HTC: Gã khổng lồ chân đất sét?

Trong quý II vừa qua, HTC đã lỗ 160 triệu USD. Giá trị vốn hóa trên thị trường chứng khoán của họ cũng sụt giảm hơn 1/2 trong 6 tháng đầu năm.

Thị trường điện thoại thông minh toàn cầu vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng khá cao trong năm 2015, dự kiến khoảng 10,4%, theo IDC. Nhưng không vì thế mà tất cả doanh nghiệp tham gia thị trường này đều cảm thấy hạnh phúc. Điển hình là gã khổng lồ HTC.

Theo Next Magazine, HTC đang hoàn tất các công đoạn cuối cùng để bán lại nhà máy sản xuất tại Thượng Hải (Trung Quốc) cho một công ty địa phương. Danh tính của hãng nhận chuyển nhượng chưa được tiết lộ cụ thể. Còn nhớ, năm 2009, HTC đã bỏ ra số tiền đầu tư ban đầu hơn 32 triệu USD để xây dựng nhà máy này nhằm phục vụ cho thị trường smartphone đang tăng nhanh ở Đại lục. Khoảng 600 công nhân sẽ bị mất việc đi kèm với động thái bán nhà máy này.

Chưa hết, tại trung tâm sản xuất và nghiên cứu ở Đài Loan, HTC cũng sẽ cho nghỉ việc hơn 600 nhân viên từ đây đến cuối năm, nâng tổng số nhân viên bị thải hồi trong chiến dịch tái cấu trúc của họ lên đến hơn 1.300 người. Con số này mới chỉ là một nửa lượng nhân viên dự kiến sẽ mất việc.

Việc đóng cửa nhà máy và sa thải hàng ngàn nhân viên sẽ giúp HTC tiết giảm được 35% chi phí hoạt động. Trong quý II vừa qua, HTC đã lỗ 160 triệu USD. Tình hình dự kiến sẽ tiếp tục kém khả quan trong quý III. Giá trị vốn hóa trên thị trường chứng khoán của họ đã sụt giảm hơn một nửa trong 6 tháng đầu năm. Ðiều gì đã xảy ra đối với nhà sản xuất smartphone Android từng là ngôi sao sáng một thời này?

HTC ra đời vào năm 1997 với lĩnh vực kinh doanh đầu tiên là gia công sản phẩm cầm tay PDA mang thương hiệu Compag cho HP. Năm năm sau, HTC lấn sân sang smartphone khi hợp tác sản xuất với Microsoft. Hãng này cũng chính là công ty đầu tiên hợp tác với Google tạo ra các smartphone dùng hệ điều hành Android.

Năm 2011, HTC cho ra đời smartphone mang thương hiệu riêng mình. Sản phẩm của họ tập trung vào phân khúc cao cấp, đặc biệt là các phiên bản HTC One.

Ban lãnh đạo của HTC đã đặt cược vào các sản phẩm HTC One M8 vào năm ngoái và mới đây là HTC One M9, nhưng họ đã phải thất vọng. Những smartphone này dù gặt hái được chút ít tiếng vang, nhưng đã không thể vượt qua các sản phẩm tương tự của Apple hay Samsung. Chúng thậm chí còn bị cạnh tranh bởi các sản phẩm từ Huawei và Xiaomi, 2 hãng smartphone khác của Trung Quốc. Tiến không được, lùi cũng không xong, HTC đang rơi vào tình thế cực kỳ nguy hiểm.

HTC One

Một số chuyên gia đã cho rằng vấn đề của HTC nằm ở chỗ tham vọng quá lớn của chính họ, cùng một số sai lầm về chiến lược marketing. Đầu năm nay, HTC One M9 được công bố với những thiết kế tinh xảo và sức mạnh xử lý ấn tượng. Nhưng trong khi người tiêu dùng chưa kịp cảm thụ hết những tính năng nổi trội này, HTC lại tiếp tục tung ra một loạt sản phẩm khác như HTC One M9 cho thị trường châu Á, hay các dòng có giá thấp hơn như HTC One E9, One ME hay One E9+. Sự pha loãng quá nhanh khiến người dùng có cảm giác hụt hẫng, khiến doanh số của HTC cũng đi xuống.

Ngoài ra, những tin đồn về tính năng kỹ thuật không giống như quảng cáo của HTC One M9 cũng lan truyền, gây bối rối cho người dùng. Theo đánh giá của hãng chuyên nghiên cứu về hình ảnh DxOMark’s, camera phụ của One M9 này kém xa so với các đối thủ cùng phân khúc cao cấp như Samsung Galaxy S6, Galaxy Note 4, hay iPhone 6 của Apple. Camera của HTC One M9 cũng không có tính năng ổn định video và ảnh chụp mất đi một số chi tiết trong các điều kiện ánh sáng khác nhau.

Năm 2013, Samsung đã chi ra 363 triệu USD chỉ để quảng cáo tại Mỹ. Apple cũng chịu chơi khi chi ra hơn 350 triệu USD để marketing. Thế còn HTC thì sao? Chi phí quảng cáo của tập đoàn Đài Loan này chỉ dừng lại ở mức 74,8 triệu USD cho cả năm. Thế nên cũng dễ hiểu vì sao thương hiệu HTC ngày càng bị các đối thủ lấn át, thậm chí bị đẩy ra khỏi tốp 10 nhà sản xuất smartphone tại thị trường Trung Quốc.

Một lý do khác dẫn đến thất bại của HTC là họ phụ thuộc quá nhiều vào thị trường Trung Quốc, nơi mà sức ép cạnh tranh rất khốc liệt và nhu cầu ngày càng có dấu hiệu bão hòa, theo IDC. Ðiều này đã khiến doanh thu của HTC không đạt được như kỳ vọng trong các năm qua.

Gần đây, truyền thông khu vực xuất hiện thông tin HTC sẽ liên doanh mở nhà máy sản xuất tại Indonesia nhằm khai khác thị trường tiềm năng này. Nhưng HTC vẫn chưa xác nhận chính thức kế hoạch trên.

Rõ ràng, thị trường smartphone quả thật không phải là chiếc bánh béo bở như nhiều người nghĩ. Các sản phẩm ngày càng giống nhau và chưa có nhiều thiết kế mang tính đột phá mang đến cảm giác hưng phấn cho khách hàng. Ngay cả gã khổng lồ Samsung cũng gây thất vọng lớn với lợi nhuận giảm liên tục trong 5 quý gần nhất. Giá cổ phiếu của công ty này cũng đã sụt giảm 17% kể từ đầu năm, dù họ liên tục tung ra các sản phẩm đình đám gần đây.

Vì vậy, nếu HTC có lụi tàn thì cũng sẽ không có gì phải ngạc nhiên. Trước đó, Motorola, Nokia và Palm đã phải bán mình cho tập đoàn khác. Liên doanh Sony Ericsson đã tan vỡ, trong khi BlackBerry vẫn đang chật vật tìm lại vinh quang ngày nào. Thị trường smartphone ngày nay chắc chắn không phải là miền đất hứa cho các doanh nghiệp chậm đổi mới, sáng tạo hay còn non kinh nghiệm.

Nguyễn Sơn
Nguồn Nhịp cầu Đầu tư