Masan thêm món trên bàn ăn

Trên “bàn ăn” do Masan sở hữu, ngoài nước tương, nước mắm, mì gói, càphê, dự kiến vào năm 2014 có thêm thịt, cá, hải sản…

Bỏ 96 triệu USD, tương đương 2.000 tỉ đồng, để mua lại toàn bộ 40% cổ phần mà hai quỹ của Prudential đang nắm giữ tại công ty cổ phần Việt – Pháp sản xuất thức ăn gia súc (Proconco), tập đoàn Masan đặt bước chân đầu tiên tại thị trường thức ăn – chăn nuôi Việt Nam. Theo Masan, thương vụ mua lại Proconco đặt nền móng để Masan Consumer, đơn vị MSN nắm 77% vốn điều lệ, tham gia vào phân khúc thị trường cung cấp chất đạm (thịt, cá, hải sản) với tiềm năng tăng trưởng cao, dựa trên cơ sở sự gia tăng dân số của Việt Nam.

Tham vọng cung ứng thịt sạch chuẩn châu Âu

Ông Fiarchra Mac Cana, giám đốc điều hành và phụ trách nghiên cứu của công ty chứng khoán TP.HCM (HSC) cho biết, Masan Consumer đã mua số cổ phần này thông qua đấu giá diễn ra vào tháng 7 vừa qua với giá tương ứng P/E khoảng 6 lần. Proconco dự kiến sẽ đóng góp lợi nhuận cho Masan Consumer từ quý 3 trở đi.

Proconco là doanh nghiệp thức ăn chăn nuôi lớn thứ hai trong nước với thương hiệu Cám con cò, đang nắm giữ thị phần khoảng 12%, sản lượng năm 2011 là 1,2 triệu tấn và doanh thu năm 2011 là hơn 12.000 tỉ đồng.

Theo HSC, lợi nhuận sau thuế của Proconco năm 2011 đạt 33,1 triệu USD và dự báo năm nay sẽ đạt khoảng 40 triệu USD. Trên trang thông tin của mình, Cám con cò cho biết đang chuyển từ một nhà cung cấp thức ăn chăn nuôi đến một nhà cung cấp thực phẩm an toàn, lành mạnh và giá cả phù hợp cho người dân trong nước. Như vậy, tham vọng của Proconco và Masan khá tương đồng, chưa kể cổ đông lớn của Proconco là Dofico, một doanh nghiệp có khả năng cung ứng hoàn chỉnh từ trang trại tới bàn ăn.

Theo hiệp hội Thức ăn chăn nuôi Việt Nam, tổng sản lượng thức ăn công nghiệp năm 2012 khoảng 13,5 triệu tấn, trong đó có 2,5 – 3 triệu tấn thức ăn nuôi trồng thuỷ sản, còn lại dành cho gia súc, gia cầm. Doanh số cho toàn thị trường thức ăn chăn nuôi ở Việt Nam đạt xấp xỉ 6 tỉ USD, song nguyên liệu nhập khẩu chiếm 60% về lượng và 50% về giá trị.

Để thực hiện được mục tiêu cung cấp nguồn đạm có chất lượng châu Âu, Masan Consumer dự định sẽ xây dựng nên một chuỗi giá trị “giống sạch – thức ăn sạch – nuôi sạch – phân phối, bảo quản sạch”. Công ty này cho biết đã lên kế hoạch để hoàn thành việc xây dựng chuỗi giá trị này trong năm 2013 trước khi tung ra các sản phẩm cung cấp chất đạm sạch theo chuẩn châu Âu mang thương hiệu của Masan cho thị trường Việt Nam trong năm 2014.

Đầu đã xuôi, chờ đuôi qua lọt

Tập đoàn Masan là cổ đông lớn nắm giữ 31% của Techcombank, và là đơn vị sở hữu Núi Pháo, mỏ vonfram được cho thuộc loại lớn trên thế giới. Tính đến cuối tháng 6, Masan là doanh nghiệp hiếm hoi trên sàn có số dư tiền mặt gần 9.000 tỉ đồng. Trong thời khó khăn, tiền mặt là vua, thì Masan – như năm 2010 đã từng mua Núi Pháo khi các nhà đầu tư nước ngoài rút lui – đã dành một phần trong đó để đẩy mạnh sự tăng trưởng thông qua những thương vụ M&A với các doanh nghiệp lớn, chủ yếu trong lĩnh vực thực phẩm. Năm ngoái, Masan Consumer đã bỏ ra khoảng 69 triệu USD để mua hơn 50% vốn điều lệ Vinacafé, và hiện đang mua thêm 1 triệu cổ phiếu càphê này để tăng tỷ lệ sở hữu lên 54,01%.

Có trong tay một công ty liên kết chiếm thị phần lớn thứ hai trên thị trường thức ăn gia súc, xem như Masan có một bàn đạp tương đối để khởi sự ý định cung cấp nguồn đạm. “Giống như hầu hết các doanh nghiệp nhà nước khác, Proconco là doanh nghiệp chưa được khai thác hết tiềm năng và hoạt động còn kém hiệu quả. Do đó, tỷ suất lợi nhuận trong trung hạn của Proconco sẽ được cải thiện nhờ MSN sẽ tìm cách tinh giản hoá và nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp”, ông Fiachra Mac Cana nói. Theo ông, trong trung hạn, Masan Consumer có thể trở thành đối thủ cạnh tranh lớn của Vissan, hiện là doanh nghiệp lớn nhất trong lĩnh vực cung cấp thịt. Tuy nhiên, Proconco mới là miếng ghép khởi đầu, bởi hai vấn đề Masan cần giải quyết. Thứ nhất, nâng lượng cổ phần nắm giữ ở Proconco thông qua mua lại cổ phần của các doanh nghiệp trong nước. Thứ hai, không loại trừ khả năng Masan sẽ mua doanh nghiệp có dây chuyền chế biến thực phẩm đóng hộp.

Nguồn Sài Gòn Tiếp Thị