GrabCar, một thế lực kinh doanh taxi mới?

Sáng ngày 25/3, Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TPHCM chính thức triển khai quyết định số 24/QĐ-BGTVT về việc thí điểm “mô hình triển khai ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng” trong thời gian hai năm.

Theo quyết định trên, ngoài TPHCM, còn có bốn tỉnh, thành được phép thí điểm mô hình này: Hà Nội, Đà Nẵng, Khánh Hoà và Quảng Ninh.

Theo Phó giám đốc sở GTVT TPHCM Lê Hoàng Minh, quyết định 24 áp dụng cho tất cả các doanh nghiệp đáp ứng các yêu cầu của quyết định này.

“Tuy nhiên, mỗi doanh nghiệp tham gia phải có đề án riêng, phải được bộ GTVT phê duyệt. Cho đến nay, tại địa bàn TPHCM, chỉ có Grab Việt Nam tham gia thử nghiệm đề án này với dịch vụ GrabCar”, ông Minh cho biết thêm.

Ông Lê Hoàng Minh khẳng định, đối tượng tham gia mô hình nói chung, phải là các doanh nghiệp hoặc hợp tác xã có chức năng vận tải hành khách, phải có phù hiệu và chỉ áp dụng cho xe dưới chín chỗ ngồi.

Xe tư nhân không được tham gia GrabCar. Ảnh: Phương Thảo.

Là doanh nghiệp duy nhất tham gia đề án trên, ông Nguyễn Tuấn Anh, Giám đốc Grab Việt Nam đưa ra lời cam kết: dịch vụ GrabCar không chấp nhận xe tư nhân tham gia mà phải là xe của các tổ chức hợp pháp, có chức năng vận chuyển hành khách để Grab Việt Nam dễ dàng kiểm soát và thực hiện các nghĩa vụ như bảo hiểm xe và hành khách, các khoản thuế của doanh nghiệp và tài xế… với các cơ quan chức năng.

“Để an toàn cho khách hàng, chúng tôi không ký hợp đồng với những xe đã chạy quá năm năm, cũng như có biện pháp chế tài với tài xế cũng như các doanh nghiệp tham gia đề án cùng với Grab Việt Nam”, ông Tuấn Anh chia sẻ thêm.

Có thể nói GrabCar là một “thế lực” mới cạnh tranh với các hãng taxi truyền thống, dịch vụ Uber và các hình thức xe chạy hợp đồng của tư nhân.

Theo ông Tuấn Anh, các đối tác tham gia GrabCar sẽ bị thu 20% giá trị trên từng hợp đồng, bất kể đoạn đường ngắn hay dài.

“Tất cả những dữ liệu về từng cuốc xe GrabCar sẽ được ghi trên hệ thống của cả hai bên, trên cơ sở đó, hai bên sẽ quyết toán với nhau”.

Giám đốc một doanh nghiệp kinh doanh taxi cho biết, hiện GrabCar không công khai giá cước mà tích hợp giá cước vào trong ứng dụng, khi hành khách sử dụng ứng dụng GrabCar mới thấy giá cước hiển thị trên ứng dụng.

Có thể nói GrabCar là một “thế lực” mới cạnh tranh với các hãng taxi truyền thống, dịch vụ Uber và các hình thức xe chạy hợp đồng của tư nhân.

Cũng theo vị giám đốc này, những ai đã từng sử dụng dịch vụ GrabCar đều biết mức cước của dịch vụ này thấp hơn giá cước taxi của nhiều hãng taxi từ 20 – 30%.

“Thấp hơn là vì trước đây họ thử nghiệm, chưa chịu bất kỳ khoản thuế nào. Nay đã hoạt động công khai, liệu có thấp như vậy hay không? Hay là họ phá giá thị trường để thu hút khách hàng?”, vị giám đốc này đặt vấn đề.

Trả lời những khúc mắc trên, ông Lê Hoàng Minh cho rằng, đây là đề án thí điểm nên trong quá trình hoạt động sẽ điều chỉnh cho hợp lý và công bằng với các loại hình vận tải hành khách khác.

Ông Tạ Long Hỷ, Giám đốc công ty taxi Vinasun, kiêm chủ tịch hiệp hội Taxi TPHCM, nói thẳng với lãnh đạo bộ GTVT, sở GTVT…: “Với những quy chế mà Grab Việt Nam đưa ra cho các đối tác tham gia dịch vụ GrabCar như giá cước, tuyển dụng và sa thải tài xế, huấn luyện nghiệp vụ lái xe… thì đây không còn là công ty cung cấp công nghệ mà chính là một doanh nghiệp kinh doanh taxi thực thụ…”

Giám đốc Grab Việt Nam Nguyễn Tuấn Anh lại cho rằng: Grab Việt Nam chỉ là công ty cung ứng công nghệ, không hề lấn sân sang các hoạt động khác.

Những thông tin về dịch vụ GrabCar không phải Grab áp đặt mà từ việc thảo luận với đối tác để có cách kiểm soát cho mô hình có hiệu quả.

Hoàng Triều
Nguồn Tiếp thị thế giới