Kem "ngoại" đổ bộ, "nội" có teo tóp?

Với doanh thu hàng ngàn tỷ đồng/năm và tốc độ tăng trưởng kép khá cao trong khi Việt Nam lại chưa có một DN sản xuất kem đầu ngành, đang bị chia từng phân khúc rõ rệt... khiến thị trường kem Việt trở thành "mảnh đất" béo bở cho các hãng kem "ngoại" đổ bộ và chiếm lĩnh.

Thâm niên hơn 13 năm kinh doanh trong lĩnh vực sản xuất sản phẩm nguyên liệu từ trái cây tươi, song mới đây công ty Orana Việt Nam vừa hoàn tất xây dựng nhà máy trị giá 2 triệu USD sản xuất kem nguyên liệu và các sản phẩm như: mứt, nước ép, si rô... với thương hiệu Osterberg.

Chiến lược kem "ngoại"

Thông tin này khiến thị trường kem lại một lần nữa được hâm nóng, khi vốn dĩ nó cũng đang khá cạnh tranh. Nhất là sau khi đại diện công ty Orana Việt Nam công bố kế hoạch ra mắt cửa hàng bán kem nhằm thử nghiệm, thăm dò nhu cầu thị trường. Nếu thành công, Orana Việt Nam sẽ tiếp tục ra mắt chuỗi cửa hàng do chính công ty phát triển, có thể sẽ được mở rộng nhượng quyền sau đó.

"Với nhà xưởng mới này, ước tính sản lượng của công ty sẽ tăng gấp đôi, khoảng 6.000 tấn/năm. Riêng kem nguyên liệu có sản lượng trong năm 2015 khoảng 60 - 70 tấn. Nhà máy của Orana Việt Nam sẽ là nơi sản xuất kem cung cấp cho chuỗi cửa hàng tại Việt Nam", đại diện của Orana Vietnam cho biết.

Được biết, năm 2013, công ty mẹ (Orana Đan Mạch) đã mở cửa hàng kem ở Copenhagen, Đan mạch. Orana Việt Nam là công ty liên doanh giữa Orana (Đan Mạch) và công ty Phú Công Minh (Việt Nam). Tại Việt Nam, Orana sẽ xây dựng chuỗi cửa hàng kem. Cửa hàng kem Osterberg đầu tiên sẽ được khai trương tại quận 1 (Tp.HCM).

Sự gia nhập thị trường của Orana Việt Nam lại được các chuyên gia trong ngành đánh giá là khá chậm chân, khi trước đó đã có rất nhiều thương hiệu kem ngoại gia nhập thị trường kem Việt, như những cái tên như BUDS, Baskin-Robbins, Snowee, Swensens, Hagen-Dazs, New Zealand, Monte rosa, Fanny, Dairy Queen (DQ)... Và cũng không ngoại lệ, khi theo đó là nhiều tuyên bố về sự bành trướng thị phần của các hãng kem ngoại.

Cụ thể, năm 2007, công ty CPTP Bắc Mỹ đã trở thành đơn vị sở hữu độc quyền thương hiệu BUDS Ice Cream of San Francisco tại Việt Nam, thông qua hình thức nhượng quyền thương hiệu. Nhà hàng đầu tiên được đặt tại Tp.HCM. Thời điểm đó, BUDS là kem Mỹ duy nhất tại Việt Nam được nhập khẩu 100%. Với lợi thế của một công ty quốc tế, BUDS đã nhanh chóng chiếm lĩnh thị trường với 8 chi nhánh, 6 cửa hàng nhượng quyền và 7 kios.

Tiếp đó là Baskin Robbins khi mới vào thị trường kem Việt, đã công bố kế hoạch mở 50 cửa hàng tại các thành phố lớn: Đà Nẵng, Hà Nội, Cần Thơ, Nha Trang, Vũng Tàu... trong vòng 5 năm. Và chỉ sau 3 năm có mặt tại Việt Nam, Baskin Robbins đã có 23 cửa hàng tại Tp.HCM, Cần Thơ, Bà Rịa - Vũng Tàu, Hà Nội, Khánh Hòa.

Baskin Robbins

"Đến thời điểm này, mục tiêu chúng tôi mở 50 cửa hàng là không khó. Chiến lược chọn sản phẩm cũng như định vị khách hàng của chúng tôi tập trung vào giới trẻ, năng động, thích trải nghiệm, có thu nhập cao", ông Nguyễn Thanh Nam, Tổng Giám đốc Công ty Blue Star Food (nhượng quyền kem Baskin Robbins) cho biết.

Ngoài ra, các loại kem nhập từ New Zealand và Hàn Quốc cũng không chịu thua kém. Với những hương vị kem đặc trưng, không giống hương vị của các loại kem trong nước, các sản phẩm ngoại nhập này đã thu hút được một số đối tượng khách hàng dù giá khá cao, khoảng 12.000 đồng/cây và trên 100.000 đồng/hộp.

"Kem nội" cẩn trọng!

Có thể thấy sự "bành trướng" nhanh, rộng của các hãng kem ngoại tại thị trường Việt Nam dù vẫn chưa làm các DN lớn trong nước nao núng, nhưng thật sự đe dọa đến sự phát triển trong thời gian tới.

Mặc dù, theo báo cáo phân tích của Công ty TNHH Chứng khoán Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBS), thị trường kem Việt Nam vẫn còn bị chi phối bởi các thương hiệu trong nước, dù sự hiện diện của các đối thủ nước ngoài đang gia tăng.

Kido

Kem nội liệu có đứng vững trước làm sóng kem ngoại

Cụ thể năm 2013, Kinh Đô vẫn giữ vị trí hàng đầu trong thị trường kem Việt Nam với 2 thương hiệu Celano và Merino, chiếm 29% thị phần. Vinamilk và Thủy Tạ (Hà Nội) giữ vị trí thứ hai và ba.

Song, theo các chuyên gia, trên thực tế, sự có mặt của các hãng kem ngoại tại thị trường Việt Nam cũng đồng nghĩa với việc cạnh tranh nội - ngoại tiếp tục căng thẳng hơn. Nhưng ở thời điểm hiện nay, so với các ngành khác, rõ ràng tỷ lệ tăng trưởng của ngành kem lạnh Việt Nam vẫn còn rất khiêm tốn.

Hiện nay, nói về ngành kem, thị trường Việt Nam chưa có một DN đầu ngành và đang bị chia từng phân khúc rõ rệt. Chẳng hạn, Vinamilk chỉ chuyên sản xuất kem thố có thế mạnh ở phân khúc bán lẻ, nhưng cũng là mảng rất nhỏ trong rất nhiều sản phẩm mà Vinamilk phát triển. Kido với kem que có thế mạnh ở thị trường trung cấp với hơn 30.000 điểm phân phối…

Vậy liệu rằng các DN kem nội địa chiếm thị phần lớn như Vinamilk, Kido, Thủy Tạ... có thay đổi chiến lược, đứng vững trước sự xuất hiện áp đảo của các thương hiệu kem ngoại.

Thy Lê
Nguồn Thời báo kinh doanh