"Vạch trần" Starbucks, liệu Đặng Lê Nguyên Vũ có "nói được, làm được"?

Nếu chê Stanbucks, ông Vũ chỉ xứng ngang với... trưởng thôn

Công ty cổ phần Trung Nguyên hiện đang sở hữu chuỗi quán cà phê lớn nhất Việt Nam và sếp của Trung Nguyên đang sẵn sàng đường đua vào thị trường Tây phương. Vị “vua cà phê” Việt thời gian qua đã không ngần ngại tuyên chiến và quyết chiến với người khổng lồ trong lĩnh vực cà phê của Mỹ.

Starbuck và Trung Nguyên, ai sẽ là người chiến thắng? Mặc dù ủng hộ, đồng tình với tham vọng nâng tầm thương hiệu toàn cầu của cà phê Trung Nguyên, tuy nhiên, chia sẻ với báo Giáo dục Việt Nam, không ít độc giả vẫn tỏ ra lo ngại khi cho rằng: Phải chăng Đặng Lê Nguyên Vũ hơi quá cao ngạo và chưa thực sự hiểu nhu cầu của khách hàng?

Chủ tịch công ty Trung Nguyên đang hướng tới một sự bành trướng toàn cầu cho thương hiệu cà phê Việt Nam, sẵn sàng tuyên chiến với Starbucks - người khổng lồ cà phê Mỹ.

Độc giả Nguyễn Quang Minh nhấn mạnh: “Đã nói tới khẩu vị là nói tới sự khác biệt. Có thể, cà phê Trung Nguyên hợp với khẩu vị của nhiều người Việt nhưng nếu có dòng sản phẩm nào mới lạ, họ cũng có thể chuyển gu. Nhưng nếu quen với loại cà phê đen không đường hay ít đường, thì vị Trung Nguyên đậm, gắt và khô quá. Lúc đó uống cà phê Expresso Ý hay Pháp vẫn thi vị hơn.

Starbucks có thể sẽ không thành công nếu bán ở thị trường Việt Nam và ngược lại, Trung Nguyên không thể xâm nhập hay chen chân vào thị trường Âu Châu bởi khẩu vị hoàn toàn khác. Nếu có chăng, chỉ có trên quầy bán của các tiệm tạp hóa Việt Nam mà thôi”.

Độc giả Quang Minh chia sẻ: “Tôi ít khi ghé vào tiệm Starbucks uống vì phải xếp hàng chờ và chỉ vào khi phải quá cảnh ở sân bay quá lâu. Và tôi chỉ uống một loại Frappuccino Blended (Ice) là tỉnh người, thoải mái làm việc tiếp hay đọc sách giết thời gian. Cách đây hơn chục năm, xem TV4, phỏng vấn anh Vũ, tôi vừa quí trọng anh vì nghị lực, suy nghĩ táo bạo và tin tưởng vào một một thế hệ trẻ Việt Nam.

Nhưng rồi thỉnh thoảng về Việt Nam, tôi thấy các quán cà phê Trung Nguyên dần trở nên nhếch nhác. Trung Nguyên chưa đủ sức và công lực bơi ra biển lớn được. Khi chưa bơi ra biển lớn thì đừng chê bai “sóng lớn quá nhạt nhẽo, thiếu cảm giác”. Nói như thế, muôn đời chỉ là anh trưởng thôn chưa ra khỏi cổng làng. Tiếc thật”.

Starbucks – Trung Nguyên = Cuộc chiến giữa các vị "vua"

Trong khi một số người tiêu dùng Việt nghi ngại phát ngôn của "vua" cà phê Việt Đặng Lê Nguyên Vũ thì nhiều báo chí nước ngoài những ngày qua cũng đã trực tiếp phỏng vấn ông Vũ, đồng thời có lời khen ngợi ý chí và tinh thần của đại diện cà phê Việt, nó thể hiện khát vọng lớn và khao khát vượt qua mọi trở lực, “không gì là không thể”.

Trong đó, phần thắng về ai còn phải chờ câu trả lời ở phía trước. Bởi lẽ Starbucks đang đẩy mạnh phát triển các vùng trồng cà phê mới ở Trung Quốc cho sản phẩm riêng của họ, chứ không hoàn toàn như những gì Đặng Lê Nguyên Vũ đã nói: Starbucks “rất giỏi trong việc gieo một câu chuyện vào đầu khách hàng nhưng nếu chúng ta nhìn vào những yếu tố cốt lõi của Starbucks, những gì họ đang làm thật tệ hại. Họ không bán cà phê, họ đang bán thứ nước mang mùi vị cà phê với đường trong đó".

Ông Vũ đã luôn tự hào: Công ty của ông có mục đích cải thiện cuộc sống cho người dân trồng cà phê ở vùng cao nguyên - đây là một mắt xích mà ông Vũ cho là những đối thủ lớn hơn còn thiếu.

“Họ đang ca những bài ca tuyệt vời về phát triển bền vững, nhưng rốt cục, thứ mà họ quan tâm chỉ là lợi nhuận từ đầu tư. Họ không trồng cà phê phải không? Chúng tôi thì có”, ông Vũ nói trên hãng tin Reuters.

Nhưng sự khác biệt cũng chính là yếu điểm của Starbucks mà CEO cà phê Trung Nguyên nói ở trên đang được Starbucks dần khắc phục.

Theo đó, vào tháng 2/2012 vừa qua, Starbucks đã bắt tay với Tập đoàn Ai Ni của Trung Quốc, với việc thành lập công ty liên doanh, Starbucks nhằm mục đích tìm nguồn cung ứng nguyên liệu cà phê trong khu vực Vân Nam để sử dụng trong pha trộn toàn cầu của công ty và xây dựng mối quan hệ lâu dài với nông dân trồng cà phê của tỉnh Vân Nam. Các công ty liên doanh cũng sẽ áp dụng phương pháp chế biến tốt nhất để đảm bảo một nguồn nhất quán và đáng tin cậy về chất lượng cà phê của Starbucks.

Trong kế hoạch mở rộng tới đây của Starbucks, Ấn Độ và Việt Nam được xem là một điểm đến mới, bên cạnh việc mở thêm cửa hàng mới tại Trung Quốc, Brazil.

Sự xuất hiện của Starbucks tại Việt Nam vào năm 2013 được nhiều người sành cà phê Việt Nam đón chờ, sau khi đã được thưởng thức một số thương hiệu đồ uống và fastfood nổi tiếng ngay trong nước như Illy's, Gloria Jeans, KFC hay Pizza Hut.

Và một câu hỏi lại được đặt ra là: Liệu Starbucks sẽ sửa soạn cho cuộc “chiến tranh” tại Việt Nam? Liệu ông Vũ có thể giành được trái tim của người tiêu dùng và khiến cho đối thủ lớn nhất của mình phải khâm phục?

Nhiều người dân Việt Nam đang dõi theo từng bước đi của người được coi là “Vua cà phê Việt” này và hi vọng “ông nói được và làm được”, mong mỏi cái tên Đặng Lê Nguyên Vũ lại làm nên lịch sử trong công cuộc bành trướng trên thị trường quốc tế!

Nguồn Báo Giáo Dục