Người thành công nghiện nặng công việc như thế nào?

Theo trang Business Insider, những doanh nhân này trả lời mail bất cứ lúc nào, bay hơn 240.000 km/năm, làm việc chăm chỉ gấp đôi người khác...

CEO Apple Tim Cook gửi mail cho nhân viên lúc 4h30 mỗi sáng

Steve Jobs ra đi, để lại cho Cook một trọng trách vô cùng lớn. Tuy nhiên nhờ có lòng đam mê và nhiệt huyết với công việc, ông đã làm rất tốt nhiệm vụ của mình. Tạp chí Fortune cho biết, Cook gửi mail cho nhân viên từ 4h30 sáng.

Trang Gawker cũng cho hay Cook luôn tới công ty sớm nhất và là người ra về cuối cùng. Trước kia,ông thường tổ chức những buổi họp nhân viên vào tối chủ nhật để chuẩn bị cho thứ hai đầu tuần.

Mary Barra lên được vị trí lãnh đạo tại General Motor sau 33 năm làm việc tại công ty

Năm 18 tuổi, Barra đăng ký chương trình học cơ khí do General Motor tài trợ. Tạp chí Fortune cho biết, trong thời gian đó, mỗi năm bà dành 6 tháng để tìm tòi, nghiên cứu về các phụ tùng tại nhà máy Ponitiac.

Dần dần, bà leo được lên hàng ngũ lãnh đạo nhờ khả năng phán quyết thông minh và sự sẵn sàng cống hiến. Theo Financial Times, đồng nghiệp cho biết bà là người đầu tiên có mặt ở văn phòng và cũng là người làm việc đến tận khuya, thậm chí trả lời mail sau 23h. Năm 2013, những cống hiến của Barra được ghi nhận khi bà trở thành nữ CEO đầu tiên của GM.

Mark Cuban không có kỳ nghỉ nào trong suốt 7 năm khi mới khởi nghiệp

Thoạt nhìn nhiều người sẽ cho rằng thành công đáng kinh ngạc của Cuban, chủ tịch Dallas Mavericks, là nhờ vận may bởi ông bán đi công ty đầu tiên của mình khi nó đang rất được giá và lấn sân sang thị trường chứng khoán công nghệ vào đúng thời điểm.

Cuban chia sẻ trên blog của mình rằng để có được cái gọi là vận may ấy ông đã phải đánh đổi bởi biết bao mồ hôi và công sức. Trong thời gian thành lập công ty đầu tiên của mình, ông thường xuyên thức đến 2h để đọc báo cập nhật tin tức những phần mềm mới. Cứ thế trong suốt bảy năm, ông không có kỳ nghỉ nào.

Maria Das Gracas Silva Foster được ví là “Caveirao”, loại xe bọc thép chuyên dụng của lực lượng cảnh sát Brazil

Tuổi thơ của Gracas Foster, CEO của Petrobras, là những tháng ngày sống trong khu nhà ổ chuột, đi nhặt vỏ chai để kiếm tiền đi học. Năm 1978, bà bắt đầu làm thực tập sinh tại công ty dầu khí Petrobras, và nhanh chóng trở thành trưởng kỹ sư giàn khoan nữ đầu tiên của công ty.

Trang Bloomberg cho biết tác phong, nguyên tắc làm việc của Foster khiến đồng ngiệp ví bà như “Caveirao”, một loại phương tiện bọc thép mà cảnh sát Brazil lái mỗi khi đi càn quét các khu dân cư nhiều tội phạm.

Jeff Bezos, CEO Amazon, có ý chí quyết tâm cực cao

Jeff Bezos có thói quen làm việc không ngừng nghỉ và quyết tâm cao độ. Một người bạn cùng lớp của ông trước đây chia sẻ rằng một khi Bezos tuyên bố muốn trở thành đại diện học sinh đọc diễn văn trong lễ tốt nghiệp, chúng tôi hiểu rằng dù cố gắng mấy thì mình cũng chỉ ở vị trí thứ hai.

Trong những ngày đầu của Amazon, Bezos làm việc 12 giờ một ngày, 7 ngày một tuần. Mỗi ngày đều phải thức đến 3h sáng để giao hết sách. Giờ đây khi Amazon đã là một gã khổng lồ, Bezos vẫn đích thân gửi mail cho nhân viên nhắc nhở những vấn đề về dịch vụ chăm sóc khách hàng và yêu cầu họ trực tiếp trình bày hướng giải quyết.

Carlos Ghosn bay hơn 240.000 km mỗi năm

Carlos Ghosn hiện đang điều hành hai trong số những công ty sản xuất ô tô lớn nhất: Nissan và Renault. Điều này có thể nói lên phần nào về tinh thần làm việc của ông. Tạp chí Forbes cho biết Ghosn làm việc hơn 65 giờ mỗi tuần, và hàng tháng ông mất tầm 48 giờ ngồi máy bay. Tổng cộng mỗi năm, Ghosn bay khoảng 240.000 km.

Việc Ghosn thay đổi Nissan một cách nhanh chóng đã trở thành đề tài của biết bao công trình nghiên cứu. Trong vòng một tháng kể từ ngày chính thức điều hành Nissan năm 1999, Ghosn đã áp dụng một hệ thống mới làm thay đổi hoàn toàn phương thức làm việc cũ rích. Nhờ đó, ông đã vực dậy công ty mà nhiều người tưởng là không thể cứu nổi.

Ông trùm kinh doanh Hong Kong Li Ka-Shing trở thành giám đốc nhà máy ở tuổi 19

Là một trong những người giàu nhất châu Á, đồng thời là nhân vật có tiếng trong tại Hong Kong, Ka-Shing bắt đầu làm việc cật lực từ khi còn là thiếu niên và xây dựng cho mình một đế chế trị giá 31 tỷ USD.

Ở tuổi 15, Ka-shing rời trường và bắt đầu làm việc trong một nhà máy nhựa. Đến năm 19 tuổi, Ka-Shing được bổ nhiệm chức giám đốc nhà máy. Năm 1950, ông mở công ty riêng. Một mình đảm đương nhiều trọng trách thậm chí là kế toán.

Sheryl Sandberg, Giám đốc tác nghiệp của Facebook có thể cân bằng giữa gia đình và công việc

Sandberg nổi tiếng vì cô là một trong số ít doanh nhân rời văn phòng từ 5h30 để đi ăn tối với chồng và dành thời gian cho con cái. Nhưng theo một cuộc phỏng vấn với tạp chí Harvard Business Review, ngay sau khi con đi ngủ, Sandberg quay trở lại với công việc của mình.

Được đầu tư rất nhiều thời gian và công sức nên bất cứ thứ gì Sandberg làm đều cực kỳ ấn tượng. Chung quy lại, cô là giám đốc vận hành vô cùng thành công và có sức ảnh hưởng của một công ty trị giá nhiều tỷ USD. Cô cũng là tác giả của những cuốn sách bán chạy, đồng thời cũng là một trong những nhà hoạt động tích cực vì quyền lợi của phụ nữ ở nơi làm việc.

Martin Sorrell nghiện làm việc đến mức trả lời email bất cứ lúc nào

CEO của người hùng quảng cáo WPP được tờ Financial Times miêu tả là một người nghiện làm việc có tiếng. Một ngày của ông thường bắt đầu từ 6h sáng và dường như không biết lúc nào mới là giờ tan ca.

Thậm chí khi nhận được tin nhắn từ khách hàng vào lúc 2 - 3h sáng (do lệch múi giờ), Martin vẫn trả lời gần như ngay lập tức.

Marissa Mayer, CEO Yahoo, làm việc 130 tiếng/ tuần khi còn ở Google

Mayer được biết đến với thời gian biểu có một không hai. Theo tạp chí Entrepreneur, cô từng dành 130 giờ mỗi tuần để làm việc khi còn ở Google và phải tranh thủ ngủ dưới gầm bàn.

Nich Carlson của tạp chí Business Insider cho biết, dù mọi người chỉ trích phong cách quản lý của cô, nhưng vẫn phải công nhận rằng Mayer thuộc tuýp người sẵn sàng làm việc 24/7. Mọi nỗ lực đã được đền đáp khi cô trở thành một trong những người có quyền lực trong ngành công nghệ.

Jeffrey Immelt làm việc 100 tiếng/tuần trong suốt 24 năm

Một bài báo trên tạp chí Fortune năm 2005 đã miêu tả Immelt, CEO công ty đa quốc gia GE, là “nhà quản lý được điểu khiển bằng điện tử”. Nhấn mạnh tinh thần làm việc của Immelt, bài viết cho hay ông từng làm việc 100 tiếng/tuần trong suốt 24 năm. Ông phân chia thời gian từng li từng tí để có thể giải quyết từng vấn đề trong kinh doanh.

Ngày làm việc của Immelt bắt đầu sau bài thể dục buổi sáng lúc 5h30. Thậm chí trong thời gian tập ông còn tranh thủ đọc báo và xem CNBC.

Indra Nooyi, CEO Pepsi, từng làm lễ tân ca đêm để kiếm tiền trang trải học phí

Có ai biết được rằng một trong những nữ doanh nhân nổi tiếng và quyền lực nhất thế giới, Nooyi, từng phải làm lễ tân từ nửa đêm đến 5 giờ sáng để kiếm tiền trang trải học phí cao học tại đại học Yale.

Tạp chí Fortune cho biết, hiện nay bà thường thức dậy từ 4 giờ sáng. Trong Festival Ý tưởng Aspen hồi đầu năm nay, Nooyi cho biết nhiều khi cô phải làm việc đến nửa đêm. Và có lẽ, việc cống hiến tất cả cho sự nghiệp đã biến bà trở thành người mẹ tồi.

Elon Musk khuyên các doanh nhân nên làm việc chăm chỉ gấp đôi người khác

Là người đồng sáng lập PayPal, nhà sáng lập SpaceX và CEO Tesla, Elon Musk nổi tiếng với tinh thần làm việc không mệt mỏi. Trong một buổi phỏng vấn với Vator, ông khuyên các doanh nhân rằng để gặt hái được thành công thì họ phải làm việc chăm chỉ gấp đôi những người khác. “Nếu người ta làm việc 40 tiếng/tuần thì bạn phải làm 100 tiếng”, Musk nói.

Hoài Thu
Nguồn Zing News