Alphabet và hướng đi đầy tham vọng của Google

Giữa năm 2010, dường như Google đã đi chậm lại, có điều gì đó làm cản bước của gã khổng lồ trong lĩnh vực tìm kiếm?

Các nhà đầu tư, nhà phân tích, giới truyền thông, những người từng ca ngợi sự tăng trưởng của Google đang bắt đầu tự hỏi: liệu có phải công ty này chỉ là một "chú ngựa ô" trong lĩnh vực tìm kiếm và quảng cáo trên Internet?

Bên trong Google, những dự án tiềm năng và có khả năng sinh lợi cao đã bắt đầu tăng tốc, nền tảng di động tiếp tục được đầu tư mạnh mẽ, hàng triệu quyển sách được chuyển sang kỹ thuật số, hàng triệu con đường lớn nhỏ trên hành tinh được đưa vào bản đồ, vài chiếc xe hơi không người lái được thử nghiệm trên những con phố của nước Mỹ.

Google không thiếu tiềm năng, tham vọng, vấn đề của họ là những rạn nứt trong nội bộ lãnh đạo cấp cao khi ra những quyết sách quan trọng.

Trong gần một thập kỷ, hai nhà sáng lập Google Larry Page và Sergey Brin đã cùng nhau đề ra đường đi nước bước cho công cụ tìm kiếm lớn nhất thế giới, cùng với vị CEO dành dặn kinh nghiệm Eric Schmidt.

Bộ ba lãnh đạo Google: Larry Page, Sergey Brin và Eric Schmidt tại trụ sở ở Mountain View vào năm 2004. Ảnh: AP.

"Họ đã kết hợp rất chặt chẽ với nhau ngay từ đầu và cùng đưa ra những quyết sách quan trọng. Điều đó thật mạnh mẽ", Patrick Pichette - cựu Giám đốc Tài chính (CFO) của Google cho biết khi trả lời phỏng vấn với Mashable. Tuy nhiên, như những công ty khác, phát triển trong một môi trường phức tạp và nhiều tác động đã trở thành vấn đề lớn.

Cuối cùng, Google đã đưa ra quyết định có tính chất bước ngoặc, sẽ thay đổi chính mình, cơ cấu lại bộ phận quản lý cấp cao, Alphabet ra đời. Chỉ vài tháng sau, lần đầu tiên trong lịch sử, Google vượt qua Apple để trở thành công ty có giá trị nhất thế giới (trong vài giờ).

Hai giờ rưỡi tranh cãi

Patrick Pichette là CFO của Goole trong vòng 7 năm từ 2008, đến 2015 ông quyết định rời bỏ công việc để đi du lịch thế giới nhằm tìm sự cân bằng cho công việc và cuộc sống. Pichette hiểu rất rõ sức ảnh hưởng của bộ ba quyền lực ở Google.

Từ góc nhìn của mình, ông cho rằng bộ ba này đã vô tình tạo ra một "nút thắt cổ chai". Ba người đàn ông ở vị trí tương tự nhau, đồng thời quyết định về những điều giống nhau.

Nhiều lần, các nhóm sản phẩm háo hức chờ đợi Giám đốc điều hành sẽ đưa ra quyết định về vấn đề của họ sau hơn 2,5 giờ bàn luận. Tuy nhiên, không có quyết định nào được đưa ra vì Page hoặc Brin hoặc Schmidt không có mặt ở thời điểm đó, cần phải có thêm một buổi bàn luận khác.

"Không có quyết định nào được đưa ra mà không có đủ bộ ba quyền lực và tất cả gật đầu", Pichette nhớ lại. "Tôi có thể rằng một số điều như thế này đã tạo đà cho sự suy giảm".

Luôn cần có mặt cùng lúc cả ba người khi ra những quyết định quan trọng. Ảnh: Flickr.

Công cuộc sửa đổi ở Google

Sau nhiều tranh cãi, cuối cùng những nhà lãnh đạo của Google cũng đồng ý với nhau rằng cần phải có hướng đi mới cho công ty. Sự thay đổi được bắt đầu vào năm 2011.

Google đã đưa ra một quyết định khá bất ngờ khi đưa Larry Page lên vị trí CEO, chuyển Eric Schmidt sang chức Chủ tịch tập đoàn, Sergey Brin vẫn là nhà đồng sáng lập.

Vai trò của họ đã trở nên rõ ràng hơn, Page sẽ chịu trách nhiệm về các công nghệ và chiến lược kinh doanh quan trọng, Brin tập trung vào lĩnh vực nghiên cứu sản phẩm mới, chẳng hạn như Google Glass hay xe tự hành, Schmidt hoạt động như một nhà tư vấn và tập trung vào các mối quan hệ kinh doanh lớn, quan hệ với chính phủ và những nhà lãnh đạo công nghệ khác.

"Khi Google đã phát triển, quản lý việc kinh doanh trở nên phức tạp hơn", Schmidt viết trên blog ở thời điểm đó. "Vì vậy, Lary, Sergey và tôi đã thảo luận trong một thời gian dài về cách tốt nhất để đơn giản hóa cơ cấu quản lý và tăng tốc độ của khâu ra quyết định".

Sự khởi đầu của Alphabet

Đối với Larry Page, việc tái cơ cấu bộ phận lãnh đạo mới chỉ là bước đi đầu tiên.

Từ thời điểm nhận chức CEO vào năm 2011, ông đã quan tâm đến việc tìm kiếm một cơ cấu kinh doanh mới, có nhiều tham vọng hơn, một mô hình sẽ giúp Google hiện thực hóa những ý tưởng của họ, đồng thời giải phóng Page khỏi công việc quản lý nặng nề và buồn tẻ ở Google.

Giải pháp được đưa ra gồm hai giai đoạn. Đầu tiên, Page chuẩn bị chu đáo cho người kế nhiệm mình ở vị trí CEO. Sundar Pichai đã đóng vai trò ngày càng quan trọng hơn, được trao quyền điều hành ở nhiều bộ phận chủ chốt.

Biểu đồ tăng trưởng của Google trên thị trường chứng khoán trong vòng 5 năm, kể từ thời điểm họ bắt đầu cải tổ bộ máy điều hành.

Tiếp đến, Page gây sốc thật sự với giới công nghệ khi tuyên bố thành lập Alphabet. Google chỉ là một công ty con của tập đoàn khổng lồ này, bên cạnh Nest, Google Ventures và nhiều bộ phận khác.

Page, Brin và Schmidt vẫn là những người quản lý cao nhất tại Alphabet, nhưng nhiều CEO ở các bộ phận đã có thể tự đưa ra quyết định của mình, thay vì chờ đợi cuộc "nghị bàn" của bộ ba quyền lực như trước đây.

Khi nghe được từ Sergey câu nói, đại loại như: “Về vấn đề đó, hãy gọi cho Larry”, Pichette cho biết đó như khoảnh khắc biến đổi ở Google. “Điều này mang lại cho chúng tôi động lực rất lớn”, vị cựu CFO của Google bày tỏ.

Pichette cũng là người đóng vai trò quan trọng trong việc chuẩn bị cho sự ra đời của Alphabet trước khi ông quyết định về hưu.

Alphabet đánh dấu sự trưởng thành trong bộ phận lãnh đạo của Google trước đây, đồng thời là thành quả của công cuộc thay đổi được khơi màu từ năm 2011.

“Họ giỏi một cách đáng kinh ngạc và luôn có ý tưởng dẫn đầu” Pichette bày tỏ. Sau tất cả, có một điều không hề thay đổi: “Đây là ba người đầy những tham vọng điên rồ”.

Nguyễn Mai
Nguồn Zing News