Đại gia Thái phải giải trình vụ thâu tóm siêu thị Metro

Bộ Công Thương vừa yêu cầu nhà đầu tư Thái Lan giải trình vụ việc thâu tóm Công ty TNHH Metro Cash & Carry theo Luật Cạnh tranh Việt Nam.

Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương) vừa có văn bản gửi tới Công ty TNHH MM Mega VN (vốn là Công ty TNHH Metro Cash&Carry, sau khi đại gia Thái Lan mua lại đã đổi tên).

Đơn vị này cho biết vừa nhận được yêu cầu của Hiệp hội Doanh nghiệp TP HCM đề nghị kiểm tra việc chấp hành pháp luật của các doanh nghiệp bán lẻ có vốn đầu tư nước ngoài để đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật cũng như công bằng trong cạnh tranh của các doanh nghiệp trong bối cảnh hội nhập.

Theo đó, Bộ Công Thương sẽ tiến hành rà soát các vụ việc tập trung kinh tế thực hiện trong thời gian 2014-2015, đồng thời yêu cầu Công ty TNHH MM Mega giải trình về quá trình và các thủ tục giao dịch mua lại Metro Cash&Carry Việt Nam.

Theo Cục Quản lý cạnh tranh, Công ty TNHH Metro Cash&Carry đã tiến hành thay đổi giấy đăng ký kinh doanh lần thứ 9 ngày 25/1/2016 để đổi tên thành Công ty TNHH MM Mega. Công ty này được thành lập theo quy định của luật pháp Việt Nam, hoạt động tại thị trường Việt Nam vì vậy phải tuân theo Luật Cạnh tranh.

Siêu thị Metro đã thuộc về đại gia Thái Lan từ đầu năm 2016. Ảnh: Quốc Hùng / TBKTSG

Trước nhiều lo ngại về khả năng thống lĩnh thị trường sau khi thâu tóm Metro, Bộ Công Thương yêu cầu đơn vị này cung cấp báo cáo thị phần kết hợp của các bên tham gia trong hai năm 2013-2014, trước năm tập trung kinh tế năm 2015. Công ty TNHH MM Mega phải gửi các giải trình này trước ngày 30/5 tới.

Đầu năm 2016, Tập đoàn Berli Jucker (BJC) của tỷ phú giàu thứ hai Thái Lan - Charoen Sirivadhanabhakdi BJC đã hoàn tất thương vụ thâu tóm Metro. BJC đã chi gần 880 triệu USD mua lại hệ thống 19 cửa hàng bán buôn và các danh mục đầu tư bất động sản liên quan thuộc Metro Cash&Carry Việt Nam.

Thời gian qua, Thái Lan nói riêng và đại gia bán lẻ nước ngoài đã liên tục thâu tóm các hệ thống bán lẻ lớn ở Việt Nam. Mới đây, Central Group (Thái Lan) cũng chi hơn 1 tỷ USD mua lại hệ thống Big C. Nhiều doanh nghiệp bày tỏ việc bị làm khó khi đưa hàng vào các siêu thị bị nước ngoài thâu tóm.

Các doanh nghiệp trong nước nhận định hàng Việt đảm bảo chất lượng vào siêu thị nội không khó, nhưng lại gặp nhiều trở ngại nếu muốn chen chân vào siêu thị có vốn đầu tư nước ngoài.

Các siêu thị của đại gia nước ngoài thường yêu cầu các thủ tục như: giấy chứng nhận, kiểm định nguồn gốc, chất lượng sản phẩm, giấy phép kinh doanh, giấy chứng nhận đăng ký thuế… giống như siêu thị nội nhưng đòi mức chiết khấu rất cao.

Tính đến ngày 29/12, Metro đã nộp vào ngân sách 1.911 tỷ đồng thuế trong thương vụ chuyển nhượng cho BJC. 22% số tiền thu được để lại địa phương (Cục Thuế TP HCM), phần còn lại nộp ngân sách trung ương.

Thương hiệu Metro có mặt tại thị trường Việt Nam năm 2002 với lĩnh vực kinh doanh bán sỉ. Hiện Metro Cash & Carry Việt Nam có 19 trung tâm trên cả nước với 3.600 nhân viên. Trong tài khóa 2014-2015, doanh thu hoạt động tại Việt Nam đạt 507 triệu euro (khoảng 550 triệu USD).

Bạch Dương
Nguồn VnExpress