Uber cũng xin thí điểm dịch vụ gọi xe

Lãnh đạo hãng vừa có buổi làm việc với Bộ Giao thông vận tải, đề xuất việc xây dựng cơ sở pháp lý để hoạt động theo pháp luật Việt Nam.

Trong chuyến làm việc tại Việt Nam giữa tuần này, Tổng giám đốc Uber khu vực châu Á Thái Bình Dương - Michael Brown cho biết vừa có buổi làm việc với lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải nhằm đề xuất khung pháp lý cho dịch vụ mạng lưới vận tải, đồng thời xin thí điểm triển khai dịch vụ gọi xe tại Việt Nam. Trước Uber một ứng dụng có nhiều điểm tương đồng là GrabTaxi cũng vừa được Chính phủ chấp thuận cho thí điểm.

Trao đổi với chúng tôi, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải - Nguyễn Hồng Trường cũng xác nhận trong buổi làm việc nêu trên, phía Uber có xin ý kiến về việc cùng cơ quan quản lý xây dựng một khung pháp lý cho hoạt động của hãng. Khi xây dựng xong, Bộ sẽ trình các cơ quan có thẩm quyền, sau đó doanh nghiệp mới thí điểm hoạt động. Đề xuất này cũng đã được Bộ Giao thông chấp thuận về nguyên tắc.

"Nói là khung pháp lý nghe có vẻ hơi to tát. Đó thực chất là cơ sở tạm thời để hoạt động của Uber theo đúng pháp luật Việt Nam", Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường cho hay.

Uber đề xuất cơ quan quản lý cho phép thí điểm dịch vụ gọi xe tại nhiều thành phố lớn ngoài Hà Nội, TP HCM.

Bên cạnh vấn đề pháp lý, phía Uber cho biết cũng đề xuất việc thí điểm dịch vụ tại một số địa phương của Việt Nam. Từ đó, Chính phủ cùng hãng có thể khai thác dữ liệu mỗi chuyến đi của lái xe, hành khách. Lãnh đạo Uber cho rằng mục đích của đề án là hướng đến những yêu cầu, quy định nhằm đảm bảo an toàn cho khách hàng, gồm từ việc tuyển dụng, quản lý lái xe đến bảo hiểm... Hãng này cũng đề xuất việc sử dụng công nghệ để người thân có thể theo dõi đánh giá hành trình của khách hàng...

"Hiện Uber đã xây dựng và đang tiến hành điều chỉnh đề án. Sớm nhất trong tuần tới, chúng tôi sẽ hoàn thiện để gửi lại cơ quan quản lý", ông Michael Brown cho hay.

Chính thức có mặt tại Việt Nam giữa năm 2014, song cũng như tại một số quốc gia khác, Uber gặp khá nhiều trở ngại khi hoạt động kinh doanh, do hình thức kết nối vận tải này chưa được pháp luật điều chỉnh, gây nhiều rủi ro tới an toàn, an sinh xã hội và hoạt động của nhiều doanh nghiệp khác... Uber hiện cung cấp dịch vụ tại 2 thành phố là Hà Nội, TP HCM, đồng thời đánh giá Việt Nam là một trong những thị trường tăng trưởng mạnh nhất của hãng trên toàn cầu.

Ra đời năm 2009 tại Mỹ và chính thức hoạt động năm 2010, ứng dụng Uber là loại hình dịch vụ taxi mới thông qua việc cài đặt phần mềm ứng dụng Uber trên smartphone để kết nối giữa người cần di chuyển và lái xe taxi. Hành khách chỉ cần dùng ứng dụng Uber để đăng ký hành trình, hệ thống sẽ tự động kết nối với một chủ xe.

Sau đó, hệ thống sẽ hiển thị thông báo các thông tin về chi phí chuyến đi, thông tin cơ bản về chiếc xe sắp đến đón. Chi phí sẽ trả qua thẻ thanh toán quốc tế Visa, Mastercard. Loại hình kinh doanh này có giá thấp hơn so với taxi thông thường, trong đó Uber hưởng 20% phí dịch vụ, chủ xe hưởng 80%.

Thành Tâm - Chí Hiếu
Nguồn VnExpress