Unilever vững tiến trên con đường phát triển bền vững

Ông Doug Baillie, Chủ tịch phụ trách nhân sự của Unilever toàn cầu.

Nhân chuyến thăm Việt Nam trong tháng 9, ông Doug Baillie, Chủ tịch phụ trách nhân sự của Unilever toàn cầu, đã trao đổi với NCĐT về chủ đề này.

Ông vui lòng chia sẻ về Kế hoạch Phát triển Bền vững (USLP)?

Kế hoạch Phát triển Bền vững là mô hình kinh doanh mới mà Tập đoàn Unilever đang hướng tới

Kế hoạch USLP được Unilever công bố cuối năm 2010 hướng tới 3 mục tiêu chính trên toàn cầu, trong 10 năm, giai đoạn 2010-2020. Đó là phát triển tập đoàn lớn mạnh gấp đôi, đồng thời giảm 50% tác động đối với môi trường; sử dụng 100% nguyên liệu nông sản thô từ nguồn nguyên liệu bền vững, giúp hơn 1 tỉ người tăng cường vệ sinh, sức khỏe và cải thiện cuộc sống.

Như lời giải thích của ông Paul Polman, Chủ tịch Unilever Toàn cầu, khi công bố USLP, chúng tôi đã đề ra một kế hoạch đầy tham vọng nhằm phát triển Công ty. Nhưng tất nhiên, phát triển bằng mọi giá sẽ không thể giúp chúng tôi tồn tại lâu dài, USLP là phương thức kinh doanh giúp chúng tôi tăng trưởng mạnh mà không làm cạn kiệt nguồn tài nguyên thiên nhiên trên thế giới.

USLP đã được triển khai tại Việt Nam như thế nào?

Tại Việt Nam, chúng tôi đề ra mục tiêu nâng cao chất lượng cuộc sống cho hơn 20 triệu người dân thông qua các chương trình như “P/S Bảo vệ Nụ cười Việt Nam”; “Rửa tay với xà phòng vì một Việt Nam khỏe mạnh” để cải thiện điều kiện vệ sinh và sức khỏe cộng đồng qua việc truyền thông, nâng cao ý thức rửa tay với xà phòng của người dân; xây dựng nhà vệ sinh đạt chuẩn cho các trường học; giáo dục phụ nữ về vệ sinh, sức khỏe và dinh dưỡng; và tăng cường phát triển thể chất cho trẻ em...

Chúng tôi hướng tới mục tiêu giảm một nửa tác động đối với môi trường do các hoạt động kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm thông qua các cam kết, đầu tư cải tiến sản phẩm, quy trình sản xuất, công nghệ, đặc biệt trong việc tiết kiệm nước và giảm thiểu chất thải. Unilever cũng đặt mục tiêu vừa phát triển kinh doanh, vừa cải thiện cuộc sống của hàng triệu người dân Việt Nam bằng dự án phát triển chè bền vững và chương trình tài chính vi mô với mục đích tạo công ăn việc làm, nâng cao thu nhập cho phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn.

ULSP đã mang lại những kết quả cụ thể gì tại Việt Nam?

Chúng tôi đạt được những kết quả ban đầu rất khả quan. Điển hình tại Việt Nam là nhãn hàng “Comfort một lần xả” giúp giảm lượng nước tiêu thụ trong quá trình xả sạch quần áo chỉ với 1 xô nước thay vì 3 như trước. Đây là một lợi ích giúp người tiêu dùng tiết kiệm được thời gian và sức lực khi giặt giũ, đồng thời mang lại lợi ích cho môi trường khi tiết kiệm nước. Hơn 10 triệu hộ gia đình Việt Nam đã được hưởng lợi từ cải tiến này.

Bên cạnh đó, các sản phẩm của chúng tôi còn giúp nâng cao vệ sinh môi trường, vệ sinh cá nhân, qua đó giúp cải thiện điều kiện sức khỏe và cuộc sống cho người dân Việt Nam. Cụ thể, xà phòng Lifebuoy giúp ngăn ngừa dịch bệnh với chương trình rửa tay với xà phòng; P/S giúp cải thiện sức khỏe răng miệng thông qua các chương trình giáo dục chăm sóc răng miệng; VIM giải quyết các vấn đề vệ sinh bằng chương trình nhà vệ sinh sạch khuẩn và nâng cao ý thức giữ vệ sinh cho trẻ. Unilever cũng tăng gấp 3 sản lượng chè thu mua tại Việt Nam trong vòng 1 năm qua trong khuôn khổ dự án hợp tác công tư với Chính phủ Việt Nam về Phát triển Chè Bền vững.

Trong quá trình triển khai tại Việt Nam, liệu có mâu thuẫn nào giữa tăng trưởng và phát triển bền vững?

Tôi muốn khẳng định rằng, phía trước còn rất nhiều việc phải làm. Nhưng doanh nghiệp không có lựa chọn nào khác. Phát triển bền vững và hợp lý là mô hình duy nhất được chấp nhận, đồng thời cũng rất hiệu quả. Chúng tôi không thấy bất kỳ sự mâu thuẫn nào giữa mục tiêu tăng trưởng và phát triển bền vững. Trong thực tế, với kinh nghiệm của chúng tôi, đảm bảo được mục tiêu phát triển bền vững thậm chí còn tiết giảm chi phí, thúc đẩy tăng trưởng trong hoạt động kinh doanh. Đó là lý do Unilever luôn đặt mục tiêu sống bền vững là trọng tâm trong mọi hoạt động của mình.

Vậy theo ông, những yếu tố quyết định thành công đối với USLP là gì?

Tại Unilever, chúng tôi lồng ghép các mục tiêu của USLP vào hoạt động hằng ngày của toàn bộ quá trình kinh doanh. Để đạt được các mục tiêu đã đề ra, Unilever cần phải hợp tác với khách hàng, nhà cung cấp, cơ quan Chính phủ và tổ chức phi Chính phủ. Trên toàn cầu, chúng tôi đã hợp tác với 5 tổ chức hàng đầu thế giới gồm Unicef, PSI, Oxfam, Save The Children và World Food Program nhằm cải thiện vệ sinh và sức khỏe cho 1 tỉ người.

Ở Việt Nam, chúng tôi đã xây dựng quan hệ chặt chẽ với Bộ Y tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn nhằm cải thiện vệ sinh, sức khỏe và chất lượng cuộc sống cho hàng triệu người dân địa phương, đồng thời phát triển chè bền vững.

"Ở Unilever, chúng tôi say mê thực hiện triết lý “lãnh đạo phát triển lãnh đạo” nhằm tạo ra các nhà lãnh đạo kế cận ngay từ bây giờ."

Ông kỳ vọng gì cho kết quả của USLP trong tương lai?

Mô hình phát triển kinh doanh bền vững đang truyền cảm hứng và khuyến khích nhân viên toàn Công ty sáng tạo, phát triển thị trường, tiết giảm chi phí để tăng trưởng bền vững. Unilever tin rằng trong tương lai, đây sẽ là mô hình kinh doanh duy nhất được chấp nhận do đáp ứng được mong muốn của hàng triệu người tiêu dùng trên toàn cầu, đồng thời cũng giải quyết được những thách thức của thế kỷ XXI.

Ông đã làm việc cho Unilever hơn 30 năm. Vậy Unilever cuốn hút ông nhất ở điểm nào?

Ở Unilever, chúng tôi say mê thực hiện triết lý “lãnh đạo phát triển lãnh đạo” nhằm tạo ra các nhà lãnh đạo kế cận ngay từ bây giờ. Phát triển năng lực lãnh đạo cũng là kỹ năng cốt yếu trong 10 năm tới để đóng góp vào mục tiêu phát triển bền vững, vấn đề mà chúng tôi đánh giá là thật sự quan trọng đối với một doanh nghiệp hoạt động có định hướng như Unilever.

Nguồn Nhịp cầu Đầu tư