Cuộc chiến Apple vs Samsung trên đất Việt?

Cái tên Apple và các khoản đầu tư của họ luôn khiến bất cứ thị trường nào cũng thèm muốn. Việc họ dự kiến đầu tư tại Việt Nam là một bất ngờ. Nếu kế hoạch này được hiện thực hóa, một cuộc chiến “Apple vs Samsung” ngay trên đất Việt sẽ diễn ra.

Nhiều năm sau khi Intel quyết định chọn Việt Nam là địa điểm đầu tư (năm 2006), tới khi Samsung đặt chân vào Việt Nam và liên tục công bố các khoản đầu tư có giá trị lớn, Việt Nam mới thực sự được nhiều đại gia công nghệ thế giới để mắt tới.

“Quả táo cắn dở” ra tay

Quyết định cuối cùng chưa được đưa ra, song khả năng Apple (Hoa Kỳ) sẽ đầu tư 1 tỷ USD tại Việt Nam là rất lớn. Dự án này theo dự kiến có tên gọi là “Trung tâm Cơ sở dữ liệu phục vụ khu vực châu Á” với mục tiêu hoạt động như một trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D) và nhiều khả năng sẽ được đặt tại Hà Nội.

Mặc dù Apple đã lên tiếng phủ nhận khoản đầu tư với hãng tin Bloomberg, song chuyện Apple đã từng có các cuộc tiếp xúc với các cơ quan chức năng Việt Nam để đề xuất dự án này là có thật. Thực ra, cũng dễ hiểu khi Apple phủ nhận việc sẽ có một trung tâm dữ liệu tại Việt Nam, bởi hiện tại mọi việc mới đang dừng ở chuyện giới thiệu địa điểm cũng như hướng dẫn nhà đầu tư hoàn thành các thủ tục cần thiết. Hơn nữa, dường như “truyền thống” của Apple là mọi khoản đầu tư và hoạt động R&D đều nằm trong vòng bí mật. Họ chưa bao giờ lên tiếng công bố về các khoản đầu tư hàng tỷ đô tại thị trường này hay thị trường kia.

Thêm nữa, nếu nhìn vào các động thái gần đây của Apple về việc thành lập công ty tại Việt Nam từ cuối năm ngoái, lại do đích thân ông Gene Daniel Levoff, Phó chủ tịch phụ trách về luật và điều hành của Apple và là nhân vật quan trọng trong việc triển khai hoạt động ở các thị trường nước ngoài đứng tên chủ sở hữu. Đồng thời việc gần đây Apple bắt đầu tuyển dụng Giám đốc phân phối iPhone và Giám đốc kênh bán lẻ iOS tại Việt Nam, cũng dễ lý giải cho kế hoạch đầu tư của đại gia công nghệ này tại Việt Nam. Họ đã thực sự bắt đầu ra tay để bành trướng tại thị trường Việt Nam, thị trường mà hiện tại mọi động thái của Apple đều “gây sốt”.

Cái tên Apple và giá trị các khoản đầu tư của họ luôn khiến bất cứ thị trường nào cũng thèm muốn, chứ không chỉ Việt Nam. Năm tài chính 2015, doanh thu của Apple vọt lên 232 tỷ USD, tăng khá nhiều so với mốc 191 tỷ USD của năm tài chính 2014. Trong đó, chỉ riêng trong quý IV/2015, Apple đã đạt doanh thu 75,9 tỷ USD và lợi nhuận ròng 18,4 tỷ USD. Apple cũng là hãng có giá trị vốn hóa lớn nhất thế giới nhờ sự gia tăng số người sử dụng iPhone trên khắp thế giới.

Apple cũng là tập đoàn rất chịu chi cho công tác R&D. Vì không trực tiếp sản xuất mà toàn đi thuê ngoài – chủ yếu là Tập đoàn Foxconn (Đài Loan), nên phần lớn ngân sách của Apple đều được dành cho R&D và khâu thiết kế, sáng tạo. Năm ngoái, Apple đã chi tới hơn 8 tỷ USD cho hoạt động R&D trên toàn thế giới, bằng khoảng 3% doanh thu năm tài chính 2015. Một tỷ lệ tương tự cũng được Apple dành cho các hoạt động R&D trong các năm 2013 và 2014. Với những ngân khoản khổng lồ như thế, thiên hạ không thèm muốn họ mới là lạ!

Apple vs Samsung trên đất Việt?

Một cách tình cờ, ngay sau khi thông tin Apple dự kiến đầu tư 1 tỷ USD cho trung tâm dữ liệu tại Việt Nam, Samsung cũng đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận về chủ trương đầu tư để triển khai Dự án Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển (R&D) tại Hà Nội. Dự án có vốn đầu tư 300 triệu USD, dự kiến được xây dựng tại Khu Chức năng đô thị Nam, đường vành đai 3, đường Nguyễn Xiển (quận Hoàng Mai, Hà Nội).

Nếu Apple đầu tư vào Việt Nam, đó sẽ là một cú hích lớn cho hoạt động R&D

Đây là một khoản đầu tư được Samsung lên kế hoạch đầu tư từ lâu, sau khi họ đã xây dựng hai tổ hợp chuyên sản xuất thiết bị di động với vốn đầu tư lên tới 7,5 tỷ USD ở Bắc Ninh và Thái Nguyên và sau khi Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển phần mềm Samsung Việt Nam (SVMC), hiện đặt tại tòa nhà PVI tại Hà Nội, hoạt động rất hiệu quả.

Thông tin từ Samsung cho biết, kể từ khi thành lập vào năm 2012 đến nay, SVMC đã tham gia thực hiện khoảng 360 dự án, trong đó có 40 giải pháp toàn cầu cùng tham gia với các nước, số còn lại là các dự án phần mềm thương mại hóa do các kỹ sư của SVMC làm chủ. Hiện tại, có khoảng 1.600 kỹ sư đang làm việc tại SVMC và theo kế hoạch sẽ nâng lên 2.800 người vào năm 2018. Nếu tính cả số lượng kỹ sư và kỹ thuật viên đang tham gia công tác R&D tại hai nhà máy của Samsung ở Bắc Ninh và Thái Nguyên, con số sẽ lên tới 4.600 người.

Khi Trung tâm R&D mới được xây dựng, với quy mô một tòa nhà cao 21 tầng, hoạt động R&D tại Việt Nam hứa hẹn sẽ lớn mạnh hơn nữa và thực sự trở thành một trung tâm R&D lớn trên toàn cầu của Samsung.

Còn Apple, thực tế thì ngoài cái tên dự án và kế hoạch đầu tư 1 tỷ USD, chưa rõ họ sẽ đầu tư những gì tại Việt Nam, thực hiện R&D ở những khâu nào… Thậm chí, có chuyên gia trong ngành còn cho rằng, khả năng Apple đầu tư một trung tâm dữ liệu tại Việt Nam, dù là để phục vụ thị trường châu Á, cũng rất thấp. Bởi tại Việt Nam, hiện Apple chưa có bất cứ nền tảng hoạt động nào, chứ chưa nói đến sản xuất. Có thể, Apple vẫn đang giấu giếm tham vọng và kế hoạch đầu tư cụ thể của mình. Cũng không loại trừ khả năng này, nhưng mọi chuyện đều có thể. Trước đây, khi Samsung bắt đầu vào Việt Nam, với dự án đầu tiên chỉ 670 triệu USD, không ai nghĩ, hôm nay họ đã đầu tư hai tổ hợp sản xuất thiết bị di động 7,5 tỷ USD ở phía Bắc và một tổ hợp sản xuất đồ điện tử gia dụng 2 tỷ USD ở phía Nam. Chưa kể, còn là Samsung Display 4 tỷ USD, Samsung Electro Mechanics 2 tỷ USD… Tổng vốn đầu tư tại Việt Nam của Samsung đã lên tới gần 15 tỷ USD, một con số cách đây 7 năm không ai tưởng tượng được.

Vì thế, cũng có thể lắm chứ, nếu Apple quyết tâm đặt những nền tảng đầu tiên cho một kế hoạch đầu tư lớn tại Việt Nam. Không như một thập niên trước đây, Việt Nam là cái tên còn xa lạ với giới công nghệ thế giới. Hiện tại, Việt Nam đã là cứ điểm sản xuất toàn cầu của nhiều ông lớn công nghệ. Có thể kể tới những “Người đồng hương” của Apple – Intel và Microsoft. Nhưng Samsung thực sự là hình mẫu điển hình. Ngoài ra còn LG với tổ hợp 1,5 tỷ USD.

Thế giới đang hướng về Việt Nam như một công xưởng sản xuất toàn cầu, thế thì chẳng có lý do gì Apple không để mắt tới. Việt Nam có đầy đủ điều kiện để trở thành một địa điểm đầu tư an toàn và đầy tiềm năng. Chưa kể, trí tuệ Việt Nam cũng đã được khẳng định, giá nhân công lại rẻ. Quan trọng hơn, khi Cộng đồng Kinh tế ASEAN được thành lập, Việt Nam trở thành “cái rốn” của khu vực. Từ Việt Nam, Apple và các đại gia khác cũng có thể với tay sang các thị trường lân cận và khu vực, bao gồm cả việc tuyển dụng nhân lực.

Nếu Apple thực sự đầu tư tại Việt Nam trong nay mai, rất có thể, sẽ xảy ra “cuộc chiến” giữa hai “kỳ phùng địch thủ”: Apple và Samsung. Sẽ là thiển cận khi nói đây là cuộc chiến trên đất Việt, bởi cái đích mà cả hai ông lớn này đang nhắm đến dĩ nhiên không phải là thị trường Việt Nam nhỏ bé mà là thị trường trong khu vực và toàn cầu. Việt Nam chỉ là nơi mà họ “dừng chân”. Nhưng rõ ràng, bất cứ động thái nào của đối thủ cũng sẽ bị đối phương dè chừng, theo dõi. Chưa kể sẽ là một cuộc chiến thực sự trong cạnh tranh thu hút nhân lực tại Việt Nam. Nhưng đó là một “cuộc chiến” có ý nghĩa, bởi Việt Nam sẽ được hưởng lợi.

Giấc mơ Thung lũng Silicon

Một Samsung chưa đủ để viết nên một giấc mơ đưa Việt Nam thành trung tâm R&D của thế giới, nhưng nếu có sự tiếp sức của Apple, mọi chuyện có thể sẽ khác. Thực tế thì kể từ khi bắt đầu thu hút đầu tư nước ngoài, Việt Nam đã “nuôi mộng” thu hút các khoản đầu tư vào công nghệ cao, trong đó có hoạt động R&D, bởi đây được coi là “thượng nguồn đầu tư”, có thể đưa Việt Nam lên bước phát triển cao hơn.

Hỏi rằng đã có đầu tư vào R&D hay chưa, thì câu trả lời là có. Hewlett-Parkard, Panasonic và Nissan Techno đều đã có các hoạt động R&D tại Việt Nam. Robert Bosch thậm chí cũng đã có hai trung tâm R&D tại Việt Nam và hai trung tâm này bắt đầu từ năm 2015 đã mở rộng phạm vi hoạt động và có những khách hàng tiềm năng trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Samsung như đã nói, đã đầu tư rất nghiêm túc và bài bản cho hoạt động R&D tại Việt Nam. Cho tới nay, đây là nhà đầu tư duy nhất bỏ nhiều tiền như vậy cho hoạt động này tại Việt Nam.

Do vậy, nếu Apple đầu tư tiếp vào Việt Nam, sẽ là một cú hích lớn cho hoạt động R&D tại Việt Nam. Một thập kỷ qua, theo chân Intel, các đại gia công nghệ thế giới đã vào Việt Nam. Giờ hoàn toàn có thể hy vọng, theo chân Samsung và Apple, tri thức thế giới cũng sẽ đổ dồn về Việt Nam. Ông Thiều Phương Nam, Tổng giám đốc Qualcomm Việt Nam, Lào và Campuchia đã từng chia sẻ rằng, Việt Nam đã trở thành công xưởng lớn sản xuất thiết bị di động rồi nên hy vọng sau này sẽ trở thành trung tâm thiết kế, trung tâm R&D của thế giới.

Ấn Độ đã từng trở thành “Thung lũng Silicon” thứ hai của thế giới. Việt Nam liệu có thể trở thành một “Thung lũng Silicon” thứ ba hay không?

Hoàng Phương
Nguồn Doanh Nhân Online