Công ty bí ẩn phía sau Apple Việt Nam

Năm 2013, Apple Operations International là tâm điểm trong cuộc tranh cãi liệu họ có được Apple dựng lên để trốn thuế hay không.

Công ty TNHH Apple Việt Nam được thành lập ngày 28/10 với vốn điều lệ 15 tỷ đồng. Theo dữ liệu từ Cục Đăng ký kinh doanh (Bộ Kế hoạch & Đầu tư), giấy phép đăng ký kinh doanh của Apple Việt Nam được Phòng Đăng ký kinh doanh TP HCM cấp cuối tháng 10/2015. Chủ sở hữu doanh nghiệp này là Apple Operations International (AOI) - trụ sở tại Ireland và là một thành viên của Apple tại Mỹ.

Đại diện pháp luật của Apple Việt Nam là ông Gene Daniel Levoff - Phó chủ tịch AOI. Theo Bloomberg, AOI thiết kế, sản xuất, quảng bá các sản phẩm di động và thiết bị truyền thông, như máy tính cá nhân, đồng hồ, máy nghe nhạc kỹ thuật số di động cho Ireland cũng như thị trường châu Âu.

Công ty này trước đây có tên là Apple Company. Hai lãnh đạo chủ chốt là ông Luca Maestri – Phó chủ tịch cấp cao kiêm Giám đốc Tài chính của Apple, và ông Gene Daniel Levoff – Phó chủ tịch phụ trách Pháp chế của Apple. Hội đồng quản trị công ty này gồm 4 thành viên, gồm Maestri, Levoff và 2 người khác. Theo Washington Post, đến năm 2013, công ty này cũng không có một nhân viên nào.

Nơi đặt văn phòng của AOI tại Cork, Ireland. Ảnh: Reuters

Năm 2013, AOI là tâm điểm trong cuộc tranh cãi về việc liệu họ có được Apple dựng lên để trốn thuế hay không. CEO Tim Cook thậm chí còn phải điều trần trước Thượng viện Mỹ về vấn đề này.

Theo Fortune, đây là một trong 5 chi nhánh Apple đã mở ra tại Ireland, gồm Apple Operations International (AOI), Apple Operations, Apple Operations Europe, Apple Sales International và Apple Distribution International. AOI thành lập năm 1980, đóng vai trò là công ty kiểm soát chính các thị trường nước ngoài. Tất cả hoạt động tại châu Âu, Trung Đông, Ấn Độ, châu Phi và châu Á - Thái Bình Dương đều do AOI quản lý.

Tuy nhiên, theo các điều tra viên của Quốc hội Mỹ, giai đoạn 2009-2012, dù báo cáo lợi nhuận tới gần 30 tỷ USD (được chuyển về dưới dạng cổ tức từ các chi nhánh nước ngoài của Apple), AOI không phải trả một đồng thuế cho bất kỳ chính phủ nào. Apple giải thích rằng dù AOI đặt tại Ireland, họ không phải đối tượng đánh thuế của nước này, do công ty không được quản lý hay kiểm soát từ Ireland. Nhưng AOI cũng không đặt ở Mỹ, nên họ cũng không phải đối tượng chịu thuế theo luật Mỹ.

Apple đã lợi dụng sự khác biệt về hệ thống thuế tại hai quốc gia. Trong khi Ireland sử dụng tiêu chí quản lý và kiểm soát để quyết định đâu là đối tượng chịu thuế, thì Mỹ lại dựa trên địa điểm thành lập. Trong trường hợp của AOI, các tài khoản ngân hàng và tài liệu đều nằm ở Mỹ. Thậm chí, các cuộc họp cũng được tổ chức ở California (Mỹ). Giai đoạn 2009 - 2011, lợi nhuận của AOI chiếm tới 30% lợi nhuận Apple trên toàn cầu.

Dù vậy, lãnh đạo Apple vẫn luôn khẳng định AOI có vai trò quan trọng trong hoạt động kinh doanh của hãng, “hỗ trợ và củng cố thành công của Apple trên thị trường quốc tế”, đồng thời nhấn mạnh đây không phải công ty trên giấy, lập ra chỉ để né thuế.

Lãnh đạo Apple vẫn luôn khẳng định AOI có vai trò quan trọng trong hoạt động kinh doanh của hãng, “hỗ trợ và củng cố thành công của Apple trên thị trường quốc tế”.

Chính phủ Ireland từng có nhiều ưu đãi thuế cho Apple để đổi lấy công ăn việc làm cho người dân nước này, New York Times cho biết. Nhưng lợi ích lớn hơn nữa mà Apple nhận được là thỏa thuận cho phép chuyển tiền bản quyền phát sinh tại California về Ireland.

Việc chuyển giao này là nội bộ, chỉ đơn giản từ một bộ phận trong công ty sang chi nhánh ở nước ngoài. Nhưng chính nhờ vậy, một số khoản lợi nhuận của Apple chỉ phải chịu thuế theo luật Ireland (tối đa 12,5%), thấp hơn nhiều so với 35% của Mỹ thời đó. Apple thậm chí đàm phán được mức thuế thu nhập doanh nghiệp thấp kỷ lục với Chính phủ Ireland - chỉ khoảng 2% hoặc thấp hơn kể từ năm 2003.

Tương tự, Apple Sales International - một chi nhánh tại Ireland khác của hãng, cũng không phải nộp thuế trong giai đoạn 2009-2012. Đây là nơi quản lý các quyền sở hữu trí tuệ của Apple tại nước ngoài, và nhận phần lớn doanh thu liên quan đến hoạt động kinh doanh quốc tế của hãng.

ASI mua thiết bị thành phẩm của Apple thông qua các nhà sản xuất hợp tác tại Trung Quốc (như Foxconn), rồi bán lại cho các "chân rết" cùng hệ thống tại châu Âu, Trung Đông, châu Phi, Ấn Độ và khu vực Thái Bình Dương. Dù là công ty ở Ireland và có hoạt động mua bán sản phẩm, thực tế chỉ một lượng nhỏ giọt hàng của Apple từng vào biên giới quốc gia châu Âu này.

Tính đến trước năm 2012, ASI không hề có nhân viên nhưng thu nhập vẫn tới 38 tỷ USD trong 3 năm. Tính từ 2009 đến 2012, ước tính Apple đã né thành công 74 tỷ USD lợi nhuận trên toàn cầu ra khỏi kê khai thuế Mỹ. Cũng giống như AOI, ASI không phải chịu một xu thuế nào.

Theo cáo buộc của Thượng viện Mỹ, Apple đã trốn tổng cộng 12,5 tỷ USD tiền thuế trong 2 năm 2011 (3,5 tỷ USD) và 2012 (9 tỷ USD), tương đương 17 triệu USD mỗi ngày. Đáp lại những thông tin bất lợi trên, CEO Tim Cook trong phiên điều trần năm 2013 đã khẳng định: "Chúng tôi trả đủ số thuế theo trách nhiệm, từng đồng một chứ không hề dùng chiêu trò gì để trốn". Ông còn cho hay các công ty con không có chức năng gì liên quan tới việc giảm thuế của hãng tại Mỹ.

Hà Thu
Nguồn VnExpress