MoMo và giấc mơ thanh toán di động

Momo, sản phẩm ví điện tử có mặt tại 30 tỉnh thành với hơn 4.000 điểm giao dịch, đang tạo ra hệ sinh thái cho riêng mình như thế nào?

Dịch vụ chuyển tiền và thanh toán chưa bao giờ trở nên thuận tiện và dễ dàng như bây giờ nhờ những sản phẩm trực tuyến của các ngân hàng như Internet Banking hay Mobile Banking. Nhưng đối với những người không có tài khoản ngân hàng và ở những khu vực nông thôn thì sao? Ở những nơi mà ngân hàng chưa nhắm tới (hoặc chưa tới được), đó chính là thị trường của Công ty Cổ phần Di động Trực tuyến (M_Service) với sản phẩm MoMo.

Nói rõ hơn, mô hình của MoMo hoạt động như cánh tay nối dài của ngân hàng. Thay vì các chi nhánh ngân hàng truyền thống, ở đây chính là các điểm giao dịch viễn thông được trang bị thiết bị di động có cài phần mềm ứng dụng MoMo. Đối với khách hàng có tài khoản ngân hàng, MoMo cung cấp các dịch vụ giá trị gia tăng như mua vé xem phim, ca nhạc, mã thẻ diệt virus…

Momo, sản phẩm ví điện tử có mặt tại 30 tỉnh thành với hơn 4.000 điểm giao dịch.

Cuộc chuyển mình của MoMo

Sự bùng nổ của kỷ nguyên di động ở Việt nam vào đầu thập niên 2000 đã làm gia tăng nhanh chóng số lượng thuê bao điện thoại và đi kèm theo đó là các bên thứ ba cung cấp dịch vụ giá trị gia tăng cho nhà mạng. M-Sevice cũng nằm trong số đó khi doanh thu chủ yếu đến từ dịch vụ nạp tiền cho các hãng viễn thông dựa trên SIM đa năng.

Năm 2010, MoMo (viết tắt của Mobile Money) chính thức ra đời qua sự hợp tác giữa M_Service và Vinaphone. Ứng dụng của MoMo khi đó được cài đặt trên thẻ SIM của Vinaphone.

Giai đoạn trước năm 2013, không chỉ MoMo mà cả các dịch vụ ví điện tử khác cũng cung cấp dịch vụ chuyển tiền giữa các ví, thanh toán hóa đơn và thanh toán thương mại điện tử. Nhưng thời điểm đó, loại hình ví điện tử này mới chỉ được cấp phép triển khai thí điểm và chưa có thành tựu đáng kể.

Đó là vì ví điện tử chưa thực hiện được 2 mục đích quan trọng: cung cấp dịch vụ thanh toán cho những người không có tài khoản ngân hàng (phối hợp với ngân hàng) và hỗ trợ thanh toán thương mại điện tử cho những khách hàng đã có tài khoản ngân hàng, theo ông Nguyễn Bá Diệp (hình bên) , Phó Chủ tịch Điều hành Công ty M_Service.

Hiện nay, triển vọng của MoMo đã sáng sủa hơn nhiều khi Ngân hàng Nhà nước đã cho phép MoMo phối hợp với ngân hàng để triển khai dịch vụ chuyển tiền và thanh toán tại các quầy giao dịch. Đồng thời, xu hướng thanh toán trực tuyến bắt đầu phổ biến với nhiều hãng tham gia thị trường bán lẻ trên nền thương mại điện tử. Từ công nghệ SIM cố định trên điện thoại, MoMo tiến đến công nghệ “thời thượng” hơn là ứng dụng dành cho di động trên nền tảng Android, iOS và sắp tới là Windows Mobile để hỗ trợ thêm dịch vụ cho khách hàng đã có tài khoản ngân hàng.

Sự thay đổi này nhấn mạnh bước chuyển mình quan trọng của MoMo khi định vị mình là cánh tay nối dài của ngân hàng. Với hệ thống hơn 4.000 điểm giao dịch trên toàn quốc, MoMo còn là một đối tác thu hộ lớn cho các đơn vị cung cấp dịch vụ như điện, nước, bảo hiểm, viễn thông…

Vậy tại sao MoMo lại chuyển mình theo hướng này? Theo ông Diệp, sự chuyển mình của ví điện tử phụ thuộc vào thế mạnh của từng công ty. “Về mặt nguyên tắc, dịch vụ hỗ trợ thanh toán là như nhau, nhưng mỗi người lựa chọn phương thức thực hiện khác nhau”, ông nói.

Ở MoMo, các nhà điều hành, vốn xuất thân từ viễn thông, quyết định thực hiện ý tưởng đã ấp ủ từ lâu nhưng đến nay mới có cơ sở pháp lý để thực hiện. Đó là phối hợp với ngân hàng, biến các điểm bán hàng của nhà mạng phục vụ cho dịch vụ viễn thông trở thành điểm giao dịch cung cấp các dịch vụ tài chính, thanh toán dựa trên mối quan hệ lâu năm với các đại lý kinh doanh trong ngành viễn thông.

Thành công của mô hình M-Pesa

Trên thế giới, mô hình cung cấp dịch vụ tài chính tại các điểm giao dịch của mạng di động phối hợp giữa ngân hàng và công ty viễn thông là rất phổ biến. Và khi nhắc đến mô hình chuyển tiền di động, nhiều người sẽ nghĩ ngay đến bài học thành công của M-Pesa ở Kenya. Tuy vậy, ý tưởng về mô hình này lại bắt nguồn từ mô hình GCASH ở Philippines, sau đó lan rộng ra khắp thế giới.

Hai mô hình này giống nhau ở chỗ đều bắt nguồn từ sự hợp tác giữa ngân hàng và công ty viễn thông, nhằm cung cấp dịch vụ cho những khách hàng gặp khó khăn khi tiếp cận các dịch vụ tài chính của ngân hàng.

Đó là lý do các mô hình này đặc biệt thành công ở những quốc gia đang phát triển ở châu Phi, Đông Nam Á hay các nước Nam Mỹ Latinh, nơi dân số nghèo chiếm tỉ lệ lớn và có tốc độ đô thị hóa cao (nhiều người đi làm ở thành phố có nhu cầu gửi tiền về quê).

Ở Việt Nam, đối tượng khách hàng của MoMo cũng hoàn toàn tương tự. Khi phối hợp với ngân hàng, MoMo cho phép khách hàng có thể trực tiếp đến các điểm giao dịch để gửi hoặc nhận tiền mà không cần có tài khoản ví điện tử. Đây là một điểm mở so với mô hình chỉ chuyển tiền giữa các ví điện tử ở Kenya.

Nhưng liệu dịch vụ của MoMo có “đụng” với dịch vụ của các ngân hàng? Về vấn đề này, ông Diệp cho biết mô hình của MoMo và ngân hàng không hề “đụng” nhau mà MoMo chỉ bổ sung thêm các tiện ích để đáp ứng nhu cầu đa dạng của khách hàng.

Theo số liệu của Công ty Cổ phần Dịch vụ Thẻ Smartlink, tính đến cuối tháng 6.2014, chỉ mới có 32/47 ngân hàng triển khai dịch vụ Mobile Banking với 2,5 triệu tài khoản đăng ký.

Nếu phân thành 2 tầng thì mô hình ngân hàng hoạt động ở lớp trên, còn ví điện tử chạy độc lập ở lớp bên dưới. Bởi vì dịch vụ của ngân hàng làm thay đổi trực tiếp tài khoản ngân hàng của người sử dụng, còn ví điện tử thì không.

Với nguyên tắc này, ví điện tử chỉ thay đổi số dư nằm trên ví, còn tiền trong tài khoản ngân hàng của khách hàng liên kết với ví thì được ngân hàng quản lý, chứ không phải MoMo. Nghĩa là những giao dịch của ví điện tử chỉ nằm trong hệ sinh thái của nó, chỉ khi nào người sử dụng nộp tiền hoặc rút tiền thì mới trực tiếp tác động lên tài khoản ngân hàng.

Điều này cũng mang lại một thuận lợi khác. Đúng như vai trò của một dịch vụ cộng thêm, ứng dụng MoMo giúp cho người dùng đăng nhập và sử dụng dịch vụ nhanh chỉ với một lớp mật khẩu 6 ký tự. Nhưng không vì vậy mà việc giao dịch trên ví điện tử trở nên kém an toàn hơn. Với giá trị giao dịch nhỏ đến rất nhỏ, thông tin người dùng ở MoMo chỉ đơn giản là số điện thoại.

Chìa khóa “hệ sinh thái”

Tiềm năng khai thác dịch vụ tài chính này là rất lớn vì thị trường còn mới mẻ, ngay cả với chính các ngân hàng. Theo số liệu của Công ty Cổ phần Dịch vụ Thẻ Smartlink, tính đến cuối tháng 6.2014, chỉ mới có 32/47 ngân hàng triển khai dịch vụ Mobile Banking với 2,5 triệu tài khoản đăng ký, trong đó chỉ có 50% tài khoản là hoạt động thường xuyên. Trong khi đó, ông Diệp cho biết MoMo hiện có 500.000 tài khoản.

Về mặt luật pháp, Ngân hàng Nhà nước đã dần hoàn thiện cơ sở pháp lý đối với ví điện tử nhằm thúc đẩy phát triển thanh toán không dùng tiền mặt. Gần đây nhất là Thông tư 39 (ban hành vào ngày 11.12.2014) quy định cụ thể hơn về hoạt động của các loại hình hỗ trợ thanh toán trong đó có ví điện tử. Đây chính là lực đẩy cho các dịch vụ như MoMo phát triển.

Dù tiềm năng của ví điện tử là rất lớn, tuy nhiên thách thức cũng không nhỏ. Việc thuyết phục khách hàng thay đổi hành vi và sử dụng dịch vụ sẽ đòi hỏi các chi phí marketing không nhỏ. Với mô hình có giá trị dịch vụ nhỏ, cần phải có số lượng sử dụng rất lớn.

Một điểm quan trọng nữa là hệ sinh thái cho ví điện tử. Hiện có nhiều loại ví điện tử khác nhau, cung cấp đủ loại hình, nhưng chỉ ví điện tử nào có hệ sinh thái rộng lớn mới thu hút được người dùng. Đó là lý do vì sao mà dịch vụ thanh toán điện tử PayPal (thuộc eBay) phát triển.

Nếu trong mô hình bán lẻ, địa điểm là yếu tố vô cùng quan trọng thì trong mô hình ví điện tử, đó là yếu tố kết nối. Càng nhiều sản phẩm và dịch vụ của bên thứ ba, người dùng mới càng có nhu cầu sử dụng ví điện tử.

2015 sẽ là năm mà MoMo cải thiện những vấn đề này. "MoMo sẽ tập trung mạnh vào truyền thông cùng với việc triển khai hàng loạt các sản phẩm mới”, ông Diệp cho biết. Chiến lược sắp tới của MoMo vẫn là chú trọng vào dịch vụ chuyển tiền tại các điểm giao dịch với các đối tượng đa dạng hơn. Khách hàng đến điểm giao dịch không chỉ để chuyển tiền mà còn có thể thanh toán các loại dịch vụ khác.

Không đề cập đến doanh thu và lợi nhuận, nhưng ông Diệp cho biết MoMo vẫn đang trong quá trình đầu tư và việc mở rộng thị trường được đặt lên trên hết. Hiện nay, MoMo có mặt ở hơn 30 tỉnh thành với hơn 4.000 điểm giao dịch. Ông Diệp kỳ vọng sang năm, MoMo sẽ tăng gấp đôi số điểm giao dịch và tăng gấp 5 lần số lượng tài khoản sử dụng hiện tại. “Mô hình hấp dẫn nhưng vận hành phức tạp, cần sự kiên nhẫn và nhìn đến tương lai thì mới vững tâm mà bước tiếp”, ông Diệp kết luận.

Việt Dũng
Nguồn Nhịp cầu Đầu tư