Sức tiêu thụ thực phẩm của Việt Nam sẽ tăng 5,1%/năm

Theo dự báo của Bộ Công Thương từ nay đến năm 2016, sức tiêu thụ thực phẩm của Việt Nam sẽ tăng 5,1%/năm, ước đạt khoảng 29,5 tỷ USD. Mức tiêu thụ thực phẩm bình quân đầu người vào năm 2016 ước đạt khoảng 5,8 triệu đồng.

Mặc dù, Bộ Công Thương đã xếp ngành công nghiệp thực phẩm vào nhóm ngành đang có lợi thế cạnh tranh và có định hướng, chiến lược phát triển trên cơ sở sử dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại, khai thác sử dụng tối đa nguyên liệu trong nước. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cũng chỉ ra những yếu kém của ngành chế biến thực phẩm trong nước hiện nay như khả năng liên kết từ khâu sản xuất, thu gom đến phát triển vùng nguyên liệu và chế biến còn lỏng lẻo. Một số công nghệ sản xuất vẫn còn lạc hậu trong khi việc kiểm soát an toàn thực phẩm còn bất cập… đã làm ảnh hưởng đến chất lượng của sản phẩm.

Theo ông Bùi Trường Thắng - Phó Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nhẹ (Bộ Công Thương), do phải phụ thuộc vào nhiều nguồn nguyên liệu nhập khẩu, chất lượng sản phẩm chưa được kiểm soát và quản lý chặt chẽ. Đơn cử ngành sữa phải nhập khẩu tới 75% nguyên liệu từ nước ngoài, còn dầu ăn phải nhập khẩu 90%... Một số doanh nghiệp nhỏ do địa phương quản lý, thiếu vốn nên đã đầu tư thiết bị lạc hậu, không đồng bộ, sản phẩm chưa đạt tiêu chuẩn như công bố trên bao bì làm ảnh hưởng đến sản phẩm có thương hiệu uy tín. Hầu hết các doanh nghiệp chế biến Việt Nam vẫn đang ở thế yếu về năng lực cạnh tranh do thương hiệu chưa được biết đến nhiều trên thị trường khu vực và thế giới.

Chất lượng sản phẩm tại Việt Nam chưa được kiểm soát và quản lý chặt chẽ

Ông David John Whitehead - Chủ tịch Tập đoàn Austfeed, Phó chủ tịch Phòng Thương mại Úc tại Việt Nam cho biết, ngành chế biến thực phẩm theo mô hình sạch từ nguồn với chuỗi sản xuất - tiêu thụ khép kín đã được áp dụng khá rộng rãi tại Úc, Hoa Kỳ, châu Âu, Thái Lan... và hiệu quả kinh doanh rất khả quan.

Thời gian vừa qua, một số doanh nghiệp trong nước đã đầu tư xây dựng các trang trại chăn nuôi, đầu tư nhà máy chế biến khép kín như Masan mua lại 40% cổ phần của Proconco, đặt nền móng cho Masan Consumer tham gia vào chuỗi sản xuất khép kín thức ăn chăn nuôi, chế biến đến bán lẻ thực phẩm đã qua chế biến; Vissan cũng đầu tư 3.150 tỷ đồng vào cụm công nghiệp chế biến thực phẩm khép kín từ khâu giết mổ, pha lóc thịt đến chế biến cùng các nhà máy phụ trợ (đóng gói bao bì, chế biến gia vị...)...Tuy nhiên nhìn chung, việc doanh nghiệp đầu tư vào chế biến thực phẩm với các công nghệ đạt tiêu chuẩn hiện nay vẫn còn khá khiêm tốn. Các sản phẩm nông, thủy sản chế biến chủ yếu là: lúa gạo, cà phê, chè, hạt điều, hạt tiêu, rau quả, cao su, các sản phẩm thủy sản đông lạnh. Hầu hết các sản phẩm chế biến ở dạng sơ chế, tỷ lệ chế biến sâu (tinh chế) còn rất thấp.

Để tạo điều kiện cho ngành công nghiệp thực phẩm phát triển, các chuyên gia cho rằng, bên cạnh nỗ lực của doanh nghiệp, rất cần Nhà nước hỗ trợ và ban hành các chính sách phát triển theo các mục tiêu trọng điểm, đặc biệt hướng đến sự liên kết trong chuỗi giá trị.

Bá Tú
Nguồn Diễn đàn Doanh nghiệp