Báo in mất giá kỷ lục

Theo hãng nghiên cứu Pew Research Center, giá trị thị trường của các tờ báo lớn như Boston Globe, Philadelphia Inquirer, Chicago Sun-Times và Minneapolis Star-Tribune đã mất hơn 90% so với thời đỉnh cao.

Ngành công nghiệp báo chí tại Mỹ vẫn đang vật lộn suốt cả thập kỷ qua để thích ứng với kỷ nguyên kỹ thuật số. Thương vụ bán San Diego Union-Tribune hồi đầu tháng 5 với giá 85 triệu USD đã cho thấy sự sụt giảm rất mạnh trong giá trị của "các công ty truyền thông cũ" những năm gần đây.

Khoản trả 85 triệu USD của Tribune Publishing chỉ thấp hơn một chút so với mức giá 110 triệu USD mà San Diego Union-Tribune bị bán năm 2011. Tuy nhiên, tờ báo này từng được định giá tới 1 tỷ USD cuối năm 2004.

Tình cảnh này cũng giống như nhiều nhật báo lớn khác từng là niềm tự hào của Mỹ. Theo hãng nghiên cứu Pew Research Center, giá trị các tờ Boston Globe, Philadelphia Inquirer, Chicago Sun-Times và Minneapolis Star-Tribune đã mất hơn 90% so với thời đỉnh cao.

Ngành báo in thế giới kinh doanh rất chật vật thời gian gần đây. Ảnh: Bayelsa

Các báo đang cố giành độc giả bằng ứng dụng di động và đăng ký đọc bản điện tử. Nhưng cơn thủy triều họ đang phải chống lại là rất mạnh. Với các nhật báo của Mỹ trong suốt thập kỷ qua, số ấn bản ngày thường đã giảm 17% và doanh thu quảng cáo cũng mất hơn 50%.

Năm ngoái, 3 hãng truyền thông lớn cũng đã quyết định tách riêng mảng báo chí để tập trung cho mảng truyền hình và kỹ thuật số lợi nhuận tốt hơn. "Mọi tờ báo đều đang nói về việc đẩy nhanh tốc độ số hóa. Nhưng sự thật là sau gần 2 thập kỷ nỗ lực, phần lớn họ vẫn chưa thể đạt đến ngưỡng cần có", Ken Doctor - nhà phân tích tại hãng nghiên cứu Outsell nhận xét. Ông cho rằng các tờ báo sẽ sớm chỉ còn lại vài lựa chọn, bên cạnh cắt giảm tần suất ra bản in như một số nhật báo đã làm để tiết kiệm chi phí.

Doctor cho biết ngành công nghiệp này đã không thể tăng doanh thu từ năm 2008, khiến việc đầu tư vào mảng kỹ thuật số càng khó hơn. Quý I/2015, 7 công ty báo chí lớn nhất Mỹ có lợi nhuận tổng cộng 21,5 triệu USD. Trong khi đó, năm 2005, chỉ riêng Gannett đã có lời 1,8 tỷ USD.

Với các nhật báo của Mỹ trong suốt thập kỷ qua, số ấn bản ngày thường đã giảm 17% và doanh thu quảng cáo cũng mất hơn 50%.

"Những công ty này chẳng có mấy đề đầu tư. Họ vẫn đang phải trả nợ, trả cổ tức, thực hiện nghĩa vụ lương hưu với công nhân và kỳ vọng vào quảng cáo trên báo in", ông nói. Kể cả New York Times - một trong những tờ báo tích cực số hóa nhất, cũng phải thừa nhận 70% doanh thu của hãng đến từ bản in. Nhưng họ cũng đang cân nhắc lại chiến lược, Alan Mutter - cựu biên tập viên tại Chicago cho biết.

"Những người trong ngành truyền thông phải nhận ra rằng không phân biệt họ đang ở trong ngành in ấn hay phát thanh - truyền hình, mà nhiệm vụ của họ là thu hút khách hàng để bán quảng cáo", ông nói.

Dù vậy, Washington Post là một ngoại lệ, khi chủ sở hữu mới - nhà sáng lập Amazon - Jeff Bezos đang mở rộng thu thập tin tức và tinh chỉnh chiến lược kỹ thuật số. Việc này đã giúp số độc giả online của hãng tăng 65% trong một năm, tính đến tháng 4, theo comScore.

Dưới thời Bezos, "Washington Post đã đầu tư vào đưa tin và thiết kế, sử dụng công nghệ và sắp xếp lại nhân sự. Họ đã làm rất nhiều việc đúng đắn", Mutter cho biết. Dù những việc này chưa chuyển thành lợi nhuận, Mutter cho biết "Bezos đã có tầm nhìn dài hạn. Và đó cũng là tiền riêng của ông ấy".

Một số tờ báo còn hợp tác với Facebook trong việc đưa tin tức của mình lên mạng xã hội, nhằm tăng doanh thu quảng cáo. Mutter cho biết dù nhiều tờ từng từ chối những thương vụ như vậy, "họ đã phải bỏ qua sự kiêu hãnh vì không có khả năng tiếp cận toàn cầu lớn như Facebook".

Quý I/2015, 7 công ty báo chí lớn nhất Mỹ có lợi nhuận tổng cộng 21,5 triệu USD.

Dù vậy, ông cho rằng việc này cũng chỉ khiến các báo nhẹ nhõm hơn một chút. Theo một nghiên cứu Viện báo chí Mỹ (API) công bố tuần trước, chìa khóa để tăng trưởng trong ngành này là thay đổi văn hóa để có bước đột phá. Việc này bao gồm cho phép tương tác với nhiều nhóm khác nhau, như phóng viên, kỹ thuật viên,... "Để khuyến khích sáng tạo và chuyển đổi, các tổ chức cần trao quyền và tạo động lực cho các nhóm người này", báo cáo cho biết.

Phó giám đốc API - Jeff Sonderman cho biết các tờ báo gặp khó khăn vẫn có thể đầu tư và cải tiến bằng cách sử dụng cách tiếp cận khác. "Thay vì mất rất nhiều thời gian và tiền bạc cho một cuộc thử nghiệm lớn với lĩnh vực mới, anh có thể chi ít tiền thôi cho một cuộc thử nghiệm nhỏ, và bước dần từng bước", ông nói.

Sonderman cũng nhận xét dù ngành này đang trong vòng xoáy đi xuống suốt thập kỷ qua, ông vẫn nhận thấy nhiều dấu hiệu tích cực. "Chúng tôi nhận thấy tín hiệu các hãng xuất bản có môi trường hợp lý, lãnh đạo đúng đắn đang bắt đầu bình ổn và thậm chí tăng trưởng tại một số lĩnh vực".

Hà Thu / AFP
Nguồn VnExpress