Doanh nhân Phạm Đình Nguyên: “Đừng nghĩ đến khởi nghiệp khi không có tiền”

CEO cà phê PhinDeli Phạm Đình Nguyên cho rằng, khởi nghiệp không bao giờ là đơn giản cả. Và nếu ai khởi nghiệp mà không có tiền thì khó có thể thành công. "Chúng ta có thể không có nhiều tiền nhưng cần phải có vốn", ông nói.

Bỏ gần 1 triệu USD để mua thị trấn nhỏ nhất nước Mỹ, nhiều người nói ông Phạm Đình Nguyên bị “điên”. Trong một lần trao đổi với báo chí, ông Nguyên cũng thừa nhận mình là người “không bình thường”.

Việc ông Nguyên quyết định mua thị trấn nhỏ nhất nước Mỹ chỉ trong chớp nhoáng khi tình cờ đọc được mẩu tin trên báo, hay cả quá trình tìm hiểu và sở hữu Buford chỉ vẻn vẹn 20 ngày dù chưa một lần đặt chân tới Mỹ cũng cho thấy điều bất bình thường đó ở ông.

Thế nhưng, tham vọng quảng bá thương hiệu cà phê Việt ra thế giới với những triết lý sống và kinh doanh của ông lại chẳng "điên" chút nào.

Hãy sống cuộc sống theo cách mình lựa chọn

“Lần đầu tiên đặt chân đến Mỹ, tôi đã rất mệt. Thế nhưng, quyết tâm sở hữu thị trấn Buford lại khiến tôi hào hứng hơn bao giờ hết. Khi xướng tên người chiến thắng, 2 chữ Việt Nam vang lên, cảm xúc tôi dâng trào và nghẹn lại. Đó là sự sung sướng và niềm tự hào dân tộc. Tôi đã trở thành thị trưởng của thị trấn nước Mỹ”, ông Nguyên kể lại giây phút chiến thắng trong lần đấu giá thị trấn Buford (PhinDeli).

Doanh nhân Phạm Đình Nguyên: "Đừng nghĩ đến khởi nghiệp khi không có tiền".

Thế nhưng, thực tế, trong sâu thẳm cảm xúc nghẹn ngào lúc đó là nỗi lo lắng ập đến: "Câu hỏi về việc sẽ làm gì tại thị trấn này ngổn ngang trong đầu", ông tâm sự.

Hơn 4 năm trôi qua, dù tên tuổi thị trấn PhinDeli được nhiều người trên thế giới biết đến song là "người đến sau" trong thị trường, chuyện kinh doanh của cà phê PhinDeli cũng không tránh khỏi những khó khăn.

Ông Nguyên thừa nhận, áp lực về công việc, nợ nần đã làm bạc tóc ông. Thế nhưng, chủ thương hiệu PhinDeli vẫn lạc quan khi cho rằng, ông có thể thất bại song không bao giờ bỏ cuộc. Ông thích đeo đuổi điều "không gì là không thể".

"Sống hết mình, sống đàng hoàng thì một lúc nào đó cuộc sống sẽ trả lại mình. Đó là niềm tin cho tôi sức mạnh bên trong, đó cũng là giá trị cốt lõi. Đôi khi cuộc sống nó là số phận, bạn hãy sống với cuộc sống này theo cách mình lựa chọn”, ông Nguyên cho hay.

Không có tiền đừng mơ khởi nghiệp!

Trong quá trình điều hành doanh nghiệp, ông Nguyên nhận được nhiều câu hỏi của các bạn trẻ về khởi nghiệp. Trong đó, có bạn thắc mắc phải làm gì khi anh ta không có một đồng vốn trong tay.

Chúng ta có thể thấy một gương khởi nghiệp thành công nhưng đằng sau cái gương đó thì có hàng trăm, ngàn gương thất bại. Chúng ta không cần nuôi dưỡng đam mê mà chính đam mê sẽ nuôi dưỡng tinh thần chúng ta vượt qua khó khăn.

Ông chủ PhinDeli cho rằng: Khởi nghiệp mà không có tiền thì không được. "Chúng ta có thể không có nhiều tiền, nhưng cần phải có vốn. Khởi nghiệp từ con số 0 là chuyện rất khó", ông thẳng thắn chia sẻ.

Theo chủ thương hiệu PhinDeli, có 2 cách để gọi vốn. Thứ nhất là nhờ người thân. Thứ hai là gọi từ các quỹ đầu tư. Tuy nhiên, để đạt được thỏa thuận cuối cùng, bạn phải chứng minh được dự án của mình ở mức khả quan như thế nào.

Ông lấy dẫn chứng về một bạn trẻ ở TP HCM mà ông đang làm mentor. Dự án về việc sản xuất thức ăn cho người làm bằng nguyên liệu con dế, nhộng. Bạn trẻ này đã thuyết phục bố mẹ đồng ý cầm sổ đỏ đi vay tiền khi cậu chia sẻ đam mê cháy bỏng của mình.

Còn trong trường hợp không huy động được vốn, các bạn nên đi làm để tích lũy vốn. Lấy dẫn chứng về chính mình, ông Nguyên cho biết đã phải đi làm hơn 10 năm để bắt đầu khởi nghiệp.

Một yếu tố cần có khi khởi nghiệp theo ông Nguyên chính là đam mê. Khởi nghiệp không bao giờ dễ dàng. Chúng ta có thể thấy một gương khởi nghiệp thành công nhưng đằng sau cái gương đó thì có hàng trăm, ngàn gương thất bại. Chúng ta không cần nuôi dưỡng đam mê mà chính đam mê sẽ nuôi dưỡng tinh thần chúng ta vượt qua khó khăn.

"Khi có đam mê, chúng ta có thể ăn, ngủ sống, vất vả với ý tưởng của mình. Bạn chấp nhận sống trong điều kiện khắc nghiệt, thậm chí phải ăn mì gói. "Làm khởi nghiệp, chúng ta phải sống một cuộc sống 'bất thường', chấp nhận hy sinh cuộc sống bình thường của chính mình", ông cho hay.

Bên cạnh đam mê, theo ông, trên còn đường khởi nghiệp rất cần có một mentor - người sẽ hướng dẫn cho chúng ta mà không cần học phí. Họ sẽ giúp chúng ta làm ngắn con đường để tới thành công, giúp chọn con đường tốt hơn thay vì con đường chúng ta đang đi.

"Tôi đã, đang có nhiều áp lực tư nhiều thứ, áp lực từ bên ngoài, nội bộ, thị trường cà phê kiềng 3 chân... 2 năm qua, tóc tôi đã bạc đi vì áp lực nợ nần. Thế nhưng, nếu không có đam mê, quyết tâm không đủ lớn thì rất dễ từ bỏ khi khởi nghiệp", ông chia sẻ.

Một yếu tố quan trọng nữa ông Nguyên nhấn mạnh khi khởi nghiệp là cần có ý tưởng kinh doanh mang tính đột phá. Ví dụ như cùng một sản phẩm nhưng mô hình kinh doanh mới, khác biệt như Uber, Grab,… Sản phẩm có thể không mới nhưng dịch vụ cần phải mới.

Ông chủ PhinDeli tâm đắc với bí quyết khởi nghiệp 10.000 giờ. Nghĩa là khi bạn có đủ thời gian trong lĩnh vực khởi nghiệp về lĩnh vực mình khởi nghiệp thì cơ may thành công sẽ cao hơn.

Cũng có bạn trẻ khởi nghiệp trong lĩnh vực thương mại diện tử, công nghệ thông tin không nhất thiết phải từng ấy thời gian, nhưng cũng phải là X ngàn giờ. Song con số 10.000 giờ được nhiều người minh chứng là thời gian để một người đạt được thành công cao hơn.

Còn với cá nhân ông Nguyên đã có hơn 10.000 giờ làm việc trong lĩnh vực trước khi ông khởi nghiệp.

Mỹ Lan
Nguồn BizLive