Sôi động cuộc chạy đua của...ngành thực phẩm và đồ uống

Ngành thực phẩm được đánh giá là “con gà đẻ trứng vàng” và sẽ tiếp tục tăng trưởng trong những năm tới. Đó là lý do các doanh nghiệp đua nhau đầu tư vào ngành này.

Đứng trước cơ hội lớn đang mở ra khi Hiệp định đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) sắp đón chào Việt Nam là thành viên mới, các doanh nghiệp trong ngành thực phẩm và đồ uống (F&B) Việt Nam đang tăng cường đầu tư nhằm đa dạng hóa sản phẩm và phát triển kinh doanh.

Tăng tốc đầu tư

Sau thương vụ chuyển nhượng cổ phần mảng bánh kẹo cho Mondelez International với giá trị khoảng 370 triệu USD (tương đương 7.846 tỷ đồng), Tập đoàn Kinh Đô đã có lượng tiền mặt tăng từ 3.213 lên 9.753 tỷ đồng và công bố đầu tư vào ngành thực phẩm.

Các doanh nghiệp ngành thực phẩm và đồ uống Việt Nam đang tăng cường đầu tư đa dạng hóa sản phẩm và phát triển kinh doanh

Theo kế hoạch, Kinh Đô sẽ dành ra 700 tỷ đồng đầu tư vào Vocarimex (sản xuất dầu ăn), 325 tỷ đồng để xây dựng thương hiệu và cơ sở hạ tầng cho mỳ gói, 250 tỷ đồng xây dựng thương hiệu cà phê và 300 tỷ đồng phát triển sản phẩm kem lạnh thương hiệu Kido. Phần vốn còn lại khoảng 8.411 tỷ đồng sẽ được dùng để theo đuổi các kế hoạch M&A khác trong ngành F&B.

Theo báo cáo của Euromonitor, thị trường dầu ăn và mỳ gói Việt Nam có quy mô xấp xỉ trên dưới 1 tỷ USD/năm cho mỗi lĩnh vực. Trong ngành hàng tiêu dùng nhanh (FMCG), mỳ gói là bước đệm thích hợp để doanh nghiệp tiến sâu hơn vào lĩnh vực thực phẩm thiết yếu.

Khác với Kinh Đô, để có thêm nguồn vốn đầu tư cho lĩnh vực cốt lõi là sữa trong bối cảnh đang ở thế thua toàn diện trước hai đối thủ Vinamilk và TH true MILK, Công ty cổ phần Sữa Quốc tế (IDP) buộc phải gật đầu chấp nhận trở thành cổ đông nhỏ để nhận khoản vốn đầu tư khoảng 45 triệu USD từ quỹ VOF (thuộc VinaCapital) và Daiwa PI Partners. Cả hai đối tác này hiện nắm giữ 70% cổ phần của IDP.

Sau khi thương vụ hoàn tất, IDP tăng vốn lên 460 tỷ đồng và dùng số tiền này mua sắm máy móc thiết bị, mở rộng hai nhà máy tại huyện Ba Vì (Hà Nội) và huyện Củ Chi (TP. HCM). Chưa rõ IDP có đổi đời sau “cuộc bán mình” không, nhưng rõ ràng với tiềm lực tài chính hạn chế và lề lối quản trị kiểu gia đình trị của ông chủ Nguyễn Tuấn Khải, họ không có lựa chọn nào khác ngoài việc bán đa số cổ phần cho nước ngoài.

Một xu hướng mới trong ngành F&B là những doanh nghiệp tư nhân đã mạnh dạn đầu tư lớn để cạnh tranh. Chẳng hạn, Công ty TNHH Ba Huân rót 60 tỷ đồng vào Nhà máy chế biến thực phẩm Ba Huân trên khu đất rộng 7 ha tại TP. HCM, gồm khu giết mổ gia cầm có công suất từ 1.500 đến 2.500 con/giờ và khu chế biến thực phẩm công suất 5-10 tấn/ngày.

Theo Giám đốc Phạm Thị Huân, các sản phẩm chính của nhà máy là thịt gia cầm chế biến, gồm thịt gà tươi, lạp xường gà, xúc xích gà, chà bông gà, trứng gà, trứng cút, trứng vịt luộc, bột trứng, bánh flan và một số sản phẩm ăn nhanh từ thịt gà. Ngoài nhà máy mới ở Long An, hiện Công ty Ba Huân còn có nhà máy xử lý trứng gia cầm tại huyện Bình Chánh, TP. HCM với hai giàn máy có tổng công suất xử lý 180.000 trứng/giờ và trang trại chăn nuôi tại huyện Tân Uyên, tỉnh Bình Dương với quy mô 18 ha, vốn đầu tư 320 tỷ đồng.

“Nương sức” lẫn nhau

Theo Bộ Công Thương, ước tính lượng tiêu thụ thực phẩm hàng năm đang chiếm khoảng 15% GDP và nhu cầu này tiếp tục tăng. Ngành thực phẩm được xem là có nhiều cơ hội tăng trưởng tốt, nên nhiều doanh nghiệp như Masan Consumer (thuộc sở hữu của Masan Group) cũng đã chào mua công khai 49% cổ phần Cholimex Foods, với thời gian thực hiện trong vòng một tháng từ 29/11 đến 29/12/2014.

Cholimex Foods được đánh giá là có thế mạnh tại cả thị trường nội địa lẫn xuất khẩu (chả giò, chạo tôm, há cảo, tôm tẩm bột, lẩu hải sản…), nên sẽ là công cụ tốt để Masan gia tăng sức mạnh của mình.

Trong khi các doanh nghiệp nội địa chọn hướng liên kết, mở rộng đầu tư trong nước thì Nova Group đi theo chiến lược đầu tư ra nước ngoài, thông qua việc đầu tư trên 50 triệu USD để hợp tác với Tập đoàn Kerry, độc quyền phát triển sữa bột công thức dinh dưỡng cho trẻ em Việt Nam.

Nova Group chọn lối tắt để bước chân vào ngành sữa thông qua việc bắt tay với Kerry. Ông Nguyễn Hiếu Liêm, Phó chủ tịch Nova Group cho biết, việc chuyển hướng từ bất động sản sang sản xuất sữa là sự tiếp tục và kế thừa lĩnh vực lâu nay công ty ông nhắm tới.

“Chúng tôi chấp nhận cạnh tranh và tự tin về sản phẩm sữa của công ty nhờ hai yếu tố, giá sẽ giảm 20% so với sản phẩm cùng loại và chất lượng ở mức tốt nhất theo tiêu chuẩn quốc tế” - ông Liêm khẳng định.

Theo các chuyên gia, cơ hội lớn dành cho doanh nghiệp Việt Nam đang mở ra, khi Hiệp định đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) sắp được ký kết. Có 12 nước tham gia đàm phán vào TPP, với quy mô dân số lên tới 800 triệu dân, chiếm 40% GDP toàn cầu. Theo dự báo của Bộ Công Thương, từ nay đến năm 2016, sức tiêu thụ thực phẩm của Việt Nam sẽ tăng 5,1%/năm, ước đạt khoảng 29,5 tỷ USD. Như vậy, các doanh nghiệp trong ngành thực phẩm và đồ uống của Việt Nam sẽ còn nhiều cơ hội lớn để phát triển. Đây là một xu thế tất yếu, hứa hẹn sẽ còn nhiều thay đổi thú vị trong năm 2015. Chúng ta hãy chờ xem!

Lữ Nhi
Nguồn Diễn đàn Doanh nghiệp