GrabBike hạ giá cước, “đánh phủ đầu” UberMoto

Dịch vụ gọi xe ôm qua điện thoại GrabBike vừa công bố hạ giá ngay sau khi đối thủ UberMoto ra mắt tại thị trường Việt Nam.

Dịch vụ GrabBike

Ngay sau khi Uber ra mắt dịch vụ UberMoto tại thị trường Việt Nam vào ngày hôm qua 21/4, đối thủ GrabBike đã tung ra chương trình hạ giá cước.

Theo thông tin từ GrabBike, cách tính cước mới sẽ được áp dụng từ chiều nay 21/4 với mức giá tại Hà Nội là 9.000 đồng/block 2 km đầu tiên, mỗi km tiếp theo 3.500 đồng; TP Hồ Chí Minh: 12.000 đồng/ block 2km, mỗi km tiếp theo 3.800 đồng.

Bảng giá mới của GrabBike từ 16h ngày 21/4

Tại thời điểm ra mắt UberMoto, giá cước mà Uber đưa ra có vẻ “mềm” hơn khá nhiều so với đối thủ GrabBike khi đưa ra giá cước mở cửa là 0 đồng, mỗi km giá 3.700 đồng, mỗi phút 200 đồng và cước phí tối thiểu là 10.000 đồng.

Bảng giá UberMoto

Trên thực tế, mức giá này rẻ hơn khá nhiều so với cách tính cước cũ của GrabBike khi nhà cung cấp dịch vụ vận chuyển này tính giá 12.000 đồng/ 3 km đầu tiên và 4.500 đồng/ km tiếp theo. Thậm chí, vào giờ cao điểm, mức giá này lên tới 18.000 đồng/3 km đầu tiên.

Tuy nhiên, chỉ sau một ngày GrabBike đã công bố hạ giá cước nhằm cạnh tranh với UberMoto vừa ra mắt. Tính trung bình, nếu người dùng đi quãng đường dưới 10 km thì UberMoto sẽ có mức cước rẻ hơn còn nếu đi quãng đường trên 10 km thì GrabBike lại có lợi thế hơn về giá cước.

UberMoto đã chính thức có mặt tại Việt Nam từ ngày 20/4

Được biết, dịch vụ taxi hai bánh – UberMoto đã được Uber thử nghiệm tại Thái Lan cách đây vài tháng nhưng cho đến ngày 20/4, hình thức “xe ôm” này mới được mở rộng đến Việt Nam.

Tương tự như Thái Lan, Việt Nam cũng là một trong những quốc gia có tỷ lệ sử dụng xe máy cao nhất trên thế giới. Đồng thời, tình trạng quá tải phương tiện tham gia giao thông cũng khiến nhiều người dân hướng tới các phương tiện công cộng.

Ngoài ra, Việt Nam vẫn là một quốc gia đang phát triển với mức sống trung bình chưa cao, vì vậy, tỷ lệ người dân sử dụng dịch vụ xe ôm cao hơn khá nhiều so với hình thức taxi.

Vậy nên, việc các nhà cung cấp dịch vụ đặt “xe ôm” qua điện thoại di động “đánh chiếm” thị trường Việt Nam là điều tất yếu.

Nguyễn Thắm
Nguồn BizLive