Chiêu bài giá rẻ của Xiaomi đã không còn hiệu lực?

Hãng công nghệ Xiaomi đang phải thay đổi chiến lược kinh doanh để tạo ra sự khác biệt mới, thay vì chỉ đơn thuần dựa vào giá rẻ như trước đây.

Vào đầu năm 2015, trong bức thư đầu năm của mình, nhà đồng sáng lập của Xiaomi là Lin Bin đã đánh dấu hai thành tựu lớn của hãng khi bán ra 61 triệu smartphonestrong năm 2014, đồng thời nâng mức vốn hóa lên thêm 1,1 tỷ USD.

Tuy nhiên, đến năm 2016 thì Xiaomi trở nên khiêm tốn hơn, và không ghi ra số smartphone mà họ đã bán được là bao nhiêu, vì có nhiều khả năng là họ đã không đạt được mục tiêu 80 triệu của năm 2015.

"Xiaomi không nhấn mạnh đến chỉ tiêu doanh số bán hàng nữa mà thay vào đó sự hài lòng của khách hàng là những gì mà chúng tôi quan tâm nhất hiện nay", Giám đốc điều hành kiêm nhà đồng sáng lập của Xiaomi là Lei Jun chia sẻ.

Ông Lei Jun, Giám đốc điều hành kiêm nhà đồng sáng lập

Với tư duy rằng yếu tố quyết định thành bại trong cuộc chiến giữa các smartphone dùng hệ điều hành Android sẽ là giá cả, Xiaomi đã thực sự tạo ra một bước đột phá lớn trong những năm qua. Tuy nhiên, cũng chính chiến lược này đã khiến cho Xiaomi trở thành nạn nhân cho chính thành công mà mình tạo ra.

Để duy trì mức giá xuống mức thấp nhất có thể, hãng đã đi tiên phong trong ý tưởng tập trung vào việc bán hàng trực tiếp cho người tiêu dùng qua kênh thương mại điện tử. Ngoài ra, Xiaomi còn tận dụng mô hình flash sales (bán hạ giá sâu trong thời gian rất ngắn) để dự đoán lượng cầu, và chỉ tập trung vào việc sản xuất 1-2 dòng sản phẩm để giảm tối đa giá thành.

Chiến lược này đã giúp cho Xiaomi trở thành nhà sản xuất smartphone lớn thứ ba trên thế giới tính tới tháng 10 năm 2014, và sản phẩm của hãng không chỉ phủ sóng rộng khắp Trung Quốc mà còn tấn công sang nhiều thị trường quốc tế khác. Tuy nhiên, tính tới thời điểm này nhiều thương hiệu khác đã dần bắt kịp và thậm chí qua mặt nhờ bắt chước đúng chiến lược của Xiaomi.

Thị phần của các nhà sản xuất smartphone trên toàn cầu

Chẳng hạn, Huawei với dòng máy Honor chỉ bán qua online đã vươn lên trở thành hãng smartphone có doanh số cao nhất Trung Quốc. Nhiều công ty phần mềm như Quihoo và LeTV cũng đã rất thành công chuyển sang sản xuất smartphone nhờ bắt chước chiến lược flash sales và ra mắt sản phẩm của Xiaomi. Bên cạnh đó, một số công ty như Vivo, Oppo và Gionee vẫn có mức tăng trưởng mạnh khi sử dụng các kênh bán lẻ truyền thống, cho thấy rằng chiến lược chỉ dựa vào TMĐT của Xiaomi không phải lúc nào cũng là số 1.

Ngoài ra, doanh số bán hàng của Xiaomi ở các thị trường ngoài Trung Quốc cũng không gây được ấn tượng nhiều. Ấn Độ là thị trường lớn thứ nhì của hãng, nhưng khách hàng tại đây cũng chưa thực sự mặn mà với thương hiệu Xiaomi.

Chính vì thế, đối thủ thực sự của Xiaomi không phải là các ông lớn như Samsung hay Apple, mà chính là các hãng điện thoại mới nổi khác, với khả năng sản xuất những chiếc điện thoại Android gần như không khác biệt nhau là mấy với giá còn rẻ hơn của Xiaomi.

Doanh số của các sản phẩm theo dõi sức khỏe trên thị trường toàn cầu

Vậy thì con đường tiếp theo của Xiaomi là gì? Trong vài năm qua, họ đã chủ động tích cực đầu tư vào các công ty khởi nghiệp sản xuất các sản phẩm như bóng đèn thông minh, bộ xạc pin mini,... nhằm thúc đẩy doanh số trên trang thương mại điện tử Mi.com của công ty.

Và thực tế là ngay sau khi phát hành, một số trong các sản phẩm này đã đạt được thành công vang dội, điển hình là dòng thiết bị đo sức khỏe Mi Band, với doanh số đeo bám quyết liệt các sản phẩm của Apple và Fitbit.

Mặc dù vậy, Xiaomi vẫn đang giữ kín doanh số của các sản phẩm như bóng đèn thông minh, camera an ninh và headphones, nghĩa là các sản phẩm này chưa thực sự cạnh tranh tốt so với những thương hiệu khác.

Nhìn chung, bài học rút ra từ kinh nghiệm của Xiaomi chính là về sự cạnh tranh quá khốc liệt của ngành công nghệ, nơi mà một công ty đầy sáng tạo và nhanh nhạy cũng khó có thể giữ được thành công lâu dài.

Hạnh Đinh / Quartz
Nguồn Nhịp cầu Đầu tư