Thị trường điện ảnh: Cuộc chiến giữa các vị... phát hành

Không hẹn mà gặp, phát hành phim giữa năm 2015 trở đi bắt đầu xuất hiện những cái tên rất mới như Green Media, Golden Screen Distribution...

Cùng với đó, những thương hiệu đã có thâm niên trên thị trường như Phương Nam Phim, Nghiệp Thắng Media... cũng mở rộng thêm mảng phát hành. Những cái tên mới đã thổi vào làn gió lạ, làm phong phú hơn thị trường trị giá hơn 100 triệu USD này.

Chiến lược của "người trẻ”

Tháng 5/2015, Green Media tham gia thị trường phát hành phim Việt Nam. Sau hơn nửa năm hoạt động, số lượng phát hành của đơn vị này đạt gần 15 phim, bình quân 2 - 3 phim/tháng.

"Phim của các hãng lớn của Hollywood như Disney, Sony, Paramount... đều thuộc quyền phát hành của 6 MPA trực thuộc Hiệp hội Điện ảnh Hoa Kỳ, nhưng các hãng phim độc lập, không trực thuộc 6 MPA, lại là con số không thống kê nổi. Tuy không nhiều "bom tấn" nhưng nếu biết khai thác, những đơn vị phát hành vẫn có thể mang về thị trường Việt Nam những phim tốt, doanh thu cao", bà Đặng Thu Hiền - Giám đốc Green Media, tiết lộ.

Đây cũng chính là con đường của các đơn vị phát hành mới gia nhập thị trường. Do vậy, các đơn vị phát hành phải gây dựng mối quan hệ với những nhà làm phim độc lập để có được quyền khai thác tài nguyên.

Thị trường quốc tế hiện đã và đang có khá nhiều hội chợ phim quốc tế cũng như các liên hoan phim để những nhà làm phim độc lập tìm kiếm khách hàng. Nhu cầu của khán giả đa dạng, cơ hội dành cho các nhà phát hành phim chọn hướng làm việc với các hãng phim độc lập là không nhỏ.

Tuy nhiên, nếu như ở thị trường thế giới, nhà phát hành phải là những đơn vị hoàn toàn độc lập so với những doanh nghiệp (DN) kinh doanh cụm rạp chiếu phim, thì ở Việt Nam, do lịch sử hình thành, điều này không được phân bạch rõ ràng.

Điều này dẫn đến việc "ông vua rạp chiếu" cũng chính là "nữ hoàng phát hành". Bà Thu Hiền nhận định: "Đó chính là cái khó nhất của việc tham gia thị trường. Bởi, có cụm rạp là có lợi thế rất lớn trong cạnh tranh".

Để tồn tại, DN phát hành buộc phải tính toán tốt thời điểm đưa phim ra thị trường để không bị mất hút trong lịch chiếu phim bom tấn dày đặc của các rạp.

"Kinh doanh phát hành phim, cũng là hình thức làm dịch vụ, không cần vốn nhiều nhưng người làm phải có kinh nghiệm, có quan hệ với nguồn phim và quan trọng nhất là phải tính toán tốt, sao cho thị trường cân đối. Nghĩa là, phong phu về mặt thể loại để khán giả có nhiều lựa chọn", bà Hiền chia sẻ.

Doanh thu mỗi phim công chiếu dao động trong khoảng tỷ lệ 50 - 50%. Với những phim bom tấn, con số cho đơn vị phát hành có thể lên đến 65% nhưng cũng có những phim chỉ đạt 45%.

Đồng quan điểm, ông Lý Quốc Oai - Giám đốc hãng phim Nghiệp Thắng, cho biết, đơn vị phát hành phải đo được thị hiếu khán giả nếu không, rất khó để duy trì. Phim nhập về nếu có sự tham gia của "sao" thì tính an toàn mới được đảm bảo.

Trung bình, doanh thu mỗi phim công chiếu dao động trong khoảng tỷ lệ 50 - 50%. Với những phim bom tấn, con số cho đơn vị phát hành có thể lên đến 65% nhưng cũng có những phim chỉ đạt 45%.

Tuy nhiên, ông Oai cũng cho biết, đơn vị phát hành không được hưởng toàn bộ phần trăm của mình. Như trường hợp của Nghiệp Thắng, phải chia lại thêm 10 đến 12% trên tỷ lệ mình nhận được cho nhà phát hành phim của đơn vị sở hữu cụm rạp chiếu, xem như hình thức đồng phát hành, mới có thể đưa phim mình vào các cụm rạp đấy. Bù lại, khi vào được những cụm rạp lớn thì doanh thu cũng được đảm bảo hơn.

Hơn 12 năm có mặt trên thương trường, quá trình làm việc để đưa những bộ phim Hong Kong, Trung Quốc... lên màn ảnh nhỏ đã cho Nghiệp Thắng cơ hội giành quyền phát hành những bộ phim chiếu rạp, có khả năng mang đến doanh thu cao tại thị trường Việt Nam.

Tận dụng mối quan hệ, Nghiệp Thắng mạnh dạn tham gia phát hành phim chiếu rạp, xem như một kênh kinh doanh thêm thời gian gần đây. Có những phim không hiệu quả nhưng với lợi thế sẵn có là khả năng lồng tiếng, Nghiệp Thắng cũng đã có những phim chốt lời.

Miếng ghép của thị trường

"Thời gian sở hữu bản quyền phát hành phim lên đến 5, 6 năm, nhưng phim chỉ có tầm 4 tuần để sống ở rạp. Chỉ cần phim không hút khách là rạp có thể không dành phòng chiếu cho phim ấy nữa", bà Thu Hiền tiết lộ. Điều này tạo áp lực rất lớn cho những đơn vị phát hành nhỏ và non trẻ.

Ảnh minh họa: Kenh14

Thế nhưng, để giữ được quan hệ với các hãng, người nhập phim cũng phải chấp nhận những phim thiếu tính an toàn, nghĩa là khả năng thu hồi vốn không cao.

"Là người đến sau, chúng tôi xác định không thể cạnh tranh và cũng không đến vì cạnh tranh. Chúng tôi chấp nhận là một miếng ghép của thị trường. Trong ngành này, đơn vị nào quan tâm nhiều đến việc chăm chút đời sống tinh thần cho khách hàng, đơn vị ấy sẽ có cơ hội", bà Hiền nhấn mạnh.

Đáng mừng là sau thời gian chiếu rạp, nhà phát hành vẫn còn có cơ hội khai thác thêm các kênh chiếu khác như truyền hình, truyền hình theo yêu cầu... để tăng lợi nhuận.

Ngoài ra, còn một kênh mới hình thành gần đây là các dịch vụ xem phim có tính phí. Tuy dịch vụ này chưa nhiều và việc các website chiếu phim không tôn trọng bản quyền vẫn tồn tại nhan nhản nhưng những tín hiệu vui ấy cũng phần nào khiến nhà phát hành phim khấp khởi hy vọng.

Theo bà Huệ Chi, đại diện phát hành BHD, trong 2015, các nhà phát hành phim mới xuất hiện, bên cạnh các công ty sản xuất phim nội địa mới nổi, đem lại diện mạo mới cho thị trường. Đồng thời, sức cạnh tranh của thị trường cũng nâng cao.

"Trong ngành này, đơn vị nào quan tâm nhiều đến việc chăm chút đời sống tinh thần cho khách hàng, đơn vị ấy sẽ có cơ hội."

Hiện nay, mỗi tuần trung bình khoảng 15-20 phim mới ra rạp, đa dạng về thể loại. Số lượng màn hình chiếu cũng vị nhu cầu đó mà tăng mạnh, từ đó dẫn đến việc thị trường phát triển rầm rộ theo chiều hướng tích cực. Đây rõ ràng là dấu hiệu đáng mừng và khích lệ đối với các nhà làm phim và phát hành phim trong nước.

"BHD là một nhà sản xuất phim, song song với tư cách là nhà phát hành phim, chúng tôi vẫn chú trọng sản xuất phim Việt. Trong năm 2015, chúng tôi phát hành đa dạng các phim đến từ Trung Quốc, Nhật bản, Tây Ban Nha... năm 2016 vẫn sẽ có sự đa dạng như vậy, và chắc chắn mỗi bộ phim sẽ kể câu chuyện riêng và có những khán giả riêng.

Thời gian tới, BHD sẽ mở thêm nhiều cụm rạp ở TP.HCM, cũng như các tỉnh thành lớn trên cả nước. Tất nhiên, sự mở rộng của các hệ thống rạp BHD sẽ giúp đỡ trực tiếp và hiệu quả cho việc công chiếu các bộ phim BHD sản xuất cũng như phát hành", bà Huệ Chi cho biết.

Chủ tịch Hiệp hội Phát hành và Phổ biến phim Việt Nam, ông Nguyễn Văn Nhiêm đánh giá: "Rõ ràng, những đơn vị mới tham gia lĩnh vực phát hành phim là những đơn vị năng động, nhiệt huyết. Những cái tên mới ấy sẽ đóng góp tích cực cho sự phát triển lành mạnh phong phú, đa dạng và sôi động của thị trường phát hành phim cả nước".

Phương Uyên - Đặng Quý Yên
Nguồn Doanh Nhân Sài Gòn