Domino's Pizza vs Pizza Hut: Kỷ nguyên của kinh doanh trực tuyến

Nếu bạn đang bận làm việc và không thể ra ngoài ăn trưa, việc gọi đồ ăn là điều dễ hiểu và món pizza thường được nhiều người ưa chuộng.

Tuy nhiên, chỉ vì miếng bánh này mà 2 công ty hàng đầu trong ngành là Pizza Hut và Domino's Pizza đang đánh nhau "vỡ đầu chảy máu".

Domino’s Pizza và Pizza Hut là những thương hiệu hàng đầu trong ngành pizza tại Mỹ, nhưng với những thay đổi chóng mặt trên thị trường, có vẻ một ông lớn đang dần hụt hơi trước đổi thủ còn lại.

Được thành lập vào năm 1960, Domino’s Pizza là chuỗi cửa hàng bán pizza lớn thứ 2 tại Mỹ nhưng lại là công ty hàng đầu thế giới trong mảng kinh doanh này với hơn 10.000 chi nhánh tại 70 quốc gia.

Theo báo cáo tháng 8/2015, doanh thu của Domino’s Pizza tăng 19,3% lên 702,4 triệu USD còn doanh số tăng 18,5% lên 1,48 tỷ USD. Lợi nhuận ròng của hãng cũng tăng 40% lên 64 triệu USD.

Nguyên nhân chính của đà tăng trưởng này là do Domino giành thêm được thị phần từ đối thủ Pizza Hut tại ít nhất 6 thị trường trên toàn cầu.

Thành lập vào năm 1958, Pizza Hut hiện là chuỗi cửa hàng pizza lớn nhất tại Mỹ và là một trong những đối thủ tầm cỡ với Domino’s Pizza trên thị trường quốc tế. Tính đến năm 2015, công ty có khoảng 11.139 chi nhánh trên toàn cầu. Hiện Pizza Hut đang được sở hữu bởi Yum Brand, doanh nghiệp sở hữu nhiều cửa hàng nhất thế giới.

Mặc dù vậy, có vẻ Pizza Hut đang chậm chân so với Domino trong cuộc chiến pizza này. Báo cáo kết quả kinh doanh quý I/2015 cho thấy doanh thu của hãng đã giảm 4% từ 2,7 tỷ USD xuống 2,6 tỷ USD. Lợi nhuận của công ty cũng giảm 9% từ 399 triệu USD xuống 362 triệu USD.

Vậy điều gì khiến Domino làm hài lòng cổ đông trong khi Pizza Hut lại hụt hơi trước đổi thủ? Câu trả lời rất đơn giản: Kinh doanh trực tuyến.

Thuận tiện là yếu tố mấu chốt trong ngành kinh doanh giao đồ ăn nhanh và vì vậy chiến trường hiện nay đang tập trung chủ yếu vào mảng kinh doanh trực tuyến.

Với sự nhanh chóng, tiện lợi, kinh doanh trực tuyến và thương mại điện tử đang thu hút được nhiều đầu tư từ những công ty như Domino hay Pizza Hut. Tuy vậy, Domino có vẻ đang dẫn trước nhờ hệ thống đặt hàng và vận chuyển đồ ăn hiệu quả hơn Pizza Hut.

Hiện khoảng 50% các đơn đặt hàng tại Mỹ của Domino là online và tỷ lệ này trên thị trường toàn cầu là 77%. Hơn thế nữa, số khách hàng đặt hàng qua mạng vẫn đang ngày một tăng. Những tiện ích của việc gọi đồ online và việc cải thiện hệ thống phục vụ qua di động khiến tỷ lệ khách hàng quay trở lại đặt hàng pizza với Domino tăng lên nhanh chóng.

Với việc tăng cường đầu tư vào đặt hàng online và di động, Domino đang tận dụng ưu thế của kinh doanh trực tuyến nhằm giảm thời gian chờ đợi của khách hàng, qua đó tăng lượng đặt hàng cũng như doanh thu.

Ngoài ra, sự bùng nổ của thương mại điện tử cũng góp phần thúc đẩy mô hình kinh doanh online và di động này.

Trong khi đó, đối thủ Pizza Hut cũng nhận ra cơ hội to lớn ở mảng kinh doanh trực tuyến và bắt đầu tăng cường đầu tư cho phân khúc này. Tuy vậy, có vẻ công ty vẫn chậm chân hơn Domino.

Phía Pizza Hut cũng cho biết họ đặt mục tiêu vượt qua các đổi thủ chính ở mảng đặt hàng trực tuyến trong khoảng 1-2 năm tới, nhưng với kết quả kinh doanh như trên, có lẽ kế hoạch trên sẽ gặp nhiều khó khăn.

Tập đoàn Yum cũng tuyên bố sẽ đầu tư không chỉ mảng đặt hàng trực tuyến cho Pizza Hut mà còn muốn cải thiện toàn diện, từ chiến lược marketing cho đến thực đơn món ăn nhằm cạnh tranh với Domino.

Quyết định trên của Yum là điều dễ hiểu khi ngoài thành công với mảng kinh doanh trực tuyến, Domino còn đạt được một số hiệu quả trong chiến lược marketing, như cải thiện hình ảnh chất lượng sản phẩm. Hãng đã cho ra mắt dịch vụ “Pizza Theater” tại Mỹ, qua đó cho phép khách hàng quan sát trực tuyến quá trình làm chính món pizza mà họ đặt.

Trước đó, Pizza Hut lại tập trung vào chiến lược về gia khi đưa ra những thực đơn với mức giá hấp dẫn cho người tiêu dùng, sử dụng phương pháp cạnh tranh về giá truyền thống trong ngành thức ăn và nhà hàng nhằm thu hút thêm khách hàng. Dẫu vậy, phương pháp này vẫn chưa thực sự đem lại hiệu quả cho hãng.

Hoàng Nam
Nguồn Trí thức trẻ