Ồ ạt thâu tóm doanh nghiệp Việt, tỷ phú Thái chọn ngành nào?

Tỷ phú Thái Lan luôn có sự lựa chọn ngành nghề kỹ càng khi ồ ạt thâu tóm doanh nghiệp hoạt động trên đất Việt.

Tập trung bán lẻ

Ngành bán lẻ Việt Nam đang được các chuyên gia trong nước và thế giới đánh giá rất cao. Chính vì vậy, khi đi thâu tóm doanh nghiệp hoạt động trên đất Việt, các tỷ phú Thái Lan ưu tiên ngành bán lẻ. Kết quả là phần nào các doanh nghiệp rơi vào tay tỷ phú Thái đa phần đều thuộc ngành này.

Mới đây nhất, dư luận xôn xao với thông tin tập đoàn Central Group của tỷ phú Chirathivat, người giàu nhất Thái Lan, đã thâu tóm thành công hệ thống siêu thị điện máy Pico của Việt Nam. Nhiều tin đồn cho rằng Central Group mua lại 49% số cổ phần của Pico.

Trước đó, Central Group cũng nhận được nhiều sự chú ý lớn khi mua lại 49% cổ phần của Công ty Đầu tư phát triển công nghệ và giải pháp mới NKT, đơn vị sở hữu Công ty Thương mại Nguyễn Kim với hệ thống 21 siêu thị điện máy trên cả nước.

Tỷ phú Chirathivat được cho là đã thâu tóm Pico

Giá trị thương vụ này không được tiết lộ nhưng theo Forbes Việt Nam số ra tháng 1/2015, trong thương vụ này, Nguyễn Kim được định giá 200 triệu USD. Đây được xem là con số khá hời cho siêu thị mang thương hiệu Việt.

Năm ngoái, môt tỷ phú Thái Lan khác là ông Charoen Sirivadhanabhakdi suýt thực hiện được một thương vụ “khủng” nhất ngành bán lẻ Việt Nam. Đó là mua lại Metro Việt Nam. Thông qua Berli Jucker Plc (BJC), ông Charoen Sirivadhanabhakdi đã đạt được thỏa thuận thâu tóm Metro Việt Nam với mức giá 879 triệu USD.

Theo đó, BJC sẽ tiếp quản toàn bộ hoạt động kinh doanh của Công ty Metro Cash & Carry Việt Nam. Hệ thống Metro Cash & Carry Việt Nam bao gồm 19 trung tâm phân phối và danh mục bất động sản có liên quan. Với mức giá này, thương vụ càng được chú ý vì Metro Việt Nam liên tục báo lỗ.

Tuy nhiên, thương vụ này sớm đổ bể. Đầu năm 2015, Bangkok Post đưa tin nỗ lực của mua lại Metro Việt Nam của BJC đã thất bại hôm 8/1 sau khi các cổ đông của BJC nhất trí bỏ phiếu không thông qua thỏa thuận trị giá 879 triệu USD.

Các cổ đông nhỏ có nhiều lý do để phản đối thương vụ “khủng” này. Cổ đông lo ngại BJC sẽ phải đối mặt với những rủi ro tài chính và nguy cơ kiện tụng cao nếu theo đuổi thương vụ này theo các điều kiện bổ sung liên quan đến việc thanh toán hợp đồng.

Không thành công với Metro Việt Nam nhưng tỷ phú Charoen Sirivadhanabhakdi đã kịp đặt một chân vào ngành bán lẻ Việt Nam. Giữa năm 2013, ông thâu tóm thành công chuỗi bán lẻ Family Mart tại Việt Nam.

Thương vụ được tiến hành thông qua công ty liên doanh Thai Corporation International (TCI), được góp vốn từ tập đoàn Berli Jucker Plc (BJC) của tỷ phú Charoen và Mongkol Group. Thương vụ kết thúc, FamilyMart được đổi tên thành B’s mart.

Không quên ô tô, vật liệu xây dựng

Đa số các tỷ phú khi thâu tóm doanh nghiệp hoạt động tại Việt Nam đều hướng đến các gương mặt nổi bật trong làng phân phối. Nhưng điều đó không có nghĩa những người giàu nhất Thái Lan bỏ qua một số lĩnh vực béo bở khác. Trong đó đáng kể nhất là ngành ô tô và vật liệu xây dựng.

SCG đã nuốt trọn Prime

Đầu năm 2015, Công ty Chairatchakarn (Bangkok) khiêns giới đầu tư chứng khoán Việt Nam chú ý khi mua gần 2 triệu cổ phiếu của Công ty Ô tô Trường Long và trở thành cổ đông lớn với tỷ lệ sở hữu 22,6%.

Chairatchakarn là doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh ô tô tại Thái Lan với các thương hiệu xe Toyota và Hino. Trong khi đó, Trường Long là doanh nghiệp kinh doanh ô tô của Việt Nam, với doanh số bán hàng tăng mạnh trong năm 2014, đạt 1.031 tỷ đồng.

Thông tin này đã giúp cổ phiếu HTL của ô tô Trường Long có chuỗi ngày tăng điểm không biết mệt mỏi. Theo giá đóng cửa ngày 18/6, HTL đã tăng 61.500 đồng/CP, tương ứng 251% so với cuối năm 2014. HTL lọt vào danh sách những cổ phiếu tăng mạnh nhất sàn chứng khoán Việt Nam.

Tỷ phú Thái gây ấn tượng mạnh trong thương vụ Trường Long nhưng thực tế, những vụ thâu tóm ngành vật liệu xây dựng trước đây mới làm nên thương hiệu “cá mập” cho các tỷ phú Thái. Thương vụ đình đám nhất phải kể đến chính là Siam Cement Group (SCG) “nuốt trọn” “Thịnh vượng Việt Nam” Prime Group.

Prime Group là tập đoàn đầu tư đa ngành, đầu tư chủ yếu trên các lĩnh vực kinh doanh bất động sản, sản xuất vật liệu xây dựng nhất là gạch ốp lát. Đang phát triển rất tốt nhưng do đặt mục tiêu quá cao nên Prime Group chấp nhận “bán mình’ cho SCG - một doanh nghiệp lớn nhất Thái Lan hoạt động tập trung vào 5 lĩnh vực chính là hóa dầu, giấy, xi măng, vật liệu xây dựng và phân phối.

Cuối năm 2012, SCG định giá Prime ở mức 280 triệu USD (khoảng 5.800 tỷ đồng), cao hơn nhiều so với giá trị thực của Prime Group. Được định giá cao, các cổ đông của Prime không ngần ngại bán cổ phần cho Prime, và kết quả là SCG mua lại 85% cổ phần của Prime Group với giá khoảng gần 5.000 tỷ đồng.

Thương vụ này được đánh giá rất thành công. “Hậu thâu tóm”, Prime Group luôn công bố những con số kinh doanh đáng lạc quan.

Cũng trong năm 2012, The Nawaplastic Industries (Saraburi) Co., Ltd thuộc tập đoàn Thai Plastic and Chemicals đã gom một lượng lớn cổ phần của Nhựa Bình Minh và Nhựa Tiền Phong. Đây là 2 doanh nghiệp nhựa xây dựng hàng đầu Việt Nam.

Bảo Linh
Nguồn VTC