Chuyện bản quyền: buộc kinh doanh ứng xử đúng với sáng tạo

Sức ép về các lĩnh vực liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ, gian lận thương mại, quy chế xuất xứ, công nghiệp sáng tạo… đang ngày càng mạnh lên, sẽ tác động đến chuyện làm ăn của từng doanh nghiệp và toàn bộ môi trường thương mại Việt Nam.

Chỉ sau vài ngày Coca-Cola và Samsung rút quảng cáo trên Zing vì vấn đề bản quyền, Zing phải lập tức công bố thoả thuận bản quyền với Universal Music và cho biết sẽ ký kết hợp đồng tương tự với các hãng nhạc quốc tế khác. Trước đó liên minh Bản quyền trí tuệ thế giới (IIPA) cho biết đã từng cảnh báo Zing. Việc xoay trở muộn của Zing có thể thành kinh nghiệm cho các trường hợp kinh doanh khác, và cho thấy doanh nghiệp Việt Nam sắp tới khó thể lơ là trong việc ứng xử phù hợp với quyền sở hữu trí tuệ.

Một số người tiêu dùng Việt Nam vẫn có thói quen mua máy tính nhưng không mua phần mềm có bản quyền. Ảnh chỉ mang tính minh hoạ. Ảnh: Hồng Thái

Phản ứng mạnh hơn

Zing không phải là trường hợp đơn lẻ. Vài tháng gần đây số doanh nghiệp bị thanh tra về vi phạm bản quyền phần mềm diễn ra với tần suất dày hơn. Đa số là những công ty hàng đầu trong lĩnh vực bán lẻ hàng công nghệ như Thế Giới Di Động, Thiên Nam Hoà, Viettel, Pico và nhiều cửa hàng máy tính như An Phát, Á Châu, Gia Huy, Lê Phụng, Thái Ngân, Sáng Tạo… Có công ty nằm trong top 500 doanh nghiệp lớn nhất của Việt Nam, có doanh nghiệp bị thanh tra vòng 2. Chưa kể lâu nay nhiều công ty Đài Loan, Hàn Quốc, Mỹ… làm ăn tại Việt Nam cũng bị “tập kích”. Phần mềm bị vi phạm của các nhà cung cấp cả trong lẫn ngoài nước như Microsoft, Adobe, Autodesk, Corel, Lạc Việt, Symantec, Tekla...

Các công ty trong nước cũng phản ứng mạnh hơn. Công ty phần mềm MISA mới đây lên tiếng về nạn rao bán phần mềm giả, bị bẻ khoá công khai trên các mạng xã hội và mời cục Cảnh sát phòng chống tội phạm công nghệ cao điều tra vụ việc. Một phần mềm kế toán MISA cung cấp khoảng 10 triệu đồng được rao bán từ 500.000 đồng đến hai triệu đồng. “Vụ việc gây ảnh hưởng đến thương hiệu và chất lượng sản phẩm của MISA và gây thiệt hại to lớn đối với khách hàng chúng tôi”, MISA phản ứng. Tương tự, công ty Bkav cũng phản ứng: “Chúng tôi mất hai đến ba năm cho một sản phẩm nhưng vừa ra mắt thị trường là có thể bị đánh cắp. Quyền sở hữu trí tuệ không được bảo vệ khiến doanh nghiệp không có nguồn thu để tái đầu tư cho sản phẩm tốt hơn”.

Sức ép này thực ra đã liên tục nhiều năm qua và ngày càng mạnh. Liên minh Phần mềm doanh nghiệp (BSA) đánh giá tỷ lệ phần mềm máy tính lậu năm 2011 là 81% với giá trị thương mại 395 triệu USD, ở vị trí thứ 22 toàn cầu, nếu so với năm 2003 có mức độ vi phạm đứng đầu thế giới là 92%. Tuy nhiên BSA không quên gửi đi thông điệp: “Kết quả này là bằng chứng về sự nỗ lực của Chính phủ, tuy nhiên Việt Nam vẫn phải đối mặt với khó khăn để giảm tỷ lệ xuống ngang bằng khu vực và thế giới là 60% và 42%”. Một cảnh báo khác của hiệp hội Điện ảnh Hoa Kỳ với dữ liệu ít nhất 80 website Việt Nam vi phạm luật Sở hữu trí tuệ và cho rằng “Việc xử lý của các cơ quan chức năng Việt Nam về vi phạm quyền Sở hữu trí tuệ nói chung và bản quyền phần mềm nói riêng là chưa đủ mạnh”.

Rào cản lớn hơn với doanh nghiệp

Nếu các xử phạt trước đây chủ yếu về phần mềm thương mại, thì nay mở rộng đến các nền tảng nội dung trên internet, đối tượng doanh nghiệp cũng ngày càng mở rộng. Các bang đầu tiên của Mỹ đã áp dụng bộ luật Cạnh tranh không lành mạnh nhờ sử dụng phần mềm không bản quyền trong sản xuất và kinh doanh. Theo tính toán, một doanh nghiệp sử dụng phần mềm bất hợp pháp sẽ có lợi thế về giá và cạnh tranh không bình đẳng với doanh nghiệp khác, bởi mỗi năm họ phải đầu tư hàng trăm ngàn đôla cho phần mềm chính hãng để đảm bảo các quy định kinh doanh quốc tế. Nếu cơ quan điều tra Mỹ đưa vào điều tra chống bán phá giá, họ có thể cộng thêm các chi phí sản xuất thực tế từ phần mềm như chi phí thiết kế, tiếp thị, phân phối…

Theo ông Vũ Bá Phú, phó cục trưởng cục Quản lý cạnh tranh, ngày càng có thêm các công cụ bảo hộ hữu hiệu ở các nước phát triển nhằm tạo ra rào cản kỹ thuật mới đối với hàng hoá xuất khẩu, vì vậy các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam cần quan tâm về lĩnh vực sở hữu trí để tránh nguy cơ bị kiện bởi các đối thủ cạnh tranh. Xa hơn nữa là các bang khác của Mỹ cũng xây dựng những bộ luật tương tự để bảo vệ doanh nghiệp mình, chưa kể khả năng các nước châu Âu, Canada và Nhật cũng đưa ra các quy định tương tự.

Chính phủ Việt Nam không chỉ chịu sức ép tạo hành lang an toàn về sở hữu trí tuệ ủng hộ nền công nghiệp trong nước phát triển và hội nhập, mà cao hơn còn là phải tạo ra một môi trường lành mạnh cho các nhà đầu tư làm ăn tại Việt Nam. Khi thị trường đạt đến độ lớn, các đối tác sẽ càng nhấn bước yêu cầu quyền lợi, việc xài chùa không thể tiếp diễn. “Doanh nghiệp Việt Nam phải thích nghi với một nền kinh tế có sự bảo hộ chặt chẽ về quyền sở hữu trí tuệ. Thời gian tới các nền công nghiệp hàng đầu thế giới sẽ đưa ra các cải tiến công nghệ mới, họ buộc phải có các quyết định ràng buộc quan hệ thương mại, theo đó các chính phủ đó sẽ hành xử để bảo vệ doanh nghiệp mình”, một chuyên gia về sở hữu trí tuệ nhận định.

Theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, trong đàm phán hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), các vấn đề trở ngại lớn với Việt Nam là về sở hữu trí tuệ, các cam kết về đổi mới công nghệ, bảo vệ môi trường, các đòi hỏi khắt khe về quy chế xuất xứ... “Nhưng đó cũng chính là điều kiện cần để thúc đẩy doanh nghiệp trong nước nâng cao năng lực cạnh tranh bằng cách chấp nhận các chuẩn mực mới cao hơn. Đây là điều kiện cần cho một nền kinh tế phát triển chiều sâu”, bà Lan nhận định.

Nguồn Sài Gòn Tiếp Thị