Bộ trưởng Công thương phủ nhận Việt Nam mất thị trường bán lẻ

Thị trường bán lẻ của doanh nghiệp Việt Nam vẫn chiếm 97% tổng lượng hàng hóa giao dịch trên thị trường, nước ngoài chỉ có 3%.

Đó là khẳng định của Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng trong chuyên mục Dân hỏi Bộ trưởng trả lời tối 1/2 trước lo ngại sự đổ bộ của một số nhà bán lẻ ngoại vào thị trường Việt Nam có thể kéo theo hệ quả “Siêu thị đi trước, hàng hóa theo sau”.

Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho biết: "Đây là một trong những nội dung chúng ta mở cửa thận trọng, theo lộ trình; và là biện pháp để khuyến khích đầu tư trong nước, tạo cơ hội doanh nghiệp trong nước bán buôn, bán lẻ củng cố thị trường, đưa hàng Việt vào các cơ sở này. Sự xuất hiện của các doanh nghiệp bán lẻ nước ngoài chỉ có một số thương hiệu, khi họ quyết định mở thêm cơ sở bán lẻ, bán buôn phải được sự nhất trí đồng thuận của các cơ quan từ Trung ương đến địa phương".

Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng

Sự trấn an của Bộ trưởng có lẽ khó làm dịu đi nỗi lo thị trường bán lẻ Việt Nam rơi vào tay doanh nghiệp ngoại. Đầu tiên phải kể đến sự có mặt của các ông chủ lớn Thái Lan như Central Group, BJC... Mới đây nhất, Central Group Việt Nam đã tiến hành thương vụ PowerBuy, công ty con chuyên về bán lẻ thuộc tập đoàn này, mua cổ phần Công ty đầu tư phát triển công nghệ và giải pháp mới NKT (NKT) - đơn vị sở hữu Công ty thương mại Nguyễn Kim. Hiện Nguyễn Kim có 21 siêu thị điện máy trên khắp cả nước.

Ngoài ra, Central Group Việt Nam cũng đã phát triển hệ thống trung tâm thương mại Robins ở TP.HCM và Hà Nội. Cửa hàng mang thương hiệu SuperSports, Crocs và New Balance của tập đoàn này cũng đã có mặt ở Việt Nam thông qua hệ thống phân phối của các công ty con thuộc Central Group và nhượng quyền cho các đối tác Việt Nam.

Còn BJC cũng đã nhanh chân đánh chiếm "miếng bánh" bán lẻ Việt Nam. Năm 2012, tập đoàn này đã chi 32 triệu USD mua lại 65% cổ phần tại Thái An - một doanh nghiệp bán lẻ ở miền Bắc. Ít lâu sau đó, đại gia này tiếp tục đổ tiền thực hiện thương vụ đình đám mua lại chuỗi cửa hàng tiện lợi Family Mart và đổi tên thành B'mart với công bố sẽ bán 70% hàng hóa Thái Lan. Tính đến tháng 9/2014 B'smart có khoảng 95 điểm bán hàng trên toàn quốc và BJC dự định mở rộng chuỗi cửa hàng tiện ích này tại Việt Nam thêm 205 cửa hàng trước năm 2018 với chi phí đầu tư 1 tỷ Bath.

Ngoài ra, phải kể đến sự ra đời liên tiếp của hai hệ thống AEON của Nhật Bản trong năm 2014 tại TP.HCM và Bình Dương, các tập đoàn lớn như Casino (Pháp), Lotte (Hàn Quốc)... liên tục mở rộng quy mô bằng việc phát triển hàng loạt chuỗi siêu thị Big C, Lottemart... tại các tỉnh, thành phố.

Bà Đinh Thị Mỹ Loan- Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam từng cho biết, tỉ lệ hàng Việt trong các siêu thị dưới mức 50% thậm chí còn ít hơn. "Đặc biệt, đối với phân khúc khách hàng cao cấp, trong các boutique hàng hiệu, hầu như thiếu vắng thương hiệu Việt. Trong các siêu thị điện máy, liệu hàng Việt vào được bao nhiêu phần trăm?”, bà Loan nói.

Theo phân tích của bà Đinh Thị Mỹ Loan, ngay khái niệm “hàng Việt Nam” cũng chưa được định nghĩa chính xác, bao nhiêu phần trăm bộ phận, chi tiết được sản xuất ở Việt Nam thì được coi là hàng Việt, nhiều doanh nghiệp thuê Trung Quốc sản xuất nhưng gắn mác Việt thì có được coi là hàng Việt hay chỉ cần được sản xuất trên lãnh thổ Việt Nam?

Giải đáp thắc mắc này, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho biết: "trong số hàng được cho là của Việt Nam thì một tỷ lệ rất cao là của nhà đầu tư nước ngoài mang danh là hàng Việt”. Theo bà Lan, ở đây có sự nhầm lẫn rất lớn trong chuyện khuyến khích người Việt dùng hàng Việt trong khi các nhà đầu tư nước ngoài hiện đang là một bộ phận lớn của nền kinh tế Việt Nam nên cũng quy hàng của họ là... hàng Việt.

Ngay chương trình Người Việt dùng hàng Việt cũng định nghĩa hàng Việt là những hàng sản xuất ở Việt Nam, cho nên hiện nay các siêu thị dù nói tiêu thụ một tỷ lệ cao hàng Việt nhưng thực ra DN Việt Nam sản xuất cũng chỉ có mức độ mà thôi, trong khi nhà đầu tư nước ngoài làm ở Việt Nam lại khá lớn. Ngay cả hàng do DN Việt Nam sản xuất thì đầu vào nhập khẩu chiếm 70-80%. Do đó khuyến khích người Việt dùng hàng Việt cũng chỉ phần nào đó mà thôi khi những nguyên liệu, các bộ phận được sản xuất ở nước ngoài", bà phân tích.

Vị chuyên gia kinh tế bày tỏ sự lo ngại trước việc các doanh nghiệp có vốn nước ngoài đang có quá nhiều lợi thế ép doanh nghiệp trong nước ‘chết đứng’ trên sân nhà. Theo bà Lan: “Đây cũng lại là một bằng chứng nữa cho việc các nhà đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực phân phối được ưu tiên lớn cộng với ưu thế sẵn có của họ thì chắc chắn các doanh nghiệp trong nước sẽ càng khó khăn gấp bội”.

An Nhiên
Nguồn Báo Đất Việt