Thương hiệu Việt mất dần

Hàng loạt thương vụ mua bán, sáp nhập doanh nghiệp (M&A) đang rộ lên, qua đó nổi bật là làn sóng thâu tóm thương hiệu Việt của các “đại gia” nước ngoài.

Có những thương hiệu dù không quá lâu đời, chưa thật sự lừng danh nhưng đã khá quen thuộc và gắn bó với người tiêu dùng trong nước, thậm chí là niềm tự hào của doanh nhân Việt một thời, giờ đây phải chấp nhận thay tên đổi họ, đổi chủ sở hữu. Có thể bởi đấy là chiến lược kinh doanh, cũng có thể vì không trụ nổi trước cơn bão thương trường.

Từ mua bán đến thâu tóm

“Nóng” nhất là thông tin Highlands Coffee mua 100% cổ phần của Phở 24 rồi bán lại 50% tổng cổ phần đó cho Jollibee (Philippines, kinh doanh chuỗi thực phẩm, thức ăn nhanh, đã có mặt tại Việt Nam nhiều năm nay). Giá mua bán và các chi tiết khác chưa được các bên tiết lộ. Giới đầu tư loan tin giá trị giao dịch giữa Phở 24 và Highlands Coffee là 20 triệu USD và đây là một bước trong lộ trình thâu tóm toàn bộ Highlands Coffee lẫn Phở 24 của Jollibee. Vậy là không chóng thì chầy, Phở 24, một thương hiệu có tiếng của Việt Nam do ông Lý Quý Trung sáng lập, sẽ rơi vào tay nước ngoài.

Cũng đình đám không kém là “cuộc chiến” giành quyền kiểm soát giữa Công ty CP Bánh kẹo Bibica (Bibica) và Tập đoàn Lotte (Hàn Quốc). Đại hội cổ đông của Bibica mới đây đã có sự thay đổi lớn về nội dung, đó là Tập đoàn Lotte, cổ đông lớn, đang nắm giữ hơn 38% cổ phần, tạm gác lại chuyện đổi tên Bibica thành Lotte - Bibica vì cho rằng “chưa đến thời điểm chín muồi”.

Theo tin từ giới đầu tư tài chính, Highlands Coffee mua 100% cổ phần của Phở 24 rồi bán lại 50% tổng cổ phần đó cho Jollibee (Philippines). Ảnh: Hồng Thúy

Thực chất là việc đổi tên đã vấp phải sự phản đối của các cổ đông. Thế nhưng, những người trong cuộc cho biết Lotte đang từng bước thực hiện việc đổi tên và điều này không thể tránh khỏi bởi hiện tại, người của Lotte đang giữ 2/5 ghế trong HĐQT Bibica, kể cả chức chủ tịch HĐQT. Bibica còn là doanh nghiệp (DN) niêm yết nên việc thu gom cổ phiếu rất dễ xảy ra.

Cùng chung hoàn cảnh với Bibica, hiện một thương hiệu lớn trong ngành bia rượu, nước giải khát ở TPHCM cũng đang đứng trước nguy cơ để mất quyền kiểm soát vào tay đối tác ngoại.

Bên cạnh sự tham gia của các tổ chức nước ngoài, một số thương hiệu lớn, có tiếng của Việt Nam cũng phải thực hiện mua bán, sáp nhập với nhau. Cụ thể, Công ty CP Kinh Đô vừa chính thức tuyên bố sẽ sáp nhập Công ty CP Bánh kẹo Vinabico vào Kinh Đô với tỉ lệ hoán đổi là 2,7:1 (nếu Kinh Đô không phát hành thêm cổ phiếu) và 2,2:1 (nếu phát hành thêm cổ phiếu để hoán đổi). Sau khi sát nhập, Vinabico sẽ trở thành công ty TNHH do Kinh Đô sở hữu 100% vốn. Trước đó, Kinh Đô nắm 51% vốn của Vinabico. Lãnh đạo Công ty CP Kinh Đô cho biết sau khi tham gia góp vốn, Kinh Đô đã đưa Vinabico phát triển khá tốt.

Những bước đi chiến lược

Theo các chuyên gia về M&A, trong lĩnh vực này, mục tiêu của bên mua có thể là đầu tư chiến lược hoặc đầu tư tài chính. Đối với động cơ tài chính, việc mua bán đơn thuần là kiếm lợi nhuận và chiến lược mua được gắn kết với việc sẽ bán lại cho một đối tác mục tiêu nào đó với giá cao hơn. Trường hợp Highlands Coffee mua Phở 24 nghiêng về mục tiêu đầu tư tài chính nhiều hơn.

Nhiều khả năng Phở 24 sẽ được Jollibee của Philippines mua lại. Ảnh: Hồng Thúy

Có thể việc bán một lúc 3 chuỗi cà phê và phở sẽ gia tăng giá trị của thương vụ và quy mô mà Jollibee muốn thâm nhập thị trường Việt Nam. Ông Nguyễn Trung Thẳng, Chủ tịch Masso Consulting, nhận định cả Phở 24 và Highlands Coffee đều nhắm đến lợi ích tài chính, nghĩa là kiếm tiền từ việc mua bán để đầu tư kinh doanh hoặc để… nghỉ ngơi. Nếu bên mua là Jollibee dự định sẽ khai thác thương hiệu Phở 24 cho toàn chuỗi bán lẻ của họ ở Philippines và dùng nó khai thác thị trường thế giới thì khi đó, dòng tiền trong tương lai sẽ rất lớn và con số 20 triệu USD được xem là rẻ.

Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động ngày 24-4, ông Trương Phú Chiến, Tổng Giám đốc Bibica, cho rằng ngay từ đầu Lotte tham gia vào Bibica trên tinh thần hợp tác chiến lược, hỗ trợ Bibica trong nhiều lĩnh vực như chuyển giao công nghệ, tiếp thị, nghiên cứu phát triển thị trường, mở rộng và phát triển kinh doanh, xuất khẩu sản phẩm sang Hàn Quốc và các nước. Tuy nhiên, đến nay Bibica chỉ đạt được một phần chứ chưa được kết quả như mong muốn.

Chủ động mà vẫn chông chênh

Thực tế, khi mất dần vai trò kiểm soát trong các liên doanh với nước ngoài, các DN Việt Nam thường mất luôn thương hiệu về tay đối tác. Đầu những năm 2000, kem P/S, Dạ Lan từng gần như mất trắng sau cuộc “phối ngẫu” với DN nước ngoài. Tuy nhiên, theo các chuyên gia tài chính, việc các DN nội hiện nay bị nước ngoài thâu tóm hoàn toàn khác với trước đây.

DN Việt Nam (bên bán) thường bị giới hạn về các nguồn lực, có thể giỏi về xây dựng thương hiệu nhưng chưa biết cách giữ và phát triển thương hiệu.

Nếu trước đây các DN chưa hiểu hết giá trị của mình, chỉ định giá DN thông qua tài sản hữu hình mà chấp nhận bán thương hiệu thì nay, các DN hoàn toàn chủ động khi làm ăn với nước ngoài. Chẳng hạn, Bibica chấp nhận rủi ro mất quyền kiểm soát khi quyết định bán lượng lớn cổ phần cho Lotte.

Theo ông Lê Thế Bình, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Tư vấn Capital Partners Vietnam (CPVN) thuộc Công ty Capital Partners Securities (Nhật Bản), thường thì các DN trong nước rất sợ thâu tóm khi bán cổ phần cho đối tác nước ngoài, mặt khác, vẫn muốn có sự tham gia của tổ chức nước ngoài bởi điều này thừa nhận DN của họ hoạt động tốt, có tiềm năng.

Đa số DN chỉ quan tâm đến nguồn vốn của đối tác có mạnh không, khi nào họ rót tiền về nếu hợp tác mà chưa quan tâm nhiều đến những yếu tố có lợi khác như hấp thu công nghệ, học tập cách làm việc, cách giữ uy tín, văn hóa DN… Vì thế, rất khó phát huy được hết lợi ích của M&A.

Ông Nguyễn Trung Thẳng cho rằng DN Việt Nam (bên bán) thường bị giới hạn về các nguồn lực, có thể giỏi về xây dựng thương hiệu nhưng chưa biết cách giữ và phát triển thương hiệu, nhận thức về sở hữu và điều hành còn thấp cộng với tình hình kinh tế đang trong khó khăn, dự cảm bi quan về tương lai… nên quyết định bán trọn vẹn hoặc một phần.

Mua bán, sáp nhập là quy luật tất yếu của các thị trường mới nổi, những nước trong khu vực như Thái Lan, Singapore… cũng từng trải qua giai đoạn tương tự như Việt Nam hiện nay. Trong bối cảnh kinh tế mở cửa, sản xuất kinh doanh đình trệ, các DN Việt Nam rất khó bảo vệ thương hiệu. Vì vậy, DN rất cần sự định hướng, dẫn dắt của các hiệp hội, bộ - ngành và Chính phủ.

Vụ “đòi bán 2 thương hiệu cà phê cho nước ngoài”: Xem xét cho HTX Minh An vay vốn

Ngày 24-4, UBND tỉnh Đắk Nông đã có công văn chỉ đạo các cơ quan chức năng trong tỉnh đánh giá, xem xét đề nghị hỗ trợ vay vốn của HTX Minh An (xã Đức Minh, huyện Đắk Mil), báo cáo UBND tỉnh trước ngày 30-4.

Như Báo Người Lao Động đã thông tin, đầu tháng 3-2012, HTX Minh An đã có văn bản gửi các cơ quan chức năng tỉnh Đắk Nông đề nghị cho HTX vay 5 tỉ đồng để khắc phục khó khăn, nếu không sẽ bán 2 thương hiệu cà phê “Coffee Đức Lập Minh An” và “Coffee Đức Lập Dakmil” cho một DN Trung Quốc. HTX này nợ ngân hàng và người trồng cà phê 18 tỉ đồng.

DN Trung Quốc đề nghị mua 2 thương hiệu cà phê nói trên của HTX Minh An cũng với giá 18 tỉ đồng. Đáng nói, đây là DN từng ăn cắp thương hiệu cà phê Buôn Ma Thuột để đăng ký bảo hộ tại Trung Quốc.

C.Nguyên

Thanh Nhân - Sơn Nhung / Tuổi Trẻ
Nguồn Dùng hàng Việt