Nội y Việt Nam hội nhập thị trường thời trang thế giới

Để lại dấu ấn trên thị trường nội địa với thương hiệu đồ nội y Relax, ông chủ của Sơn Việt đang mơ giấc mơ lớn hơn, đưa thương hiệu nội y Việt Nam hội nhập với thị trường thời trang thế giới.

Tiếp xúc với Hà Xuân Anh, Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ Công ty cổ phần May Sơn Việt, nhìn vẻ ngoài thư sinh và cách nói chuyện rất nhẹ nhàng của vị doanh nhân này, không ai nghĩ đằng sau đó là một khát vọng lớn, cùng với không ít trăn trở đối với ngành dệt may Việt Nam trong thời hội nhập.

"Đồ nhỏ" nhưng giá trị không nhỏ

* Thưa ông, quay trở lại thời điểm cách đây hơn 10 năm trước, khi ông bắt tay vào xây dựng doanh nghiệp Sơn Việt, do đâu mà ông lựa chọn lĩnh vực may mặc đồ nội y chứ không phải là một sản phẩm khác? Thị trường lúc đó như thế nào?

Ban đầu khi thành lập, Công ty Sơn Việt chuyên kinh doanh ngành hàng tiêu dùng. Ngay bước lựa chọn đầu tiên, tôi và những cộng sự của mình đã vấp phải sai lầm khi chọn hướng kinh doanh phân phối các sản phẩm nhập khẩu từ nước ngoài. Trong một lần nhập khẩu, tôi và các cộng sự đã dốc vốn đầu tư cho một nhãn hàng tiêu dùng mới, nhưng sản phẩm của nhãn hàng trên gặp vấn đề về chất lượng, toàn bộ công sức và tiền bạc coi như “đổ sông đổ biển”. Thất bại này cho tôi một bài học thấm thía: trong kinh doanh, không nên để doanh nghiệp của mình bị phụ thuộc quá nhiều vào một doanh nghiệp khác. Ngay lập tức sửa sai, tôi và các cộng sự chuyển hướng đưa Sơn Việt thành một công ty chuyên sản xuất và kinh doanh hàng may mặc - tận dụng một trong những ngành thế mạnh của Việt Nam lúc bấy giờ. Nhưng nên chọn ngành hàng nào để sản xuất và phát triển hiệu quả hơn? Câu trả lời là đầu tư vào sản xuất sản phẩm đặc biệt: đồ lót dành cho nam giới với nhãn hiệu Relax. Vào thời điểm 2003, đúng là có nhiều công ty may mặc rất có tên tuổi, nhưng sản phẩm nội y cung cấp cho thị trường trong nước thì rất ít. May mặc lại là một lĩnh vực lợi thế của Việt Nam về mặt tay nghề, nhân công… Chúng tôi đã tìm ra lời giải cho lựa chọn của mình và gắn bó đến hôm nay.

Ông Hà Xuân Anh, Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ Công ty cổ phần May Sơn Việt

* Đối với sản phẩm nội y, đâu là những yếu tố quan trọng nhất để người tiêu dùng lựa chọn, thưa ông?

Vì đồ lót bó sát các vùng nhạy cảm của cơ thể khi mặc nên ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe người sử dụng. Đồ lót không phù hợp là một trong những nguyên nhân gây ra các bệnh phụ khoa và nam khoa nếu chúng ta sử dụng không đúng cách. Bởi vậy, yếu tố chất liệu và kiểu dáng thường được đặt lên hàng đầu. Chúng tôi vẫn khuyên người tiêu dùng phải chọn sản phẩm đúng kích cỡ, hợp màu sắc và phong cách mỗi người, bên cạnh việc giúp cho cơ thể thoải mái thì còn giảm thiểu được ma sát gây kích ứng da. Để đáp ứng được các tiêu chí này, chúng tôi luôn chú trọng các khâu từ nguyên phụ liệu như: chỉ, thun, vải… cho đến máy móc, trang thiết bị hiện đại, tay nghề công nhân. Nhiều người cho rằng, đồ lót nằm bên trong, trang phục mặc ngoài nên không cần thiết phải đầu tư nhiều. Tuy nhiên, đây là một quan niệm sai, vì đồ lót không chỉ giúp bạn giữ gìn vệ sinh cơ thể mà còn là loại thời trang đầy cảm xúc và xứng đáng được quan tâm nhất.

* Vậy còn với khâu thiết kế, Sơn Việt đầu tư như thế nào, thưa ông?

Ngoài chất lượng, mẫu mã cũng là vấn đề quan trọng để thu hút khách hàng. Sơn Việt luôn nghiên cứu các xu thế của người tiêu dùng để có thể đưa ra những sản phẩm có kiểu dáng và màu sắc đa dạng, phù hợp với mọi đối tượng. Chúng tôi cũng hợp tác với những nhà thiết kế Úc, Mỹ để thường xuyên có các ý tưởng thiết kế mới phù hợp với các thị trường phương Tây. Mỗi tháng, Sơn Việt đều cho ra đời những mẫu sản phẩm mới theo xu hướng của thị trường.

Người lãnh đạo phải hiểu biết tri thức toàn cầu, có cái nhìn toàn cầu để xây dựng một công ty bền vững.

* Thị trường đồ nội y thời điểm ông bước chân vào còn rất sơ khai, nhưng đến nay dường như đã rất sôi động?

Đúng vậy. Những năm gần đây, thị trường đồ lót nam phát triển khá sôi động với nhiều nhãn hiệu nội địa, tập trung vào phân khúc trung cấp. Phân khúc cao cấp thuộc về nhãn hiệu nổi tiếng trên thế giới. Phân khúc thấp thì bị hàng giả, hàng nhái và sản phẩm giá rẻ từ Trung Quốc chiếm lĩnh. Đối với đồ lót nữ, hoạt động sản xuất vẫn còn sơ khai. Doanh nghiệp Việt Nam chưa có nhiều nhà máy sản xuất đồ lót nữ phục vụ thị trường nội địa. Cả ba phân khúc cao, trung và thấp đều bị các nhãn hiệu nước ngoài chiếm lĩnh. Hiện Thái Lan và Malaysia là hai nước đi đầu trong lĩnh vực đồ lót ở khu vực Đông Nam Á. So với họ, hàng của ta vẫn còn khoảng cách, nhưng phân nhánh đồ lót nam đang phát triển nhanh, có tiềm năng cạnh tranh về giá cả cũng như chất lượng mẫu mã, đặc biệt tại các thị trường Campuchia, Lào, Myanmar và Philippines…

* Với tương quan lực lượng như vậy, theo ông, đâu là những điểm yếu mà Việt Nam cần phải khắc phục để có thể cạnh tranh sòng phẳng với các thương hiệu nước ngoài?

Để theo kịp các nước trong khu vực, ngành nội y Việt Nam cần phải vượt qua tương đối nhiều thách thức. Đầu tiên phải nói đến là nguồn nguyên vật liệu hiện nay hầu như phải nhập khẩu với số lượng lớn, ảnh hưởng đến giá thành sản phẩm và không chủ động được trong việc phát triển mẫu mã. Bên cạnh đó, thiết bị công nghệ, kinh nghiệm và năng suất của chúng ta đang đi sau doanh nghiệp nước ngoài. Có thể nói, ở mặt hàng này, chúng ta còn đang “chập chững” vào nghề. Mặt khác, doanh nghiệp trong nước đang phải đối mặt với nạn hàng lậu, hàng nhái, hàng giả từ Trung Quốc, thậm chí từ các cơ sở nhỏ trong nước. Chỉ riêng lượng hàng hóa hay nguyên vật liệu thanh lý được đưa vào Việt Nam qua đường tiểu ngạch là cũng đủ để giết chết nền sản xuất trong nước, nếu các cơ quan chức năng không có giải pháp ngăn chặn. Cuối cùng là ngành thiết kế đồ lót chưa phát triển. Điều này có một phần là do yếu tố nguyên phụ liệu - đầu vào cho ý tưởng thiết kế - hầu như phụ thuộc nước ngoài, nhưng nguyên nhân chính là do chúng ta chưa có cái nhìn thoáng. Đồ lót chưa được nhìn nhận là ngành thời trang thực thụ, với nhiều rào cản như: chưa tổ chức những show trình diễn thời trang riêng hay vẫn bị hạn chế quảng cáo hình ảnh trên truyền hình và các phương tiện truyền thông đại chúng khác. Thậm chí, có cả quy định cấm trưng bày ma-nơ-canh mặc đồ lót trước mặt tiền cửa hàng. Người tiêu dùng thấy người mẫu mặc sản phẩm đẹp thì họ mới mua chứ!

Các doanh nghiệp trong nước có thể tự mình nỗ lực vượt qua thách thức thứ hai bằng cách vừa gia công cho các nhãn hiệu nước ngoài, vừa phát triển thương hiệu riêng, liên kết học hỏi để dần thu hẹp khoảng cách. Nhưng đối với những thách thức còn lại, doanh nghiệp cần sự hỗ trợ cấp bách từ phía Chính phủ.

Doanh nghiệp trẻ - khát vọng toàn cầu

* Bên cạnh thị trường nội địa, các sản phẩm của Sơn Việt đã đi ra thị trường quốc tế như thế nào, thưa ông?

Khi đã có chỗ đứng tại thị trường trong nước, chúng tôi quyết định đưa sản phẩm và thương hiệu của mình ra nước ngoài. Để tiếp cận thị trường nước ngoài, chúng tôi thường xuyên tham gia các kỳ hội chợ và tìm cách hợp tác với các doanh nghiệp sở tại. Hiện tại, Sơn Việt đã thành lập chi nhánh và đại lý phân phối tại Campuchia, Lào, Myanmar, Malaysia, Singapore và khu vực Nam Mỹ… Thực ra, tại một số thị trường nước ngoài, chúng tôi vẫn đang phải gánh lỗ để duy trì sự hiện diện. Kế hoạch tới đây của chúng tôi là tiếp tục mở rộng mạng lưới phân phối sản phẩm tại các quốc gia khác ở Đông Nam Á và thị trường Trung Đông…

* Đặc thù của thị trường quốc tế có gì khác so với thị trường Việt Nam, thưa ông?

Tại một số nước tương đồng như Việt Nam thì cách xây dựng thương hiệu và kênh phân phối cũng tương tự, tất nhiên là mỗi nước có những qui định và tập quán tiêu dùng khác nhau nên cũng cần có những điều chỉnh nhất định. Về mẫu mã thiết kế cũng phải điều chỉnh để phù hợp với từng thị trường. Ví dụ, thị trường Campuchia và Lào thì chuộng màu đỏ và màu vàng, nhưng tại Singapore thì người tiêu dùng lại thích những màu nhẹ nhàng hơn… Đặc biệt tại những nước phát triển trước chúng ta, hàng hóa chủ yếu được bán tại các hệ thống trung tâm thương mại, siêu thị và các cửa hàng tiện lợi, diện tích trưng bày sản phẩm của họ đã kín hết. Như vậy, nếu nhận sản phẩm của chúng ta thì họ sẽ phải loại ra một nhãn hiệu khác. Do vậy, để nhãn hiệu đủ uy tín, thuyết phục được họ là điều không đơn giản. Ngoài ra chi phí hoạt động, mặt bằng, nhân sự ở nước ngoài cao hơn nhiều so với Việt Nam.

Những năm gần đây, thị trường đồ lót nam phát triển khá sôi động với nhiều nhãn hiệu nội địa, tập trung vào phân khúc trung cấp.

* Trong cuộc chơi hội nhập sắp tới với nhiều hiệp định thương mại tự do được ký kết, ông nói gì về những cơ hội cũng như thử thách đối với Sơn Việt?

Với ngành may mặc xuất khẩu khi các hiệp định FTA, TPP, Cộng đồng Kinh tế chung ASEAN... có hiệu lực, thuế suất dần giảm về 0% thì đó là cơ hội không nhỏ để chúng ta tăng năng lực cạnh tranh, tìm kiếm thêm khách hàng mới và tăng sản lượng xuất khẩu. Nhưng có một thực tế là hàng may mặc xuất khẩu mang thương hiệu riêng của doanh nghiệp Việt Nam chiếm một tỷ trọng rất nhỏ, đa phần là chúng ta xuất khẩu gia công hoặc bán gia công (OEM) nên thiếu tính chủ động và giá trị thặng dư không cao. Còn với hàng may mặc phục vụ cho thị trường nội địa thì sẽ gặp thách thức không nhỏ khi hàng từ các nước tràn với giá cả cạnh tranh hơn...

Vấn đề là doanh nghiệp Việt phải tự nâng cao năng lực cạnh tranh nếu không muốn bị đào thải, thậm chí thua ngay trên sân nhà!

Thu Hương
Nguồn Diễn đàn Doanh nghiệp