Apple chỉ đang chơi trò cút bắt”.

Dù các số liệu tại Ấn Độ gợi ý tiềm năng khổng lồ - chưa tới 2/10 người trong số 1,3 tỷ dân nước này sở hữu smartphone, thị trường tăng trưởng nhanh nhất thế giới lại có hoạt động khác biệt so với các thị trường khác so với những nơi Apple đã tận hưởng thành công và lợi nhuận cao.

Mô hình truyền thống của Apple là bán điện thoại cho nhà mạng với giá đề nghị rồi nhà mạng sẽ giảm giá cho người dùng để đổi lại gói cước dữ liệu trong nhiều tháng. Ấn Độ không như vậy. “Tại Ấn Độ, các nhà mạng nói chung không bán điện thoại mà điện thoại được bán tại cửa hàng bán lẻ, rất nhiều cửa hàng nhỏ khác nhau. Bởi smartphone ở đây đều thuộc hàng thấp cấp, chủ yếu là vì mạng lưới và kinh tế, tiềm năng thị trường không quá tốt”, Cook từng nói như vậy với các chuyên gia. Ông cho rằng Ấn Độ giống như Trung Quốc của 7-10 năm về trước.

Trong cuộc gặp với hai nhà mạng lớn nhất Ấn Độ là Bharti Airtel và Vodafone, Cook thảo luận các phương pháp để bán iPhone, trong đó có mô hình bán theo hợp đồng. Theo ông, Apple nhìn thấy cơ hội mở rộng thị trường khi nhà mạng tung ra dịch vụ 4G.

Nhạy cảm về giá

Một thách thức khác của Apple chính là làm thế nào để trở thành người chơi cao cấp tại một thị trường thu nhập thấp. Theo ông Ukonaho, thu nhập của người dân Ấn Độ thấp tới mức nhiều người không hài lòng với các sản phẩm của Apple và như vậy, hãng phải nỗ lực nhiều hơn để bán Mac và iPad tại đây so với Trung Quốc.

Ấn Độ là quốc gia nhạy cảm về giá hơn Trung Quốc. iPhone của Apple tương đối đắt và vượt khỏi tầm với của phần lớn người dân, những người đang chi trung bình chưa tới 3,1 USD/ngày, theo dữ liệu của Ngân hàng Thế giới.

Với mức thu nhập khoảng 1.570 USD vào năm 2014 và giá smartphone bán ra trung bình chưa tới 90 USD (bằng 1/3 trung bình toàn cầu), thị trường di động Ấn Độ tăng trưởng chủ yếu nhờ điện thoại giá rẻ. Smartphone cao cấp từ 300 USD trở lên chỉ chiếm 6% thị phần, hay 6 triệu máy, theo Morgan Stanley.

Bị chính phủ từ chối kế hoạch nhập khẩu và bán iPhone tân trang, Apple sẽ không có tăng trưởng nhanh như mong muốn tại nơi đang bị Samsung và các thương hiệu Trung Quốc thống trị. Vấn đề đó chưa được giải quyết trong các cuộc nói chuyện với Thủ tướng Narenda Modi và quan chức chính phủ nhấn mạnh Apple thiết lập các cơ sở sản xuất tại Ấn Độ, động thái có thể trợ giúp thị trường lao động và đẩy nhanh sáng kiến “Make in India” (sản xuất tại Ấn Độ) của ông Modi.

Tiếp thị nhiều hơn

Trong khi đó, độ nhận biết thương hiệu của Apple chỉ đứng thứ 10 tại Ấn Độ, sau Samsung, Sony, BlackBerry và một vài tên tuổi địa phương. Gần một nửa người tham gia khảo sát của Morgan Stanley không biết Apple. Nếu muốn tăng thị phần, Apple phải tăng đáng kể sự hiện diện tại cửa hàng, đẩy mạnh tiếp thị, bổ sung các nội dung bản địa, công ty tài chính đánh giá.

Cửa hàng bán lẻ đầu tiên của Ấn Độ sớm nhất cũng phải năm sau mới mở cửa. Trong các cuộc họp nội bộ, ông Cook nhấn mạnh Apple muốn tăng hoạt động bán lẻ và hợp tác với các đại lý để bán sản phẩm rộng rãi như thế nào. Một quan chức Apple tại đây tiết lộ công ty đã làm việc với các nhà bán lẻ, phân phối trong vài tháng qua và thông điệp của Tổng Giám đốc là phải nỗ lực gấp đôi.

Tại Trung Quốc, nơi iPhone bán chậm hơn trong quý I/2016 và một số dịch vụ trực tuyến bị đóng cửa, Cook cũng không có gì nhiều để khích lệ tinh thần các nhà đầu tư. Theo nguồn tin, trong cuộc họp với quan chức Trung Quốc, ông nhắc đến đóng góp của Apple đối với nền kinh tế nước này như tạo việc làm, mang về doanh thu, trả thuế. Chuyến thăm của ông diễn ra chỉ vài ngày sau khi “táo khuyết” tuyên bố đầu tư 1 tỷ USD vào một ứng dụng đi nhờ xe địa phương, động thái Cook nhận xét là giúp Apple hiểu thị trường hơn. Song, khi hỏi về việc đóng cửa các dịch vụ dù Apple luôn làm đúng quy trình, ông chỉ được trả lời rằng Trung Quốc sẽ nghiên cứu vấn đề, vẫn theo nguồn tin cho biết.

Du Lam / Reuters
Nguồn ICT News