10 nhà lãnh đạo doanh nghiệp xuất sắc 2015

Một lãnh đạo doanh nghiệp xuất sắc không chỉ dừng lại ở thành công trong công việc kinh doanh mà còn phải để lại những tác động tích cực đến cộng đồng xã hội.

Điều này thể hiện rõ trong thành tích của 10 nhà lãnh đạo doanh nghiệp xuất sắc được tạp chí Fortune vinh danh năm 2015.

1. Tim Cook - CEO Apple

Năm 2014 là một năm Tim Cook để lại nhiều dấu ấn trong cả sự nghiệp kinh doanh lẫn đời sống riêng. Dưới sự lãnh đạo của Tim Cook, cổ phiếu Apple đạt giá trị cao nhất trong lịch sử của công ty. Tim Cook cũng tiếp tục giới thiệu hàng loạt sản phẩm công nghệ mới như iPhone 6, Apple Watch, dịch vụ Apple Pay.

Vị CEO này cũng mở rộng tầm ảnh hưởng của mình trong hoạt động xã hội khi chính thức công bố giới tính thật của mình. Bằng cách này, Tim Cook cho biết ông kỳ vọng sẽ tạo thêm lực đẩy cho phong trào bảo vệ quyền của người đồng tính trên toàn thế giới.

2. Mary Barra - CEO General Motors

Đảm nhiệm vị trí ghế nóng của General Motors, Mary Barra đã phải tung hứng để có thể điều hòa được nhu cầu của nhà đầu tư, các quản lý, khách hàng, nhân viên lẫn các vụ kiện tụng.

Fortune ví Mary Barra như một "người tù khổ sai" của General Motors. Song, ấn tượng lớn hơn cả về Mary Barra là sự cởi mở và sức mạnh kiên trì phá vỡ bộ máy cũ kỹ của General Motors để thổi luồng gió mới vào văn hóa của nhà sản xuất ô tô hàng đầu thế giới này.

3. Howard Schultz - Chủ tịch, CEO Starbucks

Schultz được biết đến như một CEO luôn đề cập đến những vấn đề mà hầu hết các CEO khác đều không đụng đến, như hôn nhân đồng tính, quyền kiểm soát súng và gần đây nhất là về phân biệt chủng tộc.

Bằng cách nâng giá trị chứng khoán của Starbucks tăng lên 30% trong năm qua, Schultz đã chứng minh rằng kinh doanh và trách nhiệm xã hội không phải là hai khía cạnh loại trừ nhau.

4. Helena Morrissey - CEO Newton Investment Management

Newton Investment Management

Bên cạnh việc điều hành một công ty quản lý 55 tỷ USD ở London, Morrissey còn dẫn dắt chiến dịch "30% Club", kêu gọi hội đồng quản trị của các công ty tại Anh có khoảng 30% sự hiện diện của giám đốc nữ.

Bằng cách thuyết phục các chủ tịch hội đồng quản trị, Morrissey đã gia tăng sự hiện diện của giám đốc nữ trong hội đồng điều hành của 100 công ty lớn nhất London từ 13% năm 2010 lên 24% năm 2014. Năm nay, cô tiếp tục mở rộng phạm vi hoạt động của chiến dịch này sang Mỹ.

5. Elon Musk - Đồng sáng lập kiêm CEO Tesla Motors và SpaceX

Tesla Motors SpaceX

Từ xe hơi điện đến du lịch không gian, Musk đảm nhận lấy những thách thức công nghệ lớn nhất trong thời đại này. Nhưng điều biến Musk từ một nhà đầu tư "điên rồ" sang một lãnh đạo có tầm nhìn chính là khả năng thuyết phục thế giới về tính khả thi của các dự án của mình, ngay cả những dự án nghe có vẻ không tưởng như hệ thống vận chuyển đường ống Hyper-loop.

Công ty sản xuất xe hơi điện của Musk - Tesla Motors đang sản xuất ra những chiếc xe hơi điện hàng đầu thế giới. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều điều Musk phải làm để có thể mở rộng độ phủ của các chiếc xe hơi này trên toàn cầu.

6. Mark Zuckerberg - Sáng lập kiêm CEO Facebook

"Mọi người đều biết Mark Zuckerberg khởi đầu Facebook khi 19 tuổi, nhưng vì khởi đầu ấn tượng như vậy nên mọi người có xu hướng đánh giá thấp vai trò của Mark tại Facebook hiện nay", Peter Thiel - nhà sáng lập PayPal nhận xét.

"Duy trì để công ty tập trung vào phát triển dài hạn trong tương lai, Mark là hình mẫu CEO đối lập với các CEO nhiệm kỳ đang chiếm số đông ở Wall Street. Đây là lý do chính để Mark xứng đáng được công nhận như một nhà lãnh đạo xuất sắc".

7. Jeff Bezos - Sáng lập kiêm CEO Amazon.com

Bezos đã xây dựng một đế chế trị giá 174 tỷ USD bằng cách liên tiếp tung ra các sản phẩm mới từ máy đọc sách điện tử đến dịch vụ xem TV trực tuyến, và mục tiêu sắp tới của Amazon là giao hàng bằng máy bay điều khiển từ xa.

Không phải sản phẩm nào của Bezos cũng đều thành công, như Fire Phone ra mắt vào hè 2014. Song, thành tựu lớn nhất của vị CEO này chính là việc biến thương mại điện tử từ một ý tưởng mơ mộng thành một thực tế đang thay đổi thế giới hiện tại.

8. Lei Jun - Sáng lập kiêm CEO Xiaomi

Xiaomi

Bốn năm sau khi sản xuất chiếc điện thoại thông minh đầu tiên, Xiaomi đạt giá trị 45 tỷ USD. Động lực lớn nhất tạo ra thành công của Xiaomi không phải là những sản phẩm mà chính là nhà sáng lập Lei Jun.

Ngay từ khi bắt đầu, Lei đã đi theo một con đường rất khác - chỉ bán sản phẩm trực tuyến, sáng tạo những phần mềm mới và rao giá mỗi chiếc điện thoại chỉ bằng 1/3 giá của iPhone chính hãng. Chiến lược này đã biến Xiaomi trở thành nhà sản xuất điện thoại thông minh lớn thứ 5 thế giới.

9. Mark Bertolini - CEO Aetna

Aetna

Aetna là công ty quản lý chăm sóc sức khỏe tại Mỹ. Công ty chuyên bán các gói lập kế hoạch bảo hiểm chăm sóc sức khỏe cho khách hàng. Ngày 12/1 vừa qua, CEO đương nhiệm của Aetna - Bertolini đã quyết định tăng lương và nâng cấp chính sách phúc lợi chăm sóc sức khỏe cho tất cả các nhân viên của công ty vào tháng 4 năm nay.

Quyết định này, theo Fortune sẽ cải thiện cuộc sống cho hàng ngàn người. Bertotini cho biết điều này một mặt sẽ giúp công ty cắt giảm được 120 triệu USD mỗi năm chi cho quá trình tuyển dụng và đào tạo nhân viên mới, mặt khác sẽ thúc đẩy sự gắn kết giữa nhân viên và khách hàng.

Chỉ số chứng khoán của công ty đã tăng 22% sau khi quyết định này được đưa ra.

10. Jamie Dimon - Chủ tịch kiêm CEO JPMorgan Chase

JPMorgan Chase

Dimon được nhìn nhận như người đầu tiên có thể vận hành được mô hình ngân hàng lớn. Từ ngày đầu tiên điều hành JPMorgan Chase đến nay, Dimon chưa từng thể hiện sự do dự trong quyết định chiến lược của mình, dù rằng các chuyên gia, các nhà đầu tư, phân tích của Phố Wall luôn thuyết phục ông theo hướng ngược lại.

Đến nay, JPMorgan Chase là ngân hàng quan trọng nhất trên thế giới, theo Fortune. Đây cũng là một trong những viên ngọc của phố Wall.

Lâm Nghi
Nguồn Doanh Nhân Sài Gòn