Vinasun: Quá nhanh, có... nguy hiểm?

Dù đang dẫn đầu trên thị trường taxi khu vực TP HCM, nhưng Vinasun đang có quá nhiều đối thủ nhòm ngó ngôi vương. Vì vậy, 2015 sẽ là thời điểm Vinasun phải tiếp tục bứt phá thật nhanh để giữ khoảng cách an toàn.

Trong khoảng 5 năm gần đây, kể từ thời điểm Mai Linh Group bắt đầu suy thoái vì đầu tư đa ngành và bắt buộc tái cấu trúc, Cty CP Ánh Dương VN (Vinasun Corp - VNS) đã tận dụng cơ hội và phát triển nhanh chóng như vũ bão. Bất chấp thị trường ngày càng có sự cạnh tranh khốc liệt bởi các hãng nhỏ hơn tham gia “chia bánh” như Vina Taxi, PetroGas Taxi, Hoàng Long, S Taxi…, Vinasun trong nhiều năm vẫn giữ được khoảng cách xa với các đối thủ.

Lo đối thủ cũ, ngại đối thủ mới

Lợi thế mà Vinasun có được trước hết là lượng xe ổn định. Hiện số lượng đầu xe của Vinasun đang đạt gần 6.000 chiếc. Số lượng tính đến quý 3/2014 số đầu xe của Vinasun (dao động chưa trừ số đầu xe thanh lí là khoảng trên 5.600 chiếc). Trên thị trường, theo Hiệp hội Taxi TP HCM, đang có khoảng 12.000 đầu xe. Như vậy xe của Vinasun Taxi đã chiếm gần phân nửa - khá nhiều so với khoảng 3.000 chiếc của Mai Linh và một vài trăm chiếc của những hãng xe khác. Số liệu chính thức của Vinasun Taxi vào cuối năm 2014 cho biết Cty đang có 5.729 đầu xe và 16.000 lao động. Với mật độ phủ sóng tập trung và đều khắp ở các khu vực TP HCM đến lân cận Đông Nam Bộ (Đồng Nai, Vũng Tàu, Bình Dương, Nha Trang, Đà Nẵng) mức độ nhận diện thương hiệu tăng nhanh, thị phần hiện tại của hãng đạt tới trên 45% và phục vụ được trên 130 triệu khách hàng/năm.

Tuy nhiên, thách thức với Vinasun có lẽ không chỉ là những chướng ngại vật đã vượt được ở khoảng 10 năm qua nay vẫn còn nguy cơ bùng cháy – khi các đối thủ chính vẫn đang nỗ lực tăng tốc độ; đáng ngại hơn là những đối thủ mới – những tay đua chuyên về cạnh tranh công nghệ, không cạnh tranh trực tiếp về đầu xe - điều vốn đã và đang là thế mạnh của Vinasun. Trong số các đối thủ đó, bao gồm Grab Taxi, Easy Taxi, và thậm chí có cả một đối thủ được “đỡ đầu” bởi Sở Giao thông Vận tải TP HCM là Live Taxi, có lẽ nặng kí nhất vẫn là Uber Taxi.

Đánh giá của CTCK Maybank Kimeng VN cho rằng về lâu dài, mức độ khiêu chiến của Uber sẽ không còn sức nóng và đủ nguy hại với Vinasun Taxi, bởi khả năng duy trì mức chiết khấu để có giá xe taxi rẻ trong thời gian dài là một ẩn số. Song ít nhất, ứng dụng công nghệ để gọi taxi với giá rẻ hơn đang tác động đến thói quen sử dụng taxi truyền thống trong ngắn hạn của người tiêu dùng. Và hành vi tiêu dùng, được quyết định đa phần bởi thói quen, một khi thói quen lại thay đổi, lại là điều cực đáng ngại với các nhà cung cấp dịch vụ tiêu dùng.

Nhiều hãng xe hiện tại đã phải nghiên cứu lại giải pháp để đối đầu với cuộc khiên chiến của taxi dựa trên ứng dụng thông minh kiểu Uber. Gần đây nhất là hãng taxi Mai Linh đã cho ra phần mềm Mai Linh Taxi-Vietek. Phần mềm này được ứng dụng trên điện thoại thông minh và giúp khách hàng gọi taxi nhanh chóng và thuận tiện. Ông Hồ Huy - Chủ tịch HĐQT Cty cho hay việc cho ra ứng dụng này giúp công ty điều hành và quản lý tài xế tốt nhất. Đồng thời, giúp khách hàng và tài xế rút ngắn được thời gian trong các khâu: gọi xe, thanh toán và kiểm soát số km… Thách thức với Vinasun nếu vẫn tiếp tục “đua” theo cung cách cũ – đầu tư xe, mở thị trường theo chiến lược “vết dầu loang”, đang song hành cùng tụt hạng rất gần.

Hiện nay nhiều CTTC thuộc các Tập đoàn và TCty Nhà nước lập ra không phải đã chuyên nghiệp và có nhiều kinh nghiệm về cho vay TCCN phi thế chấp

“Đua” công nghệ

Hiện tại, Vinasun đã cho ra mắt ứng dụng Vinasun App, giúp người tiêu dùng cũng có thể tải về cài đặt trên điện thoại, gọi taxi với cước phí dự kiến rẻ hơn. Đây có thể ví như một đòn “đối đầu” trực diện với Uber và ít nhất cho thấy sự năng động của một vị vua trên ngai taxi truyền thống.

Đánh giá về giá trị của ứng dụng này, Chuyên viên cao cấp Chứng khoán Bản Việt – ông Đặng Văn Pháp cho rằng Vinasun App có thể được sử dụng bởi cả người sử dụng điện thoại thông minh và máy tính bảng (có tích hợp GPS) và điện thoại cơ bản (thông qua SMS). “Trong khi động thái này có vẻ như là để cạnh tranh trực tiếp với Uber, ứng dụng này nhắm đến một nhóm đối tượng khách hàng rộng hơn bởi vì Uber chỉ có thể được sử dụng với điện thoại thông minh và máy tính bảng. VNS dự kiến sẽ triển khai ứng dụng này tại các thành phố ngoài TP HCM (Đà Nẵng, Vũng Tàu, Nha Trang,…) vào cuối tháng 5/2015, trước khi triển khai đồng bộ ở TP HCM vào tháng 9/2015. VNS sẽ trở thành DN taxi trong nước đầu tiên cung cấp loại hình dịch vụ này, củng cố vị thế dẫn đầu thị trường của mình”, ông Pháp nói.

Nếu theo lịch trình triển khai Vinasun App, có thể thấy vẫn sớm để kì vọng Vinasun taxi App sẽ là vũ khí công nghệ tối tân cho Vinasun trong cuộc đua đường trường giữ và chiếm nhiều hơn nữa thị phần vận tải hành khách chuyên dụng. Cũng còn rất sớm để hy vọng Vinasun sẽ tiếp tục vết dầu loang thành công ở các thị trường mới Nha Trang, Cần Thơ, Hà Nội theo như kế hoạch Cty đề ra trong năm 2015, cho dù cơ sở và đường đi nước bước, với sự tập trung đầu tư đội xe cao cấp nhằm tăng chất lượng dịch vụ của Vinasun là khá rõ ràng. Tấm gương Mai Linh Taxi ngã trên đường đua khi mở rộng quá mức các thị trường dẫn đến hở “gót Asin” vì đầu tư dàn trải hãy còn nóng. Tất nhiên, Vinasun không đầu tư bất động sản như Mai Linh. Việc tập trung năng lực lõi vẫn giúp Vinasun có cơ hội nhiều hơn để tăng doanh thu ở thời gian tới.

Nhưng ẩn số nguy hiểm - từ khóa “Uber” thì vẫn còn nguyên đó. Và cũng như chưa biết sẽ có bao nhiêu “Uber mới”, lợi hại hơn sẽ xuất hiện tiếp theo? Bản thân Vinasun App có cũng đủ “nguy hiểm” để đẩy bật được Uber và những Uber mới ra khỏi thị trường; đồng thời cân đối được nghĩa vụ của taxi truyền thống khá nặng nề với trọng trách giảm giá cước, tăng cạnh tranh nhằm thu hút hơn nữa khách hàng? Hiện tại, khả năng điều chỉnh giá cước khi ứng dụng Vinasun app chính thức hoạt động hay không cũng được Ban lãnh đạo Vinasun để ngỏ - như một “hướng mở” cho các kịch bản chưa thể nói trước. Đường đua kịch tính của thị trường taxi đang đầy nguy hiểm và cũng chờ đợi Vinasun tỏ rõ bản lĩnh của mình.

Giảm chỉ tiêu lợi nhuận đối đầu đối thủ mới

Nhìn lại điểm xuất phát của Vinasun từ cách đây khoảng 10 năm, mặc dù Cty đã có lịch sử từ năm 1995 nhưng thực sự đầu tư kinh doanh taxi với 27 chiếc đầu tiên năm 2003, và chỉ đẩy nhanh tốc độ đầu tư, cơ cấu lại, đi vào đầu tư xe, khai thác mạnh thị trường taxi phía Nam vào năm 2007, có thể nói bánh xe Vinasun đã lăn quá nhanh trên một chặng đường khốc liệt. Năm 2014, Cty tiếp tục khẳng định vị thế dẫn đầu của mình với kết quả kinh doanh “ổn”: Đầu tư thêm 1.246 đầu xe, thanh lí 475 đầu xe , đạt kế hoạch lần lượt 101 và 100%. Tổng doanh thu đạt 3.770 tỷ đồng đạt 109% so với kế hoạch đề đề ra, lợi nhuận sau thuế đạt 313,9 tỷ đồng tương đương 122,15% kế hoạch.

Năm 2015. Vinasun Corp đặt kế hoạch kinh doanh có phần “khiêm tốn” so với 2014: Doanh thu tăng 3,1% và Lợi nhuận ròng sau thuế (LNST) giảm 15,3% so với 2014.

Ban lãnh đạo Vinasun giải thích là do: Thứ nhất, giá cước trung bình được dự báo sẽ giảm 8% so với năm 2014 do giá nhiên liệu giảm, nhưng VNS vẫn giữ nguyên tỷ lệ chia doanh thu cho tài xế taxi. Theo Ban lãnh đạo đây là động thái để tưởng thưởng cho các tài xế, vốn đã hỗ trợ Cty trong thời điểm giá nhiên liệu tăng cao. VNS tin rằng điều này sẽ giúp thắt chặt mối quan hệ giữa Cty và tài xế, yếu tố cực kỳ quan trọng cho một sự tăng trưởng bền vững. Thứ hai, khấu hao tính theo % doanh thu được dự kiến tăng 1,13%, khi Cty tiếp tục mở rộng đội xe thêm ít nhất 400 chiếc lên 6.129 xe vào cuối năm 2015. VNS lên kế hoạch mua thêm ít nhất 1.100 xe mới trong khi thanh lý 700 xe cũ. Cty cũng lên kế hoạch tăng tỷ lệ xe 7 chỗ lên 57% trong năm 2015 từ mức 48% cuối năm 2014. Thứ ba, chi phí liên quan đến nhân viên như lương tối thiểu hay bảo hiểm xã hội tăng khoảng 15%.

Và cuối cùng, ứng dụng Vinasun app tiêu tốn khoảng 50 tỷ đồng đầu tư thiết bị, cũng như từ 1,5 - 2 tỷ đồng chi phí vận hành mỗi tháng. Như vậy, để “đối đầu” với những đối thủ mới như Uber, Vinasun sẽ phải tiêu hao không ít “nhiên liệu” và buộc cắt giảm chỉ tiêu lợi nhuận của chính mình.

Lê Mỹ
Nguồn Diễn đàn Doanh nghiệp