Sợ mất thị phần, “đại gia” chi hàng trăm tỷ quảng cáo

Đối với các doanh nghiệp hiện tại, quảng cáo là một phần tất yếu để quảng bá sản phẩm tới người tiêu dùng và duy trì thị phần. Tuy nhiên càng đẩy mạnh quảng cáo, chi phí bán hàng của các doanh nghiệp cũng sẽ tăng tương ứng.

Những doanh nghiệp thuộc ngành thực phẩm luôn có chi phí bán hàng ở mức cao. Chi khủng nhất là đại gia ngành sữa Vinamilk.

Mặc dù đã chiếm đến hơn 50% thị phần trong ngành sữa tuy nhiên vị trí đầu ngành này đang có nguy cơ bị ảnh hưởng bởi sức cạnh tranh từ những doanh nghiệp nhỏ đang lên với sự tham gia của các nhà đầu tư ngoại. Do vậy để bảo vệ thị phần, "đại gia" ngành sữa này vẫn không tiếc tiền chi cho quảng cáo, hoa hồng, khuyến mãi.

Báo cáo tài chính của VNM luôn khá rõ ràng, minh bạch khi thuyết minh đầy đủ các hạng mục chỉ tiêu. Trong số các loại chi phí, chi phí bán hàng của Vinamilk luôn chiếm tỷ trọng lớn nhất và mỗi năm lên tới hàng nghìn tỷ đồng.

Năm 2014, chi phí bán hàng của VNM chiếm 4.696 tỷ đồng, trong đó hơn 1.206 tỷ đồng là chi phí dành cho quảng cáo.

Như vậy chi phí quảng cáo trung bình của Vinamilk trong năm 2014 khoảng 3,3 tỷ đồng/ngày.

Kinh Đô (KDC) cũng chi khá lớn cho quảng cáo

Sau khi bán đi “nồi cơm” của mình là mảng bánh kẹo cho đối tác ngoại, Kinh Đô thâm nhập vào lĩnh vực thực phẩm với các sản phẩm mới lần đầu tiên ra mắt (mì gói, dầu ăn). Tuy có lợi thế về hệ thống phân phối truyền thống song chính bởi sự mới mẻ của những sản phẩm này tất yếu sẽ vấp phải áp lực cạnh tranh bởi những sản phẩm quen thuộc của những đại gia lớn trong ngành như Acecook, Asia Food, Masan, Vifon…

Mặc dù không thuyết minh rõ ràng, chi tiết các thành phần trong chi phí bán hàng như VNM song bảng cân đối kế toán của KDC cho biết, trong quý I, công ty còn 101,9 tỷ đồng chi phí tiếp thị quảng cáo phải trả.

Trong khi đó, mặc dù là đại gia lớn nhất ngành bia Việt với thị phần khoảng 34% song Sabeco vẫn chưa yên lòng. Báo cáo tài chính 2014 của doanh nghiệp này cho thấy chi phí quảng cáo, khuyến mãi trong năm của Sabeco là 620 tỷ đồng. Công ty vẫn còn 140,2 tỷ đồng chi phí quảng cáo, khuyến mãi phải trả thời điểm cuối 2014.

Đối với Masan Group, nhánh mang lại doanh thu chủ lực cho doanh nghiệp là Masan Consumer (MSC). Hiện MSC đang phát triển khá nhiều loại hình sản phẩm hàng tiêu dùng đồng thời không ngừng M&A nên việc phát triển truyền thông, quảng cáo là hạng mục rất quan trọng.

Cũng như nhiều doanh nghiệp khác, khoản mục chi phí quảng cáo không được thuyết minh rõ ràng trong cơ cấu chi phí bán hàng của MSC, tuy nhiên chi phí phải trả về quảng cáo và khuyến mãi cuối năm 2014 của MSC là 485 tỷ đồng.

Báo cáo phân tích mới đây của VDSC cho biết tỷ lệ tiêu thụ thực phẩm từ năm 2012-2014 đều duy trì trên hai con số (trung bình 14%) và theo dự báo của BMI, tốc độ này sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh trong 2015-2018.

Thị trường thực phẩm mặc dù có tiềm năng tăng trưởng tốt, không phải bất kỳ doanh nghiệp nào cũng tận dụng được lợi thế này. Sức ép cạnh tranh bắt đầu phản ánh từ năm 2014 khi hàng loạt doanh nghiệp đẩy mạnh chi phí marketing cũng như đẩy mạnh các hoạt động M&A.

Sức cạnh tranh ngày càng tăng lên sẽ là áp lực khiến các doanh nghiệp dùng đủ các chiêu thức để quảng bá và chào bán sản phẩm, vì vậy chi phí quảng cáo nói riêng và chi phí bán hàng nói chung chắc chắn sẽ không ngừng tăng lên trong thời gian tới.

Nguyên Minh
Nguồn Bizlive