Duracell vs. Energizer: Cuộc chiến trăm năm giữa hai hãng pin lớn nhất thế giới

Thị trường ngành pin không “nóng bỏng” như ngành dầu lửa, không có nhiều công nghệ phức tạp như ngành năng lượng sinh học và cũng không thực sự tăng trưởng mạnh như nhiều mảng kinh doanh khác.

Dẫu vậy, chiến tranh ngành pin vẫn chưa thể kết thúc bởi nhiều thiết bị, từ điều khiến tivi đến đồ chơi trẻ em và thậm chí là smartphone đều cần loại sản phẩm này.

Hiện nay, chiến tranh ngành “pin” đang ngày một nóng hơn khi 2 công ty sản xuất hàng đầu thế giới tăng cường cho ra mắt các sản phẩm mới nhằm giành lợi thế trước đối thủ trên thị trường 2,6 tỷ USD này.

Nhà sản xuất pin lớn thứ 2 thế giới là Energizer tung ra dòng sản phẩm e2 với thời gian dùng lâu hơn 40% so với dòng pin thường và đương nhiên, giá cũng đắt hơn 30%.

Đáp trả, hãng sản xuất pin lớn nhất thế giới là Duracell, cũng tuyên bố sản xuất pin với công nghệ M3 nhằm tăng cường các tính năng sản phẩm trước xu thế ngày càng nhiều khách hàng sử dụng pin cho thiết bị điện tử.

Hãng cho biết công nghệ này cho phép các đồ chơi trẻ em tiêu tốn nhiều năng lượng có thể hoạt động thêm 3 tiếng, còn các máy ảnh dùng pin Duracell có thể chụp thêm 150 tấm ảnh trước khi phải sạc lại. Tất nhiên, giá loại pin theo công nghệ mới này cũng đắt hơn 25% so với thông thường.

Đối thủ truyền kiếp

Hai hãng sản xuất pin lớn nhất thế giới có lịch sử khá giống nhau khi đều được thành lập để phục vụ cho một công nghệ hay phát minh mới.

Năm 1898, thương hiệu Energizer được đăng ký bản quyền bởi David Misell và sau đó được bán lại cho Conrad Hubert. Vào thời kỳ đó, người tiêu dùng chủ yếu cần pin cho thiết bị đèn pin và đây là lý do cho sự phát triển của Energizer.

Tương tự như vậy, Duracell được thành lập vào năm 1924 và chủ yếu sản xuất ắc quy cho các thiết bị trong quân đội. mãi tới thập niên 50, sản phẩm của hãng mới được sử dụng rỗng rãi nhờ sự phổ biến của máy ảnh Kodak.

Thời đó, Kodak chọn dùng Duracell để làm nguồn năng lượng cho đèn nháy (flash) của máy ảnh.

Từ những năm 1973, Duracell đã sử dụng hình ảnh chủ thỏ Bunny làm thương hiệu. Tuy nhiên, đến thập niên 80 hãng Duracell phân vân giữa hình ảnh này với một mô hình khác nhằm tăng sự hấp dẫn của sản phẩm.

Chớp thời cơ, Energizer đăng ký bản quyền hình ảnh này tại Mỹ và Canada trong khi Duracell thất bại khi gia hạn bản quyền hình ảnh. Kết quả Duracell vẫn dùng hình ảnh thỏ Bunny làm thương hiệu hiện này ngoài thị trường Bắc Mỹ.

Ảnh: Consumers in the Mist

Trong suốt thời gian hoạt động, cả 2 hãng pin Duracell và Energizer đều có những động thái cạnh tranh khốc liệt.

Nếu Energizer là hãng pin nổi tiếng cho đèn pin thì Duracell mua lại thương hiệu đèn pin Garrity làm đối trọng.

Mỗi khi Duracell đăng ký bản quyền hay có những chiến lược marketing mới, hãng Energizer đều theo sát.

Rõ ràng, cả 2 hãng pin hàng đầu thế giới đều không chịu ngồi yên khi liên tục bám đuổi và cạnh tranh nhau trên thị trường.

Giữ vững ngôi vương

Phó Chủ tịch Rick Anderson của Duracell cho biết hãng là nhà sản xuất pin hàng đầu thế giới và khi chiếm thị phần to lớn như vậy thì việc bị cạnh tranh tại nhiều thị trường là điều dễ hiểu.

Nhận định này của ông Anderson được đưa ra khi thị trường pin ngày càng cạnh tranh khốc liệt và nhiều hãng sản xuất pin giá rẻ đang gia tăng thị phần.

Kết quả kinh doanh quý II/2015 của Duracell không thực sự tốt khi doanh số giảm 3% còn lợi nhuận giảm 19% so với quý trước đó.

Nguyên nhân chính được công ty cho là do cạnh tranh ngày càng khốc liệt tại thị trường Châu Âu cùng với nhu cầu pin suy giảm trên thế giới. Hơn nữa, chi phí marketing tại thị trường Bắc Mỹ cũng ngày một tăng.

Thị phần các thương hiệu pin

Bên cạnh đó, nhiều đối thủ của Duracell, đặc biệt là những công ty sản xuất nhỏ, doanh nghiệp địa phương đã tung ra các chiêu quảng cáo, khuyến mãi hoặc thậm chí phát sản phẩm miễn phí nhằm tăng doanh số.

Bất chấp điều đó, Duracell vẫn duy trì ngôi vương của mình trong ngành pin khi doanh số 1,15 tỷ USD của hãng vẫn cao hơn 126% so với cùng kỳ năm trước.

Về phía Energizer, doanh số toàn cầu của hãng tăng 26% và doanh số tại Mỹ tăng 24% trong quý II/2015.

Trước tình hình thị trường có nhiều biến động và cạnh tranh, hãng Duracell đã thực hiện chiến lược tập trung phát triển thị phần, bao gồm cải tiến công nghệ sản phẩm, hợp tác với những đối tác mới và tăng cường chiến dịch marketing.

Đây là một chiến lược khá đơn giản nhưng lại hiệu quả bởi đối thủ chính của Duracell là Energizer có vẻ vẫn chưa bắt kịp được với đà tăng trưởng của công ty.

Năm 2014, Duracell chiếm tới 39,5% thị phần thương hiệu ngành pin toàn cầu, cao hơn mức 27,3% của Energizer.

Hoàng Nam
Nguồn Trí thức trẻ