Puma vs adidas: Mối hận thù trăm năm giữa 2 người anh em ruột thịt

Puma và adidas luôn được biết đến là những thương hiệu thời trang thể thao hàng đầu thế giới. Hiện tại, với doanh thu đạt 3,6 tỷ euro trong năm 2014 so với con số 14,8 tỷ euro trong năm 2014 của adidas, Puma dường như đang "đuối sức" hơn so với người anh em, đồng thời là đối thủ cạnh tranh trong trận chiến này.

Trên thực tế, mối thâm thù giữa 2 doanh nghiệp này vẫn cháy âm ỉ kể từ khi thành lập cho tới tận bây giờ. Trong gần 70 năm qua, người dân ở Herzogenaurach, Đức, đã và đang sống trong cuộc nội chiến giữa thương hiệu giày adidas và Puma.

Người dân ở phía nam con sông sử dụng giày adidas với logo 3 đường sọc và không hề có bóng dáng một người mang giày Puma. Người dân ở phía Bắc con sông cũng có cách cư xử tương tự, nhưng lòng trung thành của họ hướng tới Puma.

Thị trấn Herzogenaurach, Đức

Cho tới tận bây giờ, người ta vẫn chưa thể biết nguyên nhân chính xác dẫn đến mối thâm thù dai dẳng giữa 2 đại gia đồ thể thao kể trên. Chỉ biết rằng, câu chuyện bắt đầu từ thập niên 1920, khi 2 anh em trở thành đối tác làm ăn tại công ty Dassler Brother Sports Shoe Company. Họ đã cùng thành lập nên công ty từ căn phòng giặt ủi của mẹ ở thị trấn nhỏ Herzogenaurach (Đức).

Cá tính 2 người hầu như trái ngược nhau. Adolf (Adi) Dassler trầm lặng, ít nói. Anh phụ trách khâu thiết kế và làm ra các đôi giày. Còn người anh Rudolph (Rudi) lại rất nóng nảy, phụ trách kinh doanh. Họ đã chiêu dụ được vận động viên chạy nước rút người Mỹ gốc Phi Jesse Owens mang giày của họ khi hoàn thành chặng đua và giành 4 huy chương vàng tại Thế Vận hội Olympic năm 1936. Chiến thắng của Owens đã mở đường cho thương hiệu giày của 2 anh em ra thế giới. Và doanh số bán của Công ty Dassler từ đó đã tăng vụt.

Cũng từ thời điểm này giữa 2 anh em xảy ra nhiều mâu thuẫn. Bên cạnh đó, nhiều nguồn tin cho biết việc Rudolph và vợ của Adolf đã có mối quan hệ vụng trộm và bị phát hiện đã khiến mối thâm thù này trở nên cao trào.

Đến năm 1948, 2 anh em chính thức chia tách làm đôi: Adi đặt tên công ty là adidas, ghép các ký tự đầu trong tên và họ của mình và Rudi cũng làm như thế. Mới đầu anh đặt tên công ty là “Ruda” nhưng cuối cùng lại đổi thành tên "Puma".Trong quá trình chia tách, nhân viên công ty được tự do chọn lựa về phe nào.

Kết quả của việc này đó là khiến thị trấn nhỏ bé Herzogenaurach bị chia tách làm đôi. Lý do là bởi hầu như mọi cư dân ở đây hoặc là làm cho adidas hoặc là Puma.

Cuộc chiến này còn trở nên trớ trêu đến mức các doanh nghiệp, người buôn bán ở địa phương chỉ được “chơi” với hoặc người của Puma hoặc adidas. Các cuộc hẹn hò hay cưới xin giữa nhân viên ở 2 công ty cũng bị nghiêm cấm.

Tuy nhiên, cũng có nhiều người nhìn nhận trận chiến này theo những khía cạnh tích cực. Chẳng hạn, sự phát triển mạnh mẽ của cả hai thương hiệu adidas và Puma đã biến nơi đây thành một địa điểm nổi tiếng, không chỉ về phát triển kinh tế mà còn về văn hóa kinh doanh. Một người dân chia sẻ: “Không có mâu thuẫn ấy, chúng tôi không thể trở thành quê hương của hai thương hiệu mang tính toàn cầu”.

Cả 2 công ty cứ trong thế giằng co như vậy trong suốt gần 70 năm qua. Mặc dù Rudi thuyết phục được đội ngũ nhân viên kinh doanh giỏi nhưng Adi lại nắm trong tay bí quyết công nghệ và quan hệ tốt với các vận động viên. Chính những người này giúp adidas giành được nhiều hợp đồng.

Tuy nhiên, thật đáng tiếc do quá lo cạnh tranh với nhau mà cả adidas và Puma đã bỏ quên một đối thủ đáng gờm là Nike. Rốt cuộc, Nike cứ âm thầm tiến lên và hiện họ là thương hiệu thể thao hàng đầu thế giới với vốn hóa thị trường 86 tỷ USD.

Những dấu hiệu "làm hoà"

Phải tới nhiều năm sau khi 2 nhà sáng lập Puma và adidas mất, cuộc chiến kéo dài gần 1 thế kỷ giữa 2 công ty mới bắt đầu tạm lắng. Cụ thể, ngày 21/09/2009, 2 công ty đã đồng ý gác lại quá khứ và tổ chức một trận bóng đá giao hữu cùng nhau.

Thậm chí, Ông Hacker - thị trưởng Herzogenaurach cũng tham dự cuộc vui này với một đôi giày đặc biệt - mỗi chiếc giày mang một thương hiệu khác nhau.

Vân Đàm
Nguồn Trí thức trẻ