Từ chuyện Samsung và hàng Việt

Từ góc nhìn của đa số người Việt Nam, việc coi sản phẩm của Công ty Samsung sản xuất tại Việt Nam là hàng của Việt Nam có vẻ hơi kỳ quặc.

Đa số đầu vào cho việc sản xuất sản phẩm của Samsung đều đến từ các nước khác. Phần đóng góp cho giá trị gia tăng của sản phẩm từ Việt Nam rất nhỏ.

Tuy nhiên, từ góc độ thương mại quốc tế, với yêu cầu phải chỉ rõ xuất xứ sản phẩm (country of origin) thì hàng của Samsung sản xuất tại Việt Nam hoàn toàn có thể ghi đó là mặt hàng có xuất xứ sản xuất từ Việt Nam. Đây là quy định trong thương mại quốc tế (công ước Kyoto) đối với hàng hóa được lắp ráp từ các linh kiện nhập khẩu từ nhiều quốc gia khác nhau. Quá trình lắp ráp, chuyển đổi cuối cùng (last substantial transformation) để tạo ra thành phẩm hoàn chỉnh diễn ra ở quốc gia nào thì quốc gia đó sẽ được ghi nhận là hàng hóa có xuất xứ từ đó.

Để tránh gây nhầm lẫn cho khách hàng, nhiều quốc gia yêu cầu các công ty đa quốc gia sử dụng “Made in...” (sản xuất tại...) cho các sản phẩm mà đa phần các linh kiện đầu vào cho quá trình lắp ráp được cung ứng từ chính quốc gia đó và “Assembled in...” (lắp ráp tại...) cho các sản phẩm mà đa phần các linh kiện đầu vào được nhập khẩu từ nước ngoài. Mỹ là quốc gia có quy định rất chi tiết và chặt chẽ về vấn đề này.

Hiểu rõ vấn đề quy tắc xuất xứ sẽ giúp doanh nghiệp tận dụng được ưu đãi thuế quan từ các hiệp định thương mại. Ảnh: Thành Hoa

Với nhiều sản phẩm, bản thân các công ty đa quốc gia cũng thường chủ động thực hiện sự phân biệt này nếu họ thấy có lợi khi hàng hóa được lắp ráp ở các nước đang phát triển. Chẳng hạn, một chiếc điện thoại Samsung, có pin sản xuất tại Hàn Quốc, được đưa đến Trung Quốc hay Việt Nam lắp ráp thì trên cục pin sẽ được ghi là “Made in Korea, Assembled in...”.

Nhưng nếu công ty đa quốc gia thấy việc ghi này không có lợi cho mình, họ có thể đưa thêm các chỉ dấu khác như “Designed in...” (thiết kế tại...) bên cạnh “Made in...” hoặc “Assembled in...”. Chẳng hạn nhiều sản phẩm của Apple lắp ráp tại Trung Quốc sẽ được ghi là “Designed by Apple in California, Assembled in China”.

Có lẽ đã đến lúc Việt Nam cũng nên có quy định rõ ràng hơn hàng hóa nào thì được ghi là “Made in Vietnam” và hàng hóa nào thì ghi là “Assembled in Vietnam”. Sự phân biệt này sẽ có ý nghĩa cho việc phát triển và quảng bá các hàng hóa có chất lượng mà đa phần giá trị gia tăng của sản phẩm được tạo ra tại Việt Nam. Nhưng cũng cần lưu ý rằng, về phương diện chính sách, chúng ta chỉ nên áp dụng sự phân biệt trên vì lợi ích của người tiêu dùng, kể cả trong nước lẫn nước ngoài, chứ không phải vì lợi ích của nhà sản xuất. Trong nhiều trường hợp thì lợi ích của người tiêu dùng đồng hành với lợi ích của người sản xuất, nhưng điều này không phải khi nào cũng đúng.

Chẳng hạn, đối với cuộc bình chọn hàng Việt Nam chất lượng cao, chúng ta nên giới hạn chỉ bình chọn cho những hàng hóa đúng là “Made in Vietnam” chứ không phải là “Assembled in Vietnam”.

Có lẽ đã đến lúc Việt Nam cũng nên có quy định rõ ràng hơn hàng hóa nào thì được ghi là “Made in Vietnam” và hàng hóa nào thì ghi là “Assembled in Vietnam”.

Trong bối cảnh trình độ sản xuất của Việt Nam còn thấp so với nhiều quốc gia khác thì đa phần các sản phẩm của các công ty đa quốc gia “Assembled in Vietnam” đều đã có thương hiệu trong khi hàng hóa “Made in Vietnam” thì chưa hẳn. Việc giới hạn bầu chọn cho các sản phẩm thực sự “Made in Vietnam” sẽ có ý nghĩa thúc đẩy các doanh nghiệp trong nước tạo ra được những sản phẩm có chất lượng ngày càng cao hơn, được người tiêu dùng trong nước tín nhiệm. Khi đã được kiểm chứng chất lượng bởi người tiêu dùng trong nước, hàng hóa “Made in Vietnam” này sẽ giúp các doanh nghiệp trong nước tự tin hơn để mang ra nước ngoài cạnh tranh.

Nhưng sự phân biệt này sẽ có hại cho người tiêu dùng khi được sử dụng trong các phong trào mơ hồ. Các doanh nghiệp trong nước có xu hướng lợi dụng tinh thần dân tộc, thậm chí tinh thần địa phương chủ nghĩa, của người dân để kiếm lợi cho mình. Trường hợp một số địa phương như Hà Tĩnh hay Thanh Hóa “ép” cơ quan, cán bộ nhà nước ở địa phương dùng sản phẩm của địa phương là ví dụ điển hình của sự lợi dụng này.

Các doanh nghiệp FDI ở Việt Nam không muốn hàng hóa của mình bị phân biệt đối xử theo hướng bất lợi cũng sẽ tìm cách vận động các cơ quan chính phủ đánh đồng các hàng hóa đơn thuần “Assembled in Vietnam” là “Made in Vietnam”. Sự đánh đồng này mang lại lợi ích cho nhà sản xuất nhưng chưa hẳn cho những người tiêu dùng có tinh thần dân tộc cao.

Là hàng Việt Nam có ý nghĩa gì?

Vấn đề quy tắc xuất xứ (ROO - Rules of Origin) là một trong những nội dung phức tạp nhất của các đàm phán về thương mại hàng hóa. Bộ Công Thương thường chủ trì về nội dung này trong các đoàn đàm phán. Như Hiệp định Thương mại tự do (FTA) của ASEAN, ngay từ đầu ta đã đòi hỏi hàng hóa có xuất xứ cộng gộp từ 40% nội hàm sản xuất ở ASEAN trở lên mới được coi là hàng hóa có xuất xứ ASEAN để hưởng ưu đãi. Bộ Công Thương cũng là nơi cấp một số loại giấy chứng nhận xuất xứ (C/O - Certificate of Origin) cho các doanh nghiệp Việt Nam khi xuất khẩu đi một số thị trường.

Nói chung, nếu chỉ xuất nguyên liệu thô hay hàng có mức thuế quan phổ cập thì xuất xứ không thành vấn đề lắm, nhưng khi đã đụng đến hàng nguyên liệu là tài nguyên cần bảo vệ hoặc hàng được hưởng thuế quan ưu đãi thì vấn đề xuất xứ sẽ bị “soi” rất kỹ. Việt Nam ở cạnh Trung Quốc nên càng bị “soi” kỹ hơn, vì các nước sợ hàng Trung Quốc mượn danh Việt Nam để xuất sang họ và nhận ưu đãi mà các nước cho Việt Nam hưởng với tư cách một nước đang phát triển (như GSP - General System of Preference).

Chính vì vậy, nhiều khi tôi thấy tiếc là Việt Nam ta mất rất nhiều công sức đàm phán các FTA nhưng các doanh nghiệp Việt Nam không tận dụng được bao nhiêu những ưu đãi khi xuất hàng sang các nước có FTA với mình. Các doanh nghiệp FDI khôn ngoan hơn nên tận dụng được tốt hơn nhiều những ưu đãi ở cả hai chiều xuất khẩu từ Việt Nam và nhập khẩu vào Việt Nam.

Kiểu đánh tráo khái niệm Công ty Samsung, sản phẩm của Công ty Samsung là “doanh nghiệp Việt Nam, hàng Việt Nam” của Bộ Công Thương vừa qua đâu có giúp ích gì, khi mà khu vực doanh nghiệp nội địa ngày càng èo uột (tất nhiên trừ những ông “thân hữu”), còn nền kinh tế thì trở nên ngày càng lệ thuộc, rỗng ruột và tụt hậu so với các nước khác!

Phạm Chi Lan

Nhìn từ chuyện thế nào là hàng Mỹ

Luật Mỹ cho phép Ủy ban Thương mại liên bang (FTC) quyền quy định và xem xét nhãn hiệu đối với hàng hóa thương mại ở Mỹ. FTC quy định rõ là để được phép ghi “Made in US” tức “hàng làm ở Mỹ” thì nhà sản xuất và người tiếp thị phải dựa trên “cơ sở hợp lý” (reasonable basis) có chứng cớ đầy đủ và tin cậy để chứng minh rằng sản phẩm của họ “tất cả hoặc gần như tất cả” (all or virtually all)” làm ở Mỹ.

FTC đưa ra một loạt hướng dẫn để doanh nghiệp tự xem xét xem có nên đề là “hàng làm ở Mỹ” không. Họ có thể phải trả lời trước FTC và tòa án với sự tham gia của các chuyên gia nếu FTC nhận thấy doanh nghiệp lạm dụng danh hiệu. Doanh nghiệp phải có đầy đủ chứng cứ chứng minh để có danh hiệu, chứ không phải cơ quan nhà nước.

Doanh nghiệp đó dù có thương hiệu công ty Mỹ (ví dụ như IBM, Apple) nhưng nếu sản phẩm có hầu hết linh kiện làm ở nước ngoài mà giá trị của chúng so với giá trị sản phẩm chiếm tỷ lệ quyết định không được coi là “hàng làm ở Mỹ”. Đây chính là việc áp dụng nguyên tắc “từ sợi đến vải” - phải làm ở Mỹ thì quần áo làm ra mới được coi là “hàng làm ở Mỹ”.

Quyết định năm 1996 của FTC nói rằng không phải là sai khi dán nhãn “hàng làm ở Mỹ” nếu như “75% giá trị hàng là giá trị sản xuất ở Mỹ”.

Với quyết định như thế này, ít có công ty nào đem hàng sang bán ở Mỹ, hoặc kể cả có trụ sở sản xuất ở Mỹ mà dám đề chữ và quảng cáo là “made in USA”. Làm thế có thể bị đem ra tòa. Hầu hết các hàng Trung Quốc đem sang Mỹ đóng gói chỉ dám đề “đóng gói ở Mỹ” (“packaged in USA”).

Nếu áp dụng nguyên tắc này của Mỹ thì không thể nào hàng của Samsung có thể ghi nhãn hiệu “made in Vietnam”. Bởi về mặt pháp lý, Công ty Samsung có đăng ký sản xuất ở Mỹ hay ở Việt Nam thì đó là Công ty Samsung Mỹ hay Samsung Việt Nam, tức là công ty Mỹ hay Việt Nam. Nhưng hàng hóa họ sản xuất ra thì chỉ được phép ghi nhãn hiệu hàng Mỹ hay hàng Việt nếu chứng minh được đúng như quy định của FTC Mỹ.

Vũ Quang Việt

Đinh Tuấn Minh
Nguồn Thời báo kinh tế Sài Gòn