Ẩm thực trực tuyến: Cuộc đua giữa Rocket Internet và VC Corp

Sức nóng từ ẩm thực nước ngoài tại Việt Nam cũng đang lan nhanh sang lĩnh vực ẩm thực trực tuyến khi xuất hiện những thương hiệu lớn mở các trang đặt thức ăn qua mạng.

Tìm sân chơi mới

Bất kể hậu quả của suy thoái kinh tế, sức hấp dẫn của thị trường ẩm thực Việt Nam dường như không hề giảm trong mắt các nhà đầu tư. Hàng loạt thương hiệu mạnh như Burger King, Auntie Annes Pretzel, McDonalds... đã gia nhập thị trường Việt Nam với cách tiếp thị rầm rộ. Tuy nhiên, "cuộc chiến" giành khách hàng giữa các "đại gia ẩm thực" càng trở nên gay gắt.

Chỉ riêng thị trường thức ăn nhanh, nếu như 5 năm trước đây chỉ có các thương hiệu KFC, Jollibee và Lotteria thì hiện tại có đến không dưới 10 thương hiệu, như Burger King, McDonalds, Pizza Hut, Subway, Popeyes, Domino Pizza, Texas Chicken...

Bên cạnh đó, tốc độ phát triển không đồng đều giữa thành thị và nông thôn khiến những nhà kinh doanh phải "đau đầu" khi thị trường những khu vực trung tâm gần như bão hòa.

Trước thách thức này, xu hướng giao hàng tận nơi và thức ăn mang về (take-away) là giải pháp mở rộng thị trường được KFC, Pizza Hut, Burger King, Jollibee... lựa chọn.

Theo trang tin về khởi nghiệp ASEANStartup, tỷ suất lợi nhuận của những mô hình gọi món trực tuyến thành công ở những nước phát triển là từ 30 - 40%.

Loại hình dịch vụ này không chỉ giúp mở lối cho các thương hiệu tiếp cận nhóm khách hàng ở khu vực xa trung tâm với chi phí hợp lý và ít rủi ro, mà còn nhanh chóng đáp ứng nhu cầu về sự tiện lợi, nhanh chóng trong ăn uống của giới trẻ và những người bận rộn.

Đồng hành cùng xu hướng giao thức ăn tận nơi, sự phát triển của cộng đồng khách hàng trực tuyến qua các trang thương mại điện tử cũng mở ra nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp ẩm thực.

Hầu hết những thương hiệu lớn trên thị trường ẩm thực đều có quan hệ đối tác với các trang đặt hàng thức ăn trực tuyến, trong đó phải kể đến những cái tên như foodpanda.vn, eat.vn, chonmon.vn.

Các công ty hàng đầu ở Việt Nam theo mô hình kinh doanh

Ông Nguyễn Gia Thành, Giám đốc Điều hành Burger King Việt Nam, chia sẻ: "Trào lưu thương mại điện tử đã lan rộng trên nhiều lĩnh vực và thị trường ẩm thực cũng không nằm ngoài xu thế đó. Trong tháng 12/2014, chúng tôi đã ký kết quan hệ hợp tác với foodpanda nhằm kết nối với một lượng lớn khách hàng trực tuyến của website này. Những tín hiệu khả quan ban đầu đó cho thấy thị trường đặt hàng thức ăn trực tuyến hứa hẹn đầy tiềm năng phát triển cho các thương hiệu ẩm thực".

Hiện nay, hàng loạt thương hiệu ẩm thực trong nước và quốc tế nổi tiếng như KFC, Jollibee, Thai express, MOF, Pizza Hut, Auntie Annes Pretzel, Subway, Baskin Robins..., thậm chí các nhà hàng quán ăn nhỏ cũng liên kết với các website đặt hàng thức ăn trực tuyến.

Lý giải cho hiện tượng này, ông Tauriq Brown, đồng sáng lập và Giám đốc Điều hành foodpanda Việt Nam, nhận định: "Gia nhập trang web đặt hàng thức ăn trực tuyến là nước đi tất yếu và phù hợp với xu thế thị trường thế giới. Đây cũng là giải pháp mở rộng đối tượng khách hàng, tăng doanh số và đa dạng hoá dịch vụ cho các đối tác. Foodpanda khi bước vào thị trường Việt Nam đã nhanh chóng xây dựng mạng lưới rộng lớn khắp 5 tỉnh-thành, có mặt trên hệ thống ứng dụng điện thoại của Android, iOS và Window Phone".

Thách thức của những "ông trùm" thức ăn trực tuyến

Hai tập đoàn lớn đang thâu tóm thị trường thương mại điện tử Việt Nam hiện nay có thể kể đến Rocket Internet và VC Corp. Đây cũng là hai tập đoàn sở hữu những trang web đặt hàng thức ăn trực tuyến hàng đầu trong nước. Là những "ông trùm", họ gặp không ít khó khăn ở vào thời buổi sơ khai của thị trường.

Khảo sát về thói quen ăn uống của người Việt Nam độc thân được thực hiện bởi công ty nghiên cứu thị trường Q&Me thuộc Asia Plus Inc, 80% người tham gia khảo sát có thói quen nấu ăn tại nhà và 48% thường xuyên ghé các quán ăn vặt lề đường.

Khi các thương hiệu thức ăn nhanh đã thành công trong việc chinh phục thói quen ăn uống của người Việt thì đặt hàng thức ăn trực tuyến đã bước vào một "cuộc chiến" khá gay gắt.

Rocket Internet với những thương hiệu đình đám như trang mua sắm thời trang Zalora, trang bán lẻ trực tuyến Lazada, ứng dụng đặt taxi trực tuyến Easytaxi, và mới đây nhất là trang mua bán xe hơi trực tuyến Carmudi. Hầu hết các thương hiệu của Rocket Internet đang nhận được nguồn vốn đầu tư mạnh mẽ từ các nhà đầu tư trên thế giới.

Trong năm 2014, foodpanda huy động được 60 triệu USD, Lazada nhận được nguồn vốn đầu tư lên đến 200 triệu USD từ các nhà đầu tư. Khi những tập đoàn thương mại điện tử Rakuten (Nhật Bản) và Amazon (Mỹ) vẫn đang dòm ngó thị trường Việt Nam, Rocket Internet đã "làm mưa làm gió” trên thị trường.

Theo số liệu thống kê của Comscore MediaMetrix về top 5 trang thương mại điện tử lớn nhất Việt Nam dựa theo lưu lượng truy cập (2013), Rocket Internet là tập đoàn nước ngoài duy nhất sở hữu trang web nằm trên thống kê này.

Rocket Internet cũng là doanh nghiệp hàng đầu trên thị trường thương mại điện tử B2C trực tiếp (doanh nghiệp đến khách hàng) theo nhận định từ Hội Truyền thông số Việt Nam.

Nếu như Rocket Internet là tên mới nổi trong 2 năm trở lại đây, Tập đoàn VC Corp đã có bề dày kinh nghiệm trên thị trường thương mại điện tử Việt Nam từ rất lâu với những cái tên quen thuộc như muachung, rongbay, enbac, muare...

Mô hình kinh doanh của VC Corp không chỉ gói gọn với các dịch vụ thương mại điện tử mà còn mở rộng ở các mảng kinh doanh về quảng cáo và cơ sở hạ tầng khác như rao vặt, chợ điện tử, diễn đàn C2C (khách hàng-khách hàng), mô hình Groupon, thanh toán và ví điện tử. Mua lại Eat.vn là bước đi đầu tiên VC Corp nhắm đến mảng thương mại điện tử dành cho người nước ngoài.

Lợi thế am hiểu thị trường địa phương, độ phủ dịch vụ tới 90% người dùng internet và 75% người dùng điện thoại di động sẽ giúp VC Corp dễ dàng thâm nhập thị trường và bành trướng thế mạnh.

Tuy nhiên, với thế mạnh của một công ty đa quốc gia cùng bề dày kinh nghiệm trong đặt hàng thức ăn trực tuyến, foodpanda, thuộc tập đoàn Rocket Internet hiện vẫn đang dẫn đầu tại thị trường Việt Nam sau hơn 2 năm hoạt động.

Ông Tauriq Brown, chia sẻ: "Việt Nam là một thị trường hấp dẫn nhưng cũng đầy thách thức. Chúng tôi phải thường xuyên đưa ra nhiều chương trình tiếp thị, truyền thông giúp khách hàng làm quen với dịch vụ. Tất cả mọi nỗ lực nhằm chinh phục thị trường, mang đến sự tiện lợi, dễ dàng và an toàn trong mỗi bữa ăn của người dân Việt Nam".

Vy Minh Quân
Nguồn Doanh Nhân Sài Gòn