Bà Cao Thị Ngọc Dung: Từ cú sốc năm 2015 đến nữ doanh nhân quyền lực châu Á

Mới đây, tạp chí Forbes đã công bố danh sách 50 nữ doanh nhân quyền lực nhất châu Á và bà Cao Thị Ngọc Dung - Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc CTCP Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ) là một trong 3 gương mặt của Việt Nam được bầu chọn trong danh sách này.

Khi nhắc đến PNJ, hay thậm chí chỉ cần nhắc đến “vàng bạc, nữ trang, đá quý” là người ta nhắc đến bà Ngọc Dung và ngược lại. Hình ảnh của bà không chỉ là linh hồn của một trong những doanh nghiệp kinh doanh vàng bạc đá quý lớn nhất Việt Nam mà còn là đại diện cho thế hệ nữ doanh nhân bản lĩnh, quyền lực mà vẫn đầy nữ tính.

Bà Cao Thị Ngọc Dung tham gia ban quản trị Công ty Vàng bạc đá quý Phú Nhuận từ năm 1998 trên cương vị Giám đốc. Trong gần 20 năm gắn bó với doanh nghiệp, bà đã lãnh đạo PNJ vươn lên mức doanh thu hơn 7.000 tỷ đồng, lợi nhuận trên 200 tỷ đồng mỗi năm và 194 trung tâm kim hoàn trên khắp cả nước.

Hoạt động trong một lĩnh vực phức tạp, biến động nhanh và ảnh hưởng nhiều bởi chính sách, sự nghiệp của nữ doanh nhân này từng trải qua nhiều khó khăn nhưng có lẽ sự kiện năm 2015 là cú sốc lớn nhất.

Cao Thị Ngọc Dung

Cú sốc 2015 đánh bay lợi nhuận và kéo tụt giá cổ phiếu

Tháng 8/2015, Ngân hàng Nhà nước thông báo đặt Ngân hàng Đông Á vào diện kiểm soát đặc biệt. PNJ là cổ đông lớn của ngân hàng này với số lượng sở hữu 38,5 triệu cổ phần, giá trị ghi sổ 395 tỷ đồng. Lượng cổ phiếu DongABank được PNJ mang thế chấp cho 2 khoản vay từ Ngân hàng Á Châu (ACB).

Từ trước khi NHNN công bố thông tin chính thức, giá cổ phiếu PNJ đã lao dốc liên tục và mất 20% trong vòng nửa tháng.

Đứng trước biến cố này, bà Dung nhanh chóng tổ chức họp báo công khai thông tin về khoản đầu tư tại DongABank cùng các đơn vị liên quan và trích lập dự phòng đầy đủ. Theo đó, công ty trích lập dự phòng 311 tỷ cho khoản đầu tư tại NH Đông Á và 30 tỷ cho khoản đầu tư trị giá 92 tỷ vào CTCP Địa ốc Đông Á.

Điều này đương nhiên ảnh hưởng nặng đến kết quả kinh doanh năm 2015. Doanh thu thuần của công ty dù vẫn tăng gần 7% và đạt 7.698 tỷ đồng nhưng lợi nhuận sau thuế chỉ còn 160,4 tỷ đồng - giảm 37,5% so với năm 2014.

Tuy nhiên đó là việc bắt buộc phải làm. Điều mà cổ đông đánh giá cao ở đây là sự nhanh chóng và kịp thời trong việc công bố thông tin và trấn an cổ đông.

Nhưng “Nếu thời gian là Đá, thì Vàng là ý chí, nhiệt huyết và lòng đam mê”

Đó là câu nói trích dẫn trong Báo cáo thường niên 2015 của doanh nghiệp. Có thể hiểu rằng những gì khó khăn nhất đã đi qua và nó sẽ trở thành viên đá quý tạo nên vẻ đẹp lấp lánh cho những món trang sức vàng của PNJ.

Trong quý 1/2016, PNJ đạt 2.356 tỷ đồng doanh thu, trong đó doanh thu trang sức tăng 20% lên 1.820 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế đạt 120 tỷ đồng - tăng 9% và hoàn thành 33% kế hoạch cả năm.

Có thể thấy, trong vài năm qua, bà Dung và Ban lãnh đạo PNJ đã định hướng chiến lược hoạt động giảm tỷ trọng vàng miếng - vốn là dòng sản phẩm có biên lợi nhuận thấp và tập trung vào trang sức. Bỏ vàng miếng đi và kinh doanh trang sức tại mọi phân khúc, từ cao cấp đến phụ kiện thời trang nhưng trang sức cao cấp sẽ là át chủ bài.

Hiện tại, doanh thu từ vàng trang sức chiếm gần 80% doanh thu và lợi nhuận gộp chiếm 99%. Nếu như tổng doanh thu chỉ tăng 7% thì doanh thu trang sức tăng tới 14%.

Trong quý 1/2016, PNJ đạt 2.356 tỷ đồng doanh thu, trong đó doanh thu trang sức tăng 20% lên 1.820 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế đạt 120 tỷ đồng - tăng 9% và hoàn thành 33% kế hoạch cả năm.

Vượt qua dư âm của cú sốc, nữ tướng Cao Thị Ngọc Dung sẽ đưa PNJ đến đâu?

Dư âm của cú ngã với DongABank vẫn chưa thể kết thúc. Trong năm 2016, PNJ tiếp tục trích lập dự phòng 115 tỷ đồng vào DongABank và Địa ốc Đông Á nhưng tại ĐHCĐ vừa qua, bà Cao Thị Ngọc Dung đã mạnh dạn công bố một kế hoạch kinh doanh tăng trưởng mạnh mẽ so với năm trước. Doanh thu hợp nhất 8.782 tỷ đồng - tăng 14%, lợi nhuận sau thuế dự kiến tăng vọt hơn 2 lần lên 361,4 tỷ đồng. Chủ tịch của PNJ cũng khẳng định trong năm nay chắc chắn sẽ thoái vốn thành công khỏi Địa ốc Đông Á.

Không thể phủ nhận rằng càng ngày PNJ càng cải thiện mạnh mẽ về sản phẩm cũng như chất lượng quản trị, không thua kém gì nhiều hãng trang sức nổi tiếng trên thế giới. Có lẽ càng về sau này, hình ảnh bà Cao Thị Ngọc Dung sẽ càng gắn bó chặt chẽ với hình ảnh một nữ doanh nhânViệt Nam “lấp lánh ánh vàng”.

Nhưng kết quả kinh doanh của doanh nghiệp có được như kỳ vọng hay không? Điều này phải chờ nữ tướng quyền lực của PNJ hành động.

Bảo Bình
Nguồn Trí thức trẻ