Pizza tại Việt Nam và câu chuyện “miếng bánh” thị phần

Trong kinh doanh, cạnh tranh là tất yếu. Nhưng với thị trường pizza, không có cuộc chiến mà chỉ có các nhãn hàng tìm ra “miếng bánh” phù hợp nhất mà thôi.

Buổi trưa tháng 8 nắng đổ vàng óng, trước cuộc hẹn nói chuyện với anh Nguyễn Việt Hà – Giám đốc thương hiệu Zpizza Việt Nam, tôi không ngừng suy nghĩ về câu hỏi liệu Zpizza có phát triển được tại thị trường Việt hay không?

Bởi đối với người Hà Nội mà nói, Zpizza thật sự là cái tên không quen thuộc lắm. Chỉ có một số người hay đi qua con phố Xuân Thủy (Cầu Giấy) hoặc Xuân Diệu (Tây Hồ) hay Xã Đàn (Đống Đa) mới có thể “nhận diện” nhãn hiệu pizza đến từ California (Mỹ) này.

Căng thẳng cuộc đua giành mặt bằng

Với số lượng cửa hàng đang khá khiêm tốn, anh Hà thẳng thắn: “Việc tìm mặt bằng tại thời điểm này thật sự là một cuộc đua khốc liệt. Trong kinh doanh chuỗi nhà hàng, việc phổ biến thương hiệu qua số lượng cửa hàng là rất quan trọng. Với 3 cửa hàng, không thể nói Zpizza hiện có thị phần lớn tại Việt Nam được. Tuy nhiên, Zpizza Việt Nam đang bước vào giai đoạn tái cơ cấu và sẽ bùng nổ vào năm tới. Chúng tôi dự định sẽ mở liên tiếp 5 – 6 nhà hàng, chia đều cả hai khu vực Hà Nội và TP.HCM.”

Nếu kế hoạch suôn sẻ, kết thúc năm 2016, tạm tính Zpizza sẽ có khoảng 8 – 9 nhà hàng tại thị trường Việt Nam. Trong khi con số cập nhật tới thời điểm hiện tại, Pizza Hutđang dẫn đầu với 50 nhà hàng, Alfresco’s và Perperonis đang có 29, Domino’s với tiêu chí tập trung phát triển mô hình Delivery (giao hàng tận nơi) cũng đã nhanh chóng có cho mình 23 nhà hàng, The Pizza Company có 3 nhà hàng tại TP.HCM.

Theo chia sẻ của anh Hà, mỗi nhà hàng Zpizza khi mở mới sẽ cần ngân sách đầu tư vào khoảng 150.000 USD (hơn 3 tỷ đồng). Số chi phí này chưa gồm tiền thuê mặt bằng (được tính riêng vào khoản chi phí cố định hàng tháng). Đây là một con số không hề nhỏ nhưng chưa đủ để ngăn “làn sóng” pizza vẫn đang đổ về khai thác thị trường hơn 90 triệu dân cực kỳ tiềm năng tại Việt Nam.

“Pizza vẫn còn rất nhiều dư địa để phát triển mạnh tại Việt Nam, không chỉ vì dân số hơn 90 triệu dân mà còn do thói quen ăn uống thay đổi. Khách hàng thích ăn pizza bây giờ phần lớn là giới trẻ. Nhưng đối tượng này rồi sẽ trưởng thành và già đi với thói quen ăn pizza, trong khi các em học sinh rồi cũng sẽ lớn lên và gia nhập nhóm đối tượng giới trẻ” – anh Hà nhận xét.

Mỗi nhà hàng Zpizza khi mở mới sẽ cần ngân sách đầu tư vào khoảng 150.000 USD (hơn 3 tỷ đồng), chưa gồm tiền thuê mặt bằng (được tính riêng vào khoản chi phí cố định hàng tháng).

Đó là câu chuyện về mặt bằng, tuy nhiên thị phần đối với một thương hiệu pizza mà nói, còn gồm cả đối tượng khách hàng và những giá trị về hương vị, chất lượng của từng món ăn.

Tạo bản sắc khi cạnh tranh về hương vị

Khi bạn gọi chiếc bánh pizza về và thưởng thức nó, bạn có thể thấy mỗi thương hiệu có một hương vị riêng, có thể hợp hoặc không hợp khẩu vị của bạn. Cũng như mọi ngành kinh doanh khác, mỗi nhãn hàng pizza có một nhóm đối tượng khách hàng mục tiêu khác nhau và hương vị, cách thưởng thức do đó cũng khác nhau đôi chút. Điều quan trọng nhất, phải xác định khách hàng của bạn là ai?

Bắt đầu từ “ông lớn” đang dẫn đầu thị trường là Pizza Hut. Nhắm tới đối tượng là học sinh, sinh viên có nhu cầu thưởng thức cảm giác mới lạ, những chiếc bánh pizza của Pizza Hut thường có tính sáng tạo cao và độc đáo. Có thể kể đến như pizza viền xúc xích, pizza viền phomai morrazela, pizza nướng chảo đá, pizza viền cốm… Tất cả tạo nên sự thú vị cho những chiếc bánh pizza được sản xuất trên dây chuyền công nghiệp – có thể không tinh tế lắm nhưng phù hợp với nhu cầu thử cái mới và “tám chuyện” của giới trẻ.

Có truyền thống lâu đời và tài chính mạnh, Alfresco’s cũng chia phân khúc bánh thành hai thương hiệu riêng biệt – Alfresco và Perperonis. Nếu như Alfresco’s tập trung vào đối tượng dân văn phòng có thu nhập tốt, tập trung mảng phát triển nhà hàng, thì Perperonis nhắm vào đối tượng trẻ hơn, có mức giá thấp hơn so với Alfresco’s.

Trong khi đó, The Pizza Company với thế mạnh có công ty mẹ là tập đoàn lớn của châu Á Minor Food Group, họ chú trọng đẩy mạnh hương vị Thái và Việt cho những chiếc bánh pizza và các món ăn khác trong menu. Các loại bánh pizza của hãng thường được thêm gia vị, topping phong cách Thái như Yum và vị cay rất đặc trưng.

Zpizza thì hướng tới phân khúc khách hàng là dân văn phòng, nhóm gia đình chú trọng tới thực phẩm an toàn cho sức khỏe. Những chiếc bánh pizza của hãng này được làm theo mô hình homemade - nướng bằng lò theo phong cách Ý và sử dụng nguyên liệu là thực phẩm hữu cơ (organic). Pizza đảm bảo độ tươi từ bột đến topping, được nướng trên những chiếc rế để không bị đọng dầu mỡ dưới đáy, tốt cho người ăn kiêng là sự khác biệt mà hãng này nhắm tới.

Trong khi đó, Domino’s Pizza đang chứng tỏ vị trí hãng pizza giao hàng số 1 thế giới với cam kết giao hàng ngay trong vòng 30 phút kể từ khi đặt hàng (bạn nên biết, thời gian tiêu chuẩn để làm ra một chiếc bánh pizza là 15 phút).

Có thể thấy, mỗi một thương hiệu pizza đang có những thị trường ngách của riêng mình để tồn tại và phát triển. “Trong kinh doanh, cạnh tranh là tất yếu. Nhưng với thị trường pizza, không có cuộc chiến, mà chỉ có các nhãn hàng tìm ra “miếng bánh” phù hợp nhất mà thôi. Mỗi nhãn hàng phải tìm ra hướng đi riêng để cùng đưa thị trường pizza phát triển lớn mạnh, mang dịch vụ tốt hơn cho khách hàng để tất cả cùng win – win.” – Giám đốc thương hiệu Zpizza khẳng định.

Thùy Linh
Nguồn Tri thức trẻ