Masan Group và chiến lược dùng người

Bốn năm đã trôi qua kể từ khi ông Madhur Maini đảm đương cương vị tổng giám đốc của Tập đoàn Masan. Trong thời gian đó, công ty này đã có những bước phát triển ngoạn mục.

Những bước đi chiến lược


Từ khi cổ phiếu MSN của Tập đoàn Masan lên sàn giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE) đến nay, thị giá của cổ phiếu này không tăng đột biến nhưng được nhà đầu tư và chuyên gia chứng khoán đánh giá tốt. Chào sàn giá 43.200 đ/cổ phiếu, đến nay qua bao thăng trầm của thị trường, giá MSN đã lên đến 115.000 đ/cổ phiếu. Như vậy, qua hơn 2 năm, thị giá MSN tăng 2,6 lần so với tháng 11/2009. Phải nói rằng, Masan Group có nhiều lợi thế trên thị trường, nên được nhiều nhà đầu tư quan tâm. Là một tập đoàn đa ngành, Masan sở hữu nhiều thương hiệu đầu ngành như: nước tương Chinsu, mì Omachi, mì ăn liền Tiến Vua. Một đơn vị thành viên khác nổi tiếng không kém của Masan Group là Ngân hàng Techcombank có tốc độ tăng trưởng tài sản và lợi nhuận ấn tượng trong 3 năm qua, trung bình tăng tương ứng là 12% và 36% /năm. Đây là ngân hàng có giá trị tài sản lớn thứ 6 trong các ngân hàng thương mại cổ phần sau Ngân hàng Công thương, Vietcombank, Ngân hàng Á Châu, Sacombank và Ngân hàng Sài Gòn sau hợp nhất.

Đánh giá về hiệu quả điều hành của ông Madhur Maini, Tổng Giám đốc của Tập đoàn Masan, người ta không chú ý lắm về khả năng đem lại các khoản lợi nhuận từ 2 đơn vị trực thuộc là Công ty cổ phần Hàng tiêu dùng Masan và Techcombank vì ở đó có các CEO giỏi điều hành. Điều mà các chuyên gia trong ngành tài chính nể phục ông Madhur Maini là khả năng kêu gọi các tổ chức nước ngoài đầu tư vào các công ty con của Masan, tài thực hiện các thương vụ M&A các doanh nghiệp cũng như phát hành trái phiếu, phát hành cổ phiếu riêng lẻ. Hồi đầu năm 2011, Công ty quản lý quỹ Mout Kellet (USA) đã đầu tư khoảng 2.100 tỷ đồng để có được 20% cổ phần của Công ty Tài nguyên Masan (đơn vị sở hữu mỏ Núi Pháo). Núi Pháo là một mỏ đa kim loại với trữ lượng đã được ước đoán có cơ sở là 55,4 triệu tấn, khai thác có thể kéo dài 16 năm. Toàn bộ nguồn tài chính đầu tư dự án Núi Pháo khoảng 9.240 tỷ đồng, trong đó khoảng 3.255 tỷ đồng đã được giải ngân. Đầu năm 2013, dự án này đi vào hoạt động, dự kiến doanh thu hơn 6.300 tỷ đồng/năm. Cuối năm 2011, Công ty cổ phần Hàng tiêu dùng Masan hoàn tất việc mua 13,32 triệu cổ phiếu VCF của Vinacafe Biên Hòa, tương đương 50,11% vốn điều lệ của Vinacafe Biên Hòa. Số cổ phiếu trên được mua lại theo hình thức chào mua công khai với giá 80.000 đ/cổ phiếu, thấp hơn giá thị trường của VCF lúc đó dao động trong khoảng từ 90.000 -100.000 đ/cổ phiếu.

Một thành công nữa của Masan Group dưới thời ông Madhur Maini là việc quỹ đầu tư hàng đầu thế giới Kohlberg Kravis Roberts (KKR) bỏ ra 159 triệu USD để mua 10% vốn chủ sở hữu trong Công ty cổ phần Hàng tiêu dùng Masan. Vụ giao dịch này được báo chí nước ngoài cho là thương vụ góp vốn tư nhân lớn nhất tại Việt Nam từ trước đến nay.

Nguồn nhân lực hùng hậu

Theo dõi Masan Group trong nhiều năm, chị Hoàng Hương Giang, chuyên viên của Viet Capital Securities, cho biết, tình hình kinh doanh năm nay của Masan Group có nhiều khả năng sẽ tốt hơn năm 2011. Dự kiến doanh số sẽ đạt 11.000 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế là 3.500 tỷ đồng. Có được kết quả trên là do đội ngủ quản lý tài năng từ công ty mẹ đến công ty con. Họ quản trị rủi ro một cách chặt chẽ trong bối cảnh thị trường đang gặp khó khăn như hiện nay.

Một điểm khiến cho nhà đầu tư an tâm là mặt hàng sản xuất của Masan thuộc hàng thiết yếu, giá trị thấp, dù cho tình hình lạm phát cao, người tiêu dùng vẫn phải mua. Một ưu thế khác của Masan là có một hệ thống phân phối rộng lớn, đứng hàng thứ hai tại Việt Nam sau Công ty Sữa Việt Nam (Vinamilk). Còn về mảng marketing hàng tiêu dùng thì Masan Group được đánh giá là luôn có những "phép" biến hóa.

Anh Lê Hồng Trường, thành viên Quỹ VP Capital cho biết, mặc dù không làm việc chung với ông Madhur Maini, nhưng giới đầu tư đều biết, kể từ khi ông Madhur Maini tham gia tập đoàn này, Masan liên tục gọi được vốn từ những quỹ đầu tư lớn như BankInvest, TPG, IFC… Sau khi Massan mua lại cổ phần của Dragon Capital trong dự án Núi Pháo hồi tháng 10/2010, Madhur Maini đã tuyển dụng ngay một đội ngũ quản trị nước ngoài về điều hành công ty khai khoáng. Tiếp đó, Ngân hàng Goldman Sachs cho Masan vay 30 triệu USD vốn có thể chuyển đổi thành trái phiếu. Sự kiện này giúp Massan có thể gây quỹ tiếp theo từ những tổ chức tài chính lớn khác dễ dàng hơn.

Ðiều mà các chuyên gia tài chính nể phục ông Madhur Maini là khả năng kêu gọi các tổ chức nước ngoài đầu tư vào các công ty con của Masan.

Anh Trường nhận định, việc dùng các nhân sự nước ngoài thực hiện các báo cáo tài chính tiêu chuẩn quốc tế đã giúp thu hút các tổ chức tài chính nước ngoài đầu tư vào các công ty con của Masan. Cụ thể như quỹ đầu tư KKR của Mỹ đầu tư vào Masan không chỉ hỗ trợ cho công ty nguồn tiền mặt để củng cố các hoạt động hiện tại mà còn tạo nguồn lực cho Masan thực hiện các thương vụ M&A trong những phân khúc thị trường còn bỏ ngỏ.

Tóm lại, trong hai năm qua Masan Group đã huy động được tổng cộng 500 triệu USD vốn đầu tư tư nhân. Đây chính là những yếu tố cơ bản để Masan Group có được những bước đi mạnh mẽ trên thị trường.

Khó có thể nói những nguồn lực nào đóng vai trò chính để giúp Masan có được những thành công hiện tại. Nhưng rõ ràng chính sách sử dụng người của Masan Group đã phát huy hiệu quả trông thấy. Tìm đúng người, giao đúng việc, tạo một cơ chế làm việc rạch ròi, môi trường làm việc chuyên nghiệp… là điều mà nhiều doanh nghiệp mơ ước. Thuê CEO ngoại hay thuê nhân lực chủ chốt, tất cả đều xuất phát từ chiến lược của doanh nghiệp. Có chiến lược tốt chưa đủ, phải có người thực thi chiến lược, tức người giỏi đủ sức tạo ra đội hình mạnh làm sức bật cho doanh nghiệp. Bài toán nguồn nhân lực sẽ không có đáp án chung cho tất cả doanh nghiệp. Theo các nhà tư vấn chiến lược, nó phải xuất phát từ chính nội lực của doanh nghiệp. Thành bại của doanh nghiệp chính là do nguồn nhân lực của mỗi doanh nghiệp tạo nên, trong đó có vai trò không nhỏ của CEO.

Nguồn Tin mới