"Bán hàng trên Facebook phát triển mạnh cũng không thể giết chết TMĐT Việt Nam"

Từ một mạng xã hội chuyên về giải trí kết nối người dùng, Facebook đã làm một cuộc hoán đổi ngoạn mục, khi lộ rõ tham vọng nhảy vào lĩnh vực Thương mại điện tử.

Sau khi Facebook tích hợp tính năng mua bán trong các nhóm (group), mới đây Facebook lại tiếp tục bật tính năng Shop trên Fanpage.

Cụ thể, đối với các Fanpage với chủ đề là Shopping/Retail, người dùng đã có thể thấy một nút với tên gọi Add Shop Section, bấm vào thì sẽ mở ra khung nội dung nhằm trưng bày hàng hóa hấp dẫn không kém gì một trang TMĐT.

Việc Facebook tỏ ra nhanh nhạy trong việc cung cấp tính năng shopping chắc chắn sẽ làm cho các trang thương mại điện tử tại thị trường Việt Nam và trên thế giới phải đau đầu. Liệu rằng bước đi mới của Facebook có khiến các trang TMĐT lụi tàn?

Để hiểu rõ về vấn đề này, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Văn Tuấn, Giám đốc Khối thương mại điện tử Zamba - VCCorp.

* Ông đánh giá thế nào về tham vọng của Facebook khi lấn sân vào TMĐT trong thời gian qua? Và nó tác động đến thị trường Việt Nam như thế nào?

Bản chất của xã hội là cứ nơi nào tập trung đông người thì nơi đó có sự giao thương buôn bán. Do vậy dù trước đó Facebook chưa ra tính năng bán hàng cho Group hay chức năng Shop cho fanpage thì việc buôn bán trên Facebook đã khá nhộn nhịp.

Điều đó tác động lớn đến các sàn giao dịch TMĐT và các diễn đàn mua bán tại Việt Nam. Bằng chứng là việc tụt giảm lượng người truy cập đáng kể.

Việc Facebook ra thêm tính năng mới gần như là tất yếu để các hoạt động mua bán trở nên quy củ và chuyên nghiệp hơn.

* Khi Facebook tích hợp đầy đủ quy trình bán hàng trên mạng xã hội của mình, liệu trong thời gian tới các doanh nghiệp có nên bỏ luôn website và quảng cáo trên Facebook?

Đối với các doanh nghiệp lớn, kinh doanh bền vững vẫn cần phải có tài sản riêng do mình toàn quyền, đó chính là website. Bởi Facebook chỉ hỗ trợ các tính năng cơ bản, là bước tiếp cận nhanh đến khách hàng. Còn website thì có thể tuỳ biến sao cho phù hợp với loại hình dịch vụ hàng hoá kinh doanh và phù hợp với thương hiệu của doanh nghiệp.

Mặt khác, website gắn liền với tên miền, là nơi để khách hàng nhớ và truy cập trực tiếp hay có thể tìm thấy dễ dàng qua các công cụ tìm kiếm như Google.

Vì vậy, quá phụ thuộc vào Facebook là điều không hay, nó sẽ khiến doanh nghiệp bị động và phụ thuộc vào cuộc chơi của một bên khác.

* Vậy tương lai cũng những trang TMĐT của Việt Nam thì sao? Liệu những trang TMĐT có bị Facebook "giết chết"?

"Facebook chỉ là nơi tụ tập đông người, chưa thể có sự chuyên nghiệp trong hoạt động TMĐT như các website TMĐT được. Nếu Facebook tập trung quá nhiều vào hoạt động này thì chính họ sẽ tự giết chết giá trị lõi của họ là mạng xã hội kết nối mọi người."

Chắc chắn không. Bởi website nó cũng có con đường tiến hoá riêng của nó để phù hợp với thời đại mới nhằm đáp ứng các nhu cầu và mong muốn của khách hàng ngày một tốt hơn.

Facebook chỉ là nơi tụ tập đông người, chưa thể có sự chuyên nghiệp trong hoạt động TMĐT như các website TMĐT được. Nếu Facebook tập trung quá nhiều vào hoạt động này thì chính họ sẽ tự giết chết giá trị lõi của họ là mạng xã hội kết nối mọi người.

Nói chung, vấn đề đáng ngại nhất của TMĐT Việt Nam hiện tại không phải là Facebook cạnh tranh, mà là những yếu tố ngay trong nội tại. Các DN trong ngành vẫn còn một đoạn đường dài phải đi và muốn thành công chỉ còn cách duy nhất là tiến lên, thay đổi nhanh, tạo ra những yếu tố khác biệt nhằm phục vụ tốt hơn các nhu cầu và mong muốn của khách hàng.

Trong một thị trường khó khăn như hiện nay, trang TMĐT trong nước phải thoát ra khỏi bầy đàn cạnh tranh và tập trung hoá vào dịch vụ khách hàng, tạo ra những công cụ giúp người bán hàng hiệu quả hơn, tạo ra môi trường để người mua tiếp cận sản phẩm dễ dàng hơn, tin cậy hơn.

* Xin cảm ơn ông!

An Nhiên
Nguồn Trí thức trẻ