"Trận chiến" mới cho doanh nghiệp bán lẻ

Theo dự báo của hãng nghiên cứu Statista (Đức), thị trường bán lẻ của VN có thể lên tới 100 tỉ USD/ năm vào 2016 và con số này sẽ tiếp tục gia tăng trong những năm sắp tới.

Hàng loạt các tập đoàn bán lẻ lớn trong khu vực coi VN là thị trường trọng yếu khi gia nhập AEC. Điều này cũng đồng nghĩa với việc các DN bán lẻ trong nước sẽ phải đối mặt với nguy cơ bị thua ngay trên sân nhà.

Điều khiến nhiều người lo lắng, trong đó có các chuyên gia là hiện nay đa số DN bán lẻ trong nước đã có sự chuẩn bị nhưng vẫn còn bộc lộ nhiều khiếm khuyết.

Thiếu một “nhạc trưởng”

Trong đó, lớn nhất là sự thiếu liên kết giữa các lực lượng tham gia thị trường, thiếu một “nhạc trưởng” trong từng mảng kinh doanh. Điều này khiến các nhà cung cấp và bán lẻ cạnh tranh lẫn nhau, dẫn tới tất cả đều phát triển manh mún, thiếu bài bản.

Thị trường bán lẻ Việt đang đứng trước nhiều thách thức mới

Trong chương trình Chìa khóa thành công – CEO phát sóng vào 10h chủ nhật, ngày 10/05/2015 vừa qua trên kênh VTV1, các chuyên gia cũng đưa ra rất nhiều giải pháp cụ thể cho các DN bán lẻ trong nước thông qua tình huống cụ thể của một DN kinh doanh siêu thị mini.

Cạnh tranh không có nghĩa là đối đầu

Đây là một DN đã có kinh nghiệm 20 năm trên thị trường bán lẻ và sở hữu một chuỗi các siêu thị ở những vị trí đắc địa. Thế nhưng, DN này đang bị cạnh tranh mạnh mẽ từ các đối thủ ngoại khiến tình hình kinh doanh gặp nhiều khó khăn. Trước thực trạng này, CEO của DN đã đưa ra giải pháp là tận dụng ưu thế về địa điểm và tập trung tìm kiếm thị trường ngách nhằm tránh sự cạnh tranh từ bên ngoài. Tuy nhiên, các cổ đông lại phản đối và cho rằng lúc này DN nên dựa vào kinh nghiệm lâu năm trong ngành, sẵn nguồn hàng, kho bãi, nguồn cung ứng để bỏ bán lẻ, chuyển sang làm đối tác cung cấp hàng hóa cho các siêu thị khác. Nhằm giúp cho DN sớm tìm ra lối thoát, hai vị chuyên gia giàu kinh nghiệm đã được mời tới trường quay để tư vấn cho CEO. Dưới góc độ một nhà quản trị lâu năm, ông Thái Quốc Minh – Thành viên HĐQT Cty Tài chính Cổ phần Vinaconex - Viettel cho rằng: “Với một DNNVV, để xây dựng được thế mạnh của mình trong 20 năm là rất khó nên phải tận dụng nó bằng mọi cách. Ngoài ra, cạnh tranh không có nghĩa là đối đầu, mà có rất nhiều hình thức trong đó có cả hợp tác với nhau để cạnh tranh với đối thủ khác, hoặc tự xây dựng lên một hệ thống mới để cạnh tranh”. Một điều quan trọng mà CEO cần phải nắm rõ chính là những điểm yếu của DN mình để có cách khắc phục kịp thời.

Chuyên gia thứ hai của chương trình là ông Trần Quốc Việt - Phó TGĐ Tập đoàn Kinh Đô, TGĐ Cty Kinh Đô miền Bắc khẳng định, đây là tình huống mà rất nhiều DN bán lẻ của VN đang phải đối mặt. Có 3 giải pháp cụ thể cho vấn đề này như sau:

Thứ nhất, DN có thể chọn ra một thị trường ngách, nhưng CEO phải xác định đúng con đường DN đi vào sẽ có tương lai chứ không phải là đường cụt.

Thứ hai, CEO buộc phải hợp tác với đối thủ ngoại. Đó không hẳn là việc bỏ bán lẻ chuyển sang bán buôn cho đối thủ mà có thể là một khâu nào đó trong chuỗi giá trị của họ; liên doanh, liên kết với họ dựa trên điểm mạnh, điểm yếu của mình và của đối thủ. Như vậy hai bên sẽ tạo ra một giá trị lớn.

Thứ ba: Nếu không thể tìm ra thị trường ngách và cũng không hợp tác với đối thủ được thì DN buộc phải tìm đường khác. Đó là bán DN của mình để có thể phát triển hơn nữa trong tương lai. Tuy nhiên, lựa chọn được một trong ba giải pháp này thì CEO buộc phải xác định được năng lực lõi của DN mình là gì và dựa trên năng lực đó để quyết định. Những tư vấn trên đã nhận được sự đồng thuận rất lớn từ cộng đồng và xã hội.

L. Chi
Nguồn Diễn đàn Doanh nghiệp