Doanh nghiệp thiệt hại tiền tỉ vì tin đồn thất thiệt

Chiêu trò cạnh tranh không lành mạnh bằng việc tung tin đồn thất thiệt ngày càng trở nên phổ biến ở Việt Nam, khiến nhiều doanh nghiệp chịu thiệt hại nặng nề cả doanh thu và uy tín.

Năm 2015, thông tin mì Kokomi của Masan có sinh vật lạ như giun, sán lan truyền trên mạng, khiến nhiều người nhẹ dạ tin là sự thật. Câu chuyện xuất phát ở một làng thuộc huyện Tĩnh Gia (Thanh Hóa), khi người dân thấy một số sinh vật lạ còn sống trong gói mì Kokomi. Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Thanh Hóa đã thu gom số mì chưa sử dụng hết cùng thùng với gói mì được phản ánh, đem pha chế theo cách thông thường nhưng không hề thấy sinh vật lạ như tin đồn. Mẫu mì tôm đưa về Trung tâm kiểm nghiệm dược phẩm - mỹ phẩm Thanh Hóa kiểm nghiệm cũng cho ra kết quả tương tự. Theo Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), quá trình sản xuất mì tôm xử lý ở nhiệt độ trên 100 độ C, nên sinh vật không thể sống trong sản phẩm.

Giữa năm 2014, tại các tỉnh miền Trung xuất hiện tin đồn thương hiệu bia Huda bị bán hoàn toàn cho Trung Quốc. Tin đồn này càng nguy hiểm hơn khi đối tượng còn phát tờ rơi với số lượng lớn ở nhiều địa phương nhằm “khẳng định sự việc”. DN phải gửi đơn cầu cứu cơ quan chức năng và những kẻ chủ mưu phát tờ rơi đã bị bắt. Theo công ty sở hữu thương hiệu Huda, những tin đồn thất thiệt kéo dài khoảng 3 năm (2012 - 2014) khiến DN thiệt hại gần 64 tỉ đồng, chưa kể những tác động xấu về mặt thương hiệu.

Nhiều DN sản xuất lớn dính tin đồn thất thiệt trong thời gian qua - Ảnh: D.Đ.M

Bên cạnh lĩnh vực thực phẩm, ở VN còn xuất hiện các tin đồn thất thiệt liên quan đến nhiều khía cạnh của cuộc sống, trong đó đáng chú ý những tin đồn về các công ty trên sàn chứng khoán, hệ thống hạ tầng giao thông… Ví dụ tin đồn cầu Phú Mỹ (TP.HCM) có vết nứt và sắp sập xuất phát từ một bức ảnh trên mạng xã hội hồi tháng 8.2015. Các cơ quan chức năng cùng chủ đầu tư cầu Phú Mỹ phải vào cuộc kiểm tra và khẳng định vết nứt chỉ là khe co giãn giữa nhịp chính và nhịp phụ nằm trong giới hạn cho phép của thiết kế.

Không chỉ trong nước, còn nhiều vụ tin đồn ở nước ngoài liên quan đến sản phẩm của VN. Mới đây, cơ quan quản lý thực phẩm Singapore đã lên tiếng bác bỏ tin đồn lan truyền trên mạng xã hội khi một tài khoản mạng chụp hình và khẳng định khoai lang luộc xuất xứ từ VN chuyển sang màu xanh khi để trong tủ lạnh, vì nhiễm chất độc da cam (ở vùng đất trồng khoai lang). Cục Thú y và nông sản Singapore sau đó phản bác không có chuyện chất độc da cam khiến khoai lang chuyển sang màu xanh mà vì khoai lang luộc tiếp xúc với không khí.

Luật sư Châu Huy Quang, Đoàn luật sư TP.HCM, cho biết nhiều trường hợp DN bị tung tin đồn sai đã khiếu kiện thành công và đây là “tiền lệ” để những doanh nghiệp bị phao tin đồn thất thiệt đòi công bằng.

Chẳng hạn, Công ty TNHH cơ khí ô tô Phạm Gia (Q.Tân Bình) đã khởi kiện thành công một cá nhân khi người này lên một diễn đàn xe hơi để bôi xấu dịch vụ Phạm Gia, dẫn đến doanh thu của công ty bị giảm đến 65%. “Khi gặp trường hợp bị tung tin đồn, theo tôi ngoài các động thái xử lý khủng hoảng về mặt kinh doanh, DN cần nhanh chóng tập hợp chứng cứ, liên hệ cơ quan chức năng có thẩm quyền để xem xét, xử lý theo quy định của pháp luật nhằm hạn chế đến mức tối đa các thiệt hại có thể xảy ra”, ông Quang phân tích.

“Tệ hại nhất là im lặng”

Cũng theo luật sư Châu Huy Quang, tại các nước phát triển, hành vi tung tin đồn thất thiệt đã được đưa vào pháp luật từ rất sớm. Cụ thể như Singapore, hành vi này được quy định tại đạo luật riêng, Luật số 75 ban hành từ năm 1965, sửa đổi năm 2014. Ở VN tin đồn thất thiệt càng lúc càng phổ biến do nhiều nguyên nhân. Thứ nhất, chế tài chưa đủ mạnh, chưa tương xứng với mức độ thiệt hại mà DN phải gánh chịu do tin đồn gây ra.

Nếu phạt hành chính hành vi này chỉ dừng ở vài triệu đến hơn 100 triệu đồng như hiện nay, trong khi một tin đồn có thể giết luôn DN. Thứ hai, về khía cạnh hình sự, đến nay chưa có hướng dẫn thực thi và thực tế được vận dụng không nhiều, dẫn đến các cơ quan tiến hành tố tụng lúng túng khi tiếp nhận, truy cứu trách nhiệm hình sự đối với loại tội phạm này. Ngoài ra, bộ luật Hình sự hiện hành chưa có quy định về xử lý pháp nhân phạm tội này. Thứ ba, tuy bộ luật Dân sự cho phép khởi kiện đòi bồi thường thực tế, nhưng việc chứng minh các thiệt hại phát sinh từ tin đồn là cực kỳ khó, dẫn đến việc thực thi cơ chế bồi thường thực tế chưa hiệu quả. Thứ tư, ở VN ngày nay số lượng người sử dụng mạng xã hội phát triển mạnh mẽ đã góp phần phát tán tin đồn, thông tin chưa kiểm chứng… ồ ạt mà không ý thức được tác hại khủng khiếp của nó.

Trong khi đó, theo chuyên gia truyền thông Matthew Underwood , Giám đốc điều hành Công ty Matterhorn Communications, khi “dính” tin đồn, điều tệ hại nhất là DN im lặng, không phản ứng gì. “Nếu chọn cách im lặng, những kẻ tung tin đồn sẽ không dừng lại mà thêu dệt thêm nhiều thông tin bất lợi. Vì thế, tốt nhất là khi tin đồn lan truyền, DN cần nhanh chóng cung cấp thông tin sự thật về điều đó, càng rõ ràng càng tốt. Cập nhật sự thật trên các phương tiện truyền thông, bao gồm cả website và kênh mạng xã hội để ngăn chặn tin đồn phát triển”, ông Matthew Underwood nhấn mạnh.

N.Trần Tâm
Nguồn Thanh Niên