“Phù thủy marketing” sẽ làm gì với Obi Wordphone?

John Sculley hiện được biết đến nhiều qua vai trò là Chủ tịch Obi Wordphone, công ty sản xuất smartphone dành cho khách hàng tầm trung. Trong quá khứ, Sculley cũng nổi tiếng với biệt danh “phù thủy marketing”, khi ông còn làm việc tại Tập đoàn Pepsi.

Chiến công tại PepsiCo

John Sculley bắt đầu làm cho Hãng PepsiCo vào năm 1967 với vai trò thực tập sinh, sau khi tốp nghiệp cử nhân Trường Brown và lấy bằng kinh doanh của Trường Wharton. Với tài năng marketing cộng với niềm đam mê dành cho việc phát triển sản phẩm và công nghệ thông tin, ông đã thăng tiến rất nhanh trên con đường danh vọng.

Sau ba năm kể từ lần đầu tiên bước chân vào Pepsi, Sculley được thăng lên chức Phó chủ tịch, và chỉ mất 7 năm tiếp theo để ông trở thành Chủ tịch đồng thời là CEO trẻ nhất mà PepsiCo từng có, với độ tuổi 38.

“Chiến công” giúp Sculley đạt được vị trí đáng kinh ngạc đến từ chiến dịch quảng cáo Pepsi Challenge vào năm 1975. Theo đó, tại điểm có đông người đi bộ, Pepsi đã thử thách khán giả bằng một trò chơi kỳ thú.

John Sculley - Chủ tịch Obi Wordphone

Các nhân viên của Pepsi đặt lên bàn 2 chiếc cốc không dán nhãn đựng thức uống của Pepsi và đối thủ cạnh tranh là Coca-Cola, khách hàng được mời uống thử và chỉ ra cốc mà họ thích hơn. Kết quả được Sculley ghi nhận rằng người Mỹ có xu hướng chọn Pepsi nhiều hơn.

Được tiếp thêm tự tin từ chiến dịch này, Sculley bắt đầu những chiến dịch merketing và quảng cáo rầm rộ hơn, đáng kể nhất là chương trình Pepsi Challenge Payoff.

Theo đó, khách hàng được nhận giải thưởng hấp dẫn và giá trị khi thu thập nắp chai của Pepsi để ghép thành một từ đầy đủ “challenge”. Kết quả, doanh số và thị phần của PepsiCo tăng mạnh.

Biệt danh “phù thủy marketing hướng đến khách hàng” được gắn cho ông từ đó.

Bị Steve Jobs “hạ gục”

Vào năm 1983, Sculley đã rơi vào “tầm ngắm” của công ty săn đầu Gerry Roche khi họ đang tìm kiếm ứng viên là “chuyên gia marketing hướng đến khách hàng, biết về quảng cáo và có thể đánh bóng tên tuổi trên thương hiệu trên toàn cầu” để tiến cử cho Apple.

Sculley đảm nhận vai trò CEO của Apple trong suốt giai đoạn chập chững phát triển của thời đại công nghệ 1983-1993. Pepsi khi đó là một Tập đoàn lớn mạnh nằm trong danh sách 500 công ty giá trị được xếp hạng bởi Fortune, trong khi Apple chỉ là một doanh nghiệp nhỏ bé mới được thành lập từ gara xe được 10 năm.

Vậy lý do nào đã lôi kéo Sculley làm việc cho Apple? Chính là Steve Jobs. Jobs đã nói với Sculley rằng, “Anh muốn dành cả phần đời còn lại để bán nước ngọt có gas hay muốn có một cơ hội cùng tôi thay đổi thế giới?” (trích tiểu sử Steve Jobs của Water Isaacson). Lời nói của Jobs đã “hạ gục” hoàn toàn Sculley.

Mở lối cho riêng mình

Sculley làm việc tại Apple trong hơn 10 năm kể từ 1983. Sau đó, ông đã dành phần lớn thời gian để khám phá những vùng đất mới. Ông đã đặt chân tới Ấn Độ, nhiều nước ở Châu Phi, Đông Nam Á và một số nước Châu Á khác.

Trong quá trình chu du, tố chất marketing trong Sculley lại trỗi dậy. Ông đã phát hiện ra một thị trường tiềm năng, đó là nhu cầu sử dụng điện thoại thông minh của tầng lớp trung lưu - đối tượng có đóng góp quan trọng trong nền kinh tế, đặc biệt là ở các quốc gia đang phát triển.

Phát hiện đó thúc đẩy Sculley sáng tạo một hướng đi mới cho riêng mình.

Thương hiệu điện thoại thông minh Obi Wordphone ra đời vào năm 2014, bởi sự kết hợp của John Sculley cùng nhà thiết kế danh tiếng cũng từng xuất thân từ Apple là Robert Brunner.

Với bản chất là chiếc điện thoại dành cho phân khúc khách hàng tầm trung, thị trường mục tiêu của Obi là những thị trường mới nổi và đang phát triển như Nigeria, Nam Phi, Thổ Nhĩ Kỳ, Pakistan và Việt Nam.

Thương hiệu điện thoại thông minh Obi Wordphone ra đời vào năm 2014

Điều khác biệt của chiếc smartphone được sản xuất bởi Sculley chính là ông mang cái “hồn” mà ông học được từ thời gian làm tại Apple thổi vào Obi.

“Apple là một công ty thiết kế dẫn đầu tất cả. Đó cũng là mục tiêu của chúng tôi. Obi sẽ trở thành một công ty thiết kế dẫn đầu, nhưng trong một phân khúc thị trường hoàn toàn khác với họ”, Time dẫn lời Sculley.

Giấc mơ đã được Sculley hiện thực hóa bởi hai dòng điện thoại đầu tiên của Obi Wordphone là SF1 và SJ1.5 đã có mặt tại thị trường Việt Nam trong tháng 9/2015.

Vẫn còn quá sớm để nhận định Obi sẽ thành công hay không, nhưng với đẳng cấp là một nhà marketing hàng đầu, Sculley được kỳ vọng sẽ tạo ra một hình thức quảng cáo mới để làm nổi bật sản phẩm trong phân khúc vốn đã đông đúc này, như những gì mà Pepsi Challenge đã đạt được.

Văn Lộc
Nguồn Doanh Nhân Sài Gòn