Samsung trước cuộc chuyển giao quyền lực toàn diện

Phó chủ tịch Samsung Group Lee Jae Yong đang đối mặt thực sự với thử thách đầu tiên kể từ khi trở thành nhà lãnh đạo tập đoàn.

Một cuộc cải tổ sâu rộng đầu tiên tại Samsung sau cuộc đổi ngôi có thể khiến những “tướng lĩnh” già nua dưới "triều đại" Chủ tịch Lee Kun Hee không còn “đất” sống.

Vị “vua” trẻ không ngai

Sau cơn đau tim của cha mình vào năm 2014, Phó chủ tịch Lee Jae Yong đã nắm quyền điều hành toàn bộ Tập đoàn Samsung. Trong 7 tháng qua, người kế nghiệp đã rất thận trọng khi tiếp nhận mọi thứ từ cha mình và chọn phương án an toàn để điều hành doanh nghiệp.

Tuy nhiên, Chaebol lớn nhất xứ Nam Hàn sắp có cuộc cải tổ thường niên để điều chỉnh các vị trí lãnh đạo. Và đây là cơ hội để Lee Jae Yong đưa ra những quyết định quan trọng, tái cơ cấu toàn bộ triều đại Samsung, mang đậm dấu ấn của riêng mình.

Lee Jae Yong

Phó chủ tịch Samsung Group Lee Jae Yong

Lee Jae Yong đã khéo léo bước trên con đường kế nghiệp của dòng tộc mà thiếu vắng sự dìu dắt của cha – Chủ tịch Lee Kun Hee. Ông Jae Yong đảm nhận mọi trọng trách của một trưởng tộc mà không hề có một danh hiệu chính thức, do chuẩn mực văn hóa Hàn Quốc quy định người con trai không được nhận danh hiệu Chủ tịch khi cha họ vẫn còn sống.

Mặc dù vậy, các nhà phân tích đều dự đoán rằng người kế thừa chính thức chỉ có thể là Lee Jae Yong, và cuối cùng ông cũng sẽ chiếm lấy hoàn toàn quyền kiểm soát tập đoàn. “Anh ấy chỉ cần kiên nhẫn để trở thành một Chủ tịch chính thức. Chúng ta đều biết người nắm giữ quyền lực tại Samsung bây giờ chỉ có Lee Jae Yong”, một nhà phân tích tại IBK Securities Co. Seoul cho biết.

Kể từ khi thay chỗ cho cha, ông Lee đã điều hành Samsung Group với hơn 60 công ty, sáp nhập các chi nhánh, tổ chức IPO và bán các doanh nghiệp không có lợi nhuận trong lĩnh vực hóa chất và quốc phòng.

Cuộc chuyển giao quyền lực toàn diện

Khác hẳn với năm 2014, khi mới lên cầm quyền, Phó chủ tịch Lee đang nắm trong tay cơ hội thay đổi hoàn toàn triều đại Samsung, bất kể ông chưa trở thành Chủ tịch chính thức. Những nhà phân tích cho rằng vị trí lung lay nhất chính là ông J.K. Shin – Giám đốc điều hành mảng smartphone.

Khi mới lên cầm quyền, Phó chủ tịch Lee đang nắm trong tay cơ hội thay đổi hoàn toàn triều đại Samsung, bất kể ông chưa trở thành Chủ tịch chính thức

Giám đốc Shin, 59 tuổi, đã đảm nhận vị trí dẫn đầu mảng kinh doanh smartphone của Samsung từ năm 2011. Năm đó, Samsung đã bán được 94,2 triệu chiếc/năm. Con số này đã tăng lên 318,2 triệu chiếc vào cuối năm ngoái, theo số liệu của Bloomberg. Doanh thu năm 2014 tăng gấp đôi so với năm 2011, đạt 111,8 triệu won. Lợi nhuận cũng đạt đỉnh cao với 25 triệu won vào năm 2013.

Tuy nhiên, đến năm nay, với doanh thu sa sút và việc đánh mất vị thế smartphone số 1 tại Trung Quốc – thị trường lớn nhất thế giới, mảng smartphone Samsung thật sự cần một sự cải tổ mạnh mẽ. Điện thoại thông minh của hãng phải đối mặt với viêc cạnh tranh khốc liệt ở mọi phân khúc. Cuộc chạm trán ở phân khúc cao cấp với iPhone của Apple, hay bị mất thị phần tại phân khúc giá rẻ bởi “kẻ phá bĩnh” Xiaomi của Trung Quốc đã khiến doanh thu smartphone của Hãng giảm 8,2%, thấp nhất kể từ năm 2011.

“Tôi không nghĩ Phó chủ tịch Lee sẽ tiếp tục giữ lại đội ngũ lãnh đạo hiện nay, đặc biệt là mảng kinh doanh smartphone – những người vốn phải chịu trách nhiệm về doanh thu giảm sút”, Claire Kim – nhà phân tích tại Daishin Securities Co., Seoul cho biết. “Nếu Samsung thất bại trong việc cải tổ ngành smartphone trong năm nay, mọi chuyện sẽ khó khăn hơn vào năm sau”, ông nói thêm.

Để sắp xếp lại nhân lực một cách sâu sắc trong bối cảnh công ty thua lỗ, ông Lee Jae Yong có xu hướng tìm kiếm trong nửa triệu nhân viên của Tập đoàn những nhà quản lý có kỹ năng về phần mềm để phát triển mảng smartphone, nhằm chống lại hàng trăm đối thủ cùng sử dụng hệ điều hành Android. Cuộc “thay máu” này cũng sẽ giúp Samsung có thế hệ lãnh đạo trẻ sẵn sàng thay thế cho 3 đồng CEO đã ở tuổi 70.

Jun Je Wan - nhà sáng lập ứng dụng chia sẻ video AireLive nói với Bloomberg: “Cho đến bây giờ, Samsung có thể tăng trưởng tốt hơn nhờ phần cứng, nhưng không có phần mềm tức là không có một tương lai tươi sáng cho ngành smartphone. Việc kinh doanh mảng di động của Samsung cần sự thay đổi thế hệ quản lý trẻ, cải tiến phần mềm”.

Việc kinh doanh mảng di động của Samsung cần sự thay đổi thế hệ quản lý trẻ, cải tiến phần mềm. Ảnh: Portatour

Trong khi Chủ tịch Lee vẫn nằm liệt giường từ sau cơn đột quỵ, Chaebol lớn nhất xứ Nam Hàn đứng trước yêu cầu cải cách sâu rộng ngay bây giờ, theo đại diện của HI Investment.

Ngành công nghiệp nặng của Samsung thua lỗ hai quý liên tiếp do khách hàng hủy bỏ đơn hàng đóng tàu khoan. Samsung C&T Corp - công ty xây dựng và thương mại - đã sáp nhập với Cheil Industries Inc. vào tháng 9, cũng lỗ trong quý thứ 2 sau khi chậm trễ một số dự án ở nước ngoài. Và Samsung Engineering Co. đã có kết quả kinh doanh quý 3 tồi tệ bởi sự trễ nải trong việc xây dựng ở Trung Đông.

Có thông tin rằng, Koh Dong-Jin – Phó giám đốc nghiên cứu và phát triển điện thoại của Samsung Electronics sẽ trở thành lãnh đạo mới cho mảng kinh doanh smartphone của hãng này. Và người tiền nhiệm J.K. Shin vẫn sẽ giữ các nhiệm vụ đứng đầu về CNTT và điện thoại di động, nhưng không điều hành những công việc hàng ngày mà “lui lại phía sau” để tập trung vào những chiến lược dài hạn. Trong khi đó, con gái Chủ tịch Lee – bà Lee Seo-Hyun sẽ đứng đầu mảng thời trang tại Samsung C&T.

Tăng Khánh
Nguồn Doanh Nhân Sài Gòn